Tiến sĩ Lisa Firestone - Giám đốc Nghiên cứu và Giáo dục tại Hiệp hội Glendon (Mỹ) chia sẻ: "Thật khó để tưởng tượng vì sao nhiều đứa trẻ ngây thơ có thể trở thành con người bạo lực khi trưởng thành. Liệu có ai vừa chào đời đã bạo lực? Liệu, thực sự có những “hạt giống xấu xí” khi nói đến cuộc sống con người? Giống như nhiều phẩm chất khác, bạo lực liên quan đến sự tương tác thực sự giữa di truyền và môi trường".
Chuyên gia này nhấn mạnh, chúng ta không thể thay đổi ADN khi được sinh ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách các gen này biểu hiện. Với tất cả yếu tố được chứng minh có thể góp phần vào nguy cơ bạo lực, không thể nói rằng, những người bạo lực đã như vậy từ khi được sinh ra. Có rất nhiều điều có thể ngăn chặn bạo lực.
Bạo lực là kết quả của sự kết hợp các yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý. Đặc biệt là những yếu tố làm tăng khả năng bị tổn thương, xấu hổ và sỉ nhục. Để ngăn chặn bạo lực, cần bảo đảm rằng, mọi người đều cảm thấy an toàn, được quan tâm và kết nối. Đồng thời, họ cần có ý thức lành mạnh và thực tế về lòng tự trọng cũng như giá trị bản thân.
"Một người phụ nữ tôi biết đã một mình nuôi dạy hai con trai song sinh. Cô làm hai công việc một lúc để kiếm tiền nuôi gia đình và không còn cách nào khác ngoài việc để các con thường xuyên một mình. Một cậu bé vùi đầu vào sách vở và coi giáo dục là nơi nương tựa. Cậu còn lại tham gia băng đảng và coi bạo lực như một lối thoát", bà Firestone chia sẻ.
Theo nữ chuyên gia này, sự tổn thương và bị bỏ mặc như vậy, dù không cố ý, đã vô tình khiến hành vi bạo lực nhen nhóm. Vì vậy, để ngăn chặn trẻ trở thành con người bạo lực, Tiến sĩ Firestone đã gợi ý những biện pháp cha mẹ có thể thực hiện:
Luôn quan tâm con
Trước hết, cha mẹ cần bảo đảm rằng, trẻ em luôn được quan tâm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em cần tối thiểu sự quan tâm từ 5 người lớn để giúp chúng phát triển khoẻ mạnh và hạnh phúc.
Bà Firestone nhấn mạnh, không chỉ cha mẹ tác động đến con, ông bà, cô, chú, giáo viên, cố vấn và bạn bè cũng có thể đóng vai trò là những tấm gương tích cực cho trẻ. Cha mẹ có thể làm tổn thương bản thân và con bằng cách tạo ra một môi trường cô lập trẻ.
Thay vào đó, phụ huynh cần khuyến khích những người tốt bụng, nhân ái và có đạo đức "bước" vào cuộc sống của con ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Tạo dựng lòng trắc ẩn
Nữ chuyên gia cho biết, cha mẹ cần giúp con xây dựng lòng trắc ẩn bằng cách hòa hợp với chúng. Ngoài ra, phụ huynh không nên có hành vi bạo lực trước mặt con, hoặc bạo lực với con. Cha mẹ hãy là chỗ dựa vững chắc, an toàn của trẻ và sẵn sàng sửa chữa khi mắc lỗi.
"Tất cả chúng ta đều mắc lỗi với tư cách là cha mẹ. Tuy nhiên, việc thừa nhận và xin lỗi về những sai lầm này sẽ cho con thấy rằng, cha mẹ cũng là con người. Vì vậy, con không nên trách cha mẹ. Thay vào đó, trẻ cần thể hiện sự quan tâm và lo lắng", Tiến sĩ Firestone nói.
Nuôi dưỡng sự đồng cảm
Giúp trẻ biết đồng cảm là một trong những yếu tố quan trọng khác để con không có xu hướng bạo lực.
"Hãy tưởng tượng cảnh con bạn đánh một đứa trẻ khác trong công viên. Khi đó, bạn có thể khăng khăng bắt con nói “xin lỗi”. Tuy nhiên, bạn sẽ làm gì để con cảm thấy đồng cảm?", chuyên gia cho hay.
Nói xin lỗi có thể trở nên vô nghĩa nếu một đứa trẻ không cố ý. Vào những lúc như vậy, phụ huynh hãy yêu cầu trẻ mô tả cảm giác của con khi bị đánh. Điều này sẽ giúp con cảm nhận được lòng trắc ẩn và sự cảm thông. Đồng thời, con cũng hiểu được việc làm ai đó tổn thương thực sự có hậu quả như thế nào.
Chú ý tới con
Theo nữ chuyên gia này, quan trọng là cha mẹ luôn chú ý tới con, thay vì im lặng hoặc né tránh trẻ. Đặc biệt, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới trẻ nếu con đang ở tuổi vị thành niên. Trái lại, những hành vi không đúng mực của trẻ có thể xảy ra khi con cảm thấy tổn thương và muốn được người khác chú ý.
Tự hào về con
"Hãy giúp con tìm ra điều mà chúng giỏi và khen ngợi những thành tích đó", Tiến sĩ Firestone gợi ý.
Việc thừa nhận những thành tích và khả năng của trẻ sẽ giúp con biết giá trị của mình. Sự thô lỗ được chứng minh chính là nguyên nhân gây ra bạo lực. Ngược lại, trẻ em có khả năng trở thành người tích cực nếu được tạo cơ hội xây dựng các kỹ năng.
Tránh hình phạt khắc nghiệt
"Đừng trừng phạt trẻ một cách thô bạo. Khi chúng ta bạo lực, ngược đãi hoặc thiếu nhạy cảm với con, chúng ta sẽ khiến con học theo. Khi đó, cha mẹ sẽ là người dạy trẻ không thông cảm, mất kiểm soát và tức giận tuỳ ý", chuyên gia nhấn mạnh.
Thay vào đó, cha mẹ cần hòa hợp trong cách kỷ luật con. Các phụ huynh hãy chắc chắn rằng, hình phạt xuất phát từ sự quan tâm và chăm sóc, không phải từ vấn đề về cảm xúc của cha mẹ.
Tĩnh tâm
Phụ huynh được khuyến khích dạy con các cách thức để bình tĩnh khi đang buồn bực. Cách tốt nhất để làm điều này là cha mẹ hãy làm gương. Điều quan trọng là phụ huynh phải thể hiện sự kiên nhẫn, chiến lược giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tỏ ra cứng rắn hay che giấu cảm xúc. Cha mẹ cần thể hiện kỹ năng xử lý xung đột và cảm xúc trong cuộc sống. Nhờ đó, khuyến khích trẻ làm điều tương tự.
"Với tư cách là cha mẹ, người chăm sóc và nhà giáo dục, cho dù chúng ta có mục đích ngăn chặn đứa trẻ trở nên bạo lực hoặc hướng trẻ khỏi cuộc sống đã bị bạo lực, chúng ta phải nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và niềm tin vào lòng tốt và tiềm năng của con người", Tiến sĩ Firestone chia sẻ.