Cách chấm điểm trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời xưa tiến hành các kì thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn nhân tài, nhưng cách chấm điểm chi tiết thế nào chúng ta chưa biết rõ.

Trường thi ở Nam Định, khoa thi Hương Canh Tý, 19/1/1901. Ảnh minh họa.
Trường thi ở Nam Định, khoa thi Hương Canh Tý, 19/1/1901. Ảnh minh họa.

Theo sách “Khoa mục chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú, đến năm 1721, tức năm Bảo Thái thứ 2 đời vua Lê Dụ Tông, nhà Lê trung hưng mới định phép khảo hạch thi Hương.

Theo đó, ở kì thi Hương, cho các quan huyện khảo hạch học trò, chọn lấy những người giỏi đưa lên Phủ doãn hay hai ty (ty Thừa chính và ty Hiến sát) khảo kỹ lại, rồi đánh giá học trò chia ra thành hạng “sảo thông” (khá thông kiến thức) và “thứ thông” (thông vừa).

Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho biết thêm về thể lệ thi này: Mỗi năm, có hai kỳ thi khảo. Người nào trúng 8 kỳ thi khảo, nếu là sinh đồ sẽ được miễn các kỳ thi khảo hằng năm, nếu là đồng sinh sẽ được đi thi Hương.

Về hạn định số sĩ tử được cử đi thi Hương thì huyện lớn được 200 người, huyện vừa 150 người, huyện nhỏ 100 người. “Cương mục” giải thích thêm về cách thi: “Trước hết do viên huyện phúc khảo, chọn lấy người trội nhất gọi là “toát vưu”, sau do viên phủ và hai ty Thừa chính Hiến sát phúc khảo lại để định từng hạng: Người nào nghĩa lý về văn bài có phần trội hơn gọi là hạng “sảo thông”, người nào có phần kém một chút gọi là hạng “thứ thông”.

“Khoa mục chí” bổ sung về việc khảo hạch này: “Được cùng kêu tị nhau để định ưu liệt”, tức là các sĩ tử cũng được tiếp tục thi đua với nhau để định ra hạng “ưu” và hạng “liệt”. “Cương mục” thì giải thích: Sau khi đã chia từng hạng rồi, nếu có người nào chưa vừa ý, được phép tự mình khiếu tố so sánh, để ấn định người hơn, người kém.

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. Ảnh minh họa.

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. Ảnh minh họa.

Theo “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng, cũng năm này, nhà Lê quy định luôn cách chấm thi Hội. Vì trước đó trong các khoa thi Hội, cứ tùy vào từng kỳ mà lấy vào hay đánh hỏng nhiều ít khác nhau, chứ không có quy chế nhất định. Đến năm này, chúa Trịnh Cương có ý muốn rộng cầu hiền tài, lo rằng quan trường cứ tùy ý mình mà lấy hay bỏ, đến nỗi có sự sơ suất, nên đặc biệt ra lệnh định rõ “phân số” lấy vào hay loại bỏ trong hai kỳ (kỳ đệ nhất và đệ nhị), còn số lấy trúng hay đánh hỏng ở kỳ thứ ba phải xin lệnh chúa quyết định.

Về quy định chấm theo “phân số”, thì bài thi chia ra các hạng hơn kém, như hạng “ưu” có ưu to và ưu nhỏ, hạng “bình” có bình to và bình nhỏ, hạng “thứ”, có các loại thứ mác, thứ cộc, thứ tép và thứ muỗi, rồi đến hạng “liệt”. Các điểm chấm ấy gọi là “phân số”, như ngày nay ta chấm điểm từ 1 điểm đến 10 điểm.

Cũng theo “Khoa mục chí” thì sang năm 1726, vua Lê và chúa Trịnh tiếp tục định cách chấm quyển thi Hội. Theo đó, các quan trường xét quyển thi, hội đồng để chấm, một người đọc, một người nghe, xét cho thỏa đáng, rồi quyết định lấy đỗ hay đánh hỏng (chi tiết này không có trong bộ “Cương mục”).

Đời Lê đế Duy Phường, năm 1732, triều Lê lại thi hành lệ khảo hạch thi Hương cũ. Theo thể lệ khảo hạch các khoa trước kia, thì các nho sinh và sĩ tử đều lệ theo huyện để thi, người có tài văn chương thì lệ theo quan phụ trách việc giáo dục ở phủ huyện (gọi là hiệu quan) mà thi.

Đến đầu niên hiệu Bảo Thái (đời vua Lê Dụ Tông) đổi sang cho quan phủ giữ việc khảo hạch, huyện quan và hiệu quan hội đồng để chấm. Do việc ít, người nhiều, dần dần sinh ra những gian tệ. Do đó, đến năm này, vì dư luận xôn xao nên triều đình cho quay về phép khảo cũ.

Phép thi Hương lại được thay đổi dưới thời vua Lê Hiển Tông, và quay lại như cũ. Vì đầu thời Lê trung hưng, thi Hương ở tỉnh có lệ xã “khảo”, tùy xã lớn, xã trung, xã nhỏ, khai tên học trò đưa lên huyện, huyện quan chọn lấy những người thông văn lý, xã lớn 20 người, xã trung 15 người, xã nhỏ 10 người, gọi là tứ trường.

Những quyển thi trường nhất, nhì, ba cùng với quyển thi của nho sinh và sinh đồ đưa đi khảo một thể, và ai làm đủ quyển đều lấy đỗ. Lúc này hạng trung gian đổi làm hạng sảo thông. Cách chấm này khiến nhiều nhiều học trò giỏi lại bị hỏng. Do đó, triều đình bàn định thi hành lại lệ cũ, nhờ đó học trò dẫu là con nhà gia thế cũng không có kẻ đỗ lạm.

Phan Huy Chú đánh giá nhờ đó “Người thực tài đều không bị bỏ sót, mọi người đều cho là tiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ