Các trường vùng cao giải bài toán duy trì sĩ số mùa nương rẫy

GD&TĐ - Theo thống kê của ngành GD, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 1.800 HS bỏ học, trong đó có gần 1.200 HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Các trường vùng cao giải bài toán duy trì sĩ số mùa nương rẫy

Phần lớn các em chỉ nghỉ học tạm thời, giúp bố mẹ làm rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa mới; tuy nhiên, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em cũng như kế hoạch dạy học ở các trường, nhất là khi năm học cũng chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc. Đây cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh miền núi, vùng cao ở nước ta mỗi khi bà con vào mùa nương rẫy, chứ không riêng gì tại Tây Nguyên.

Vào mùa rẫy, HS nghỉ học tăng đột biến

Mặc dù thời gian này đang là cao điểm ôn thi học kỳ II và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, nhưng tỷ lệ HS bỏ học tại Gia Lai liên tục tăng. Tại Trường THCS Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang) một tuần trở lại đây việc duy trì sĩ số gặp muôn vàn khó khăn.

Cô Trần Thị Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Jơ Ta cho biết, đây là thời điểm thu hoạch khoai mì nên nhiều em HS nghỉ học để đi phụ giúp gia đình. Hiện toàn trường có 214 em HS, mỗi ngày có khoảng 40 - 45 em HS nghỉ học, tập trung chủ yếu ở các khối lớp 8 và lớp 9. Một lý do khác, tỷ lệ HS của trường nghỉ nhiều là do nhiều em HS không có phương tiện đi học, trong khi nhà lại xa trường.

Chúng tôi gặp em em Đưk (người dân tộc Ba Na) HS lớp 9, Trường THCS Đăk Jơ Ta, vừa mới quay lại trường sau hơn một tuần nghỉ học. Em cho biết: “Em rất muốn đi học, nhưng vì nhà nghèo lại ít người nên em phải theo bố mẹ lên rừng phụ giúp làm nương rẫy. Em chỉ nghỉ tạm thời thôi, việc xong rồi thì em lại đến lớp học”.

Tình hình cũng tương tự tại Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê), khi vừa bước vào học kỳ II đã có 88 em nghỉ học, trong có 60% là HS người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân nghỉ học cũng được xác định là do gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn, nên các em phải đi theo cha mẹ làm nương rẫy.

“Bí kíp” ngăn HS bỏ học

Việc duy trì sĩ số đối với các trường có đông HS dân tộc thiểu số là rất khó, khó nhưng không phải là không thể. Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Đắk Roong (xã Đắk Roong, huyện Kbang) là trường nằm ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tỉnh Gia Lai. Đa số HS của trường là người dân tộc Ba Na. Những năm qua việc duy trì sĩ số HS ở lớp luôn là điểm sáng của trường.

Nói về “bí kíp” ngăn HS bỏ học, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường PTDTBTTH Đắk Roong thành lập năm 2011. Lúc ấy trường có 500 em nhưng thực tế chỉ có 1/5 HS đi học. HS của trường rải rác ở 15 thôn làng, trong đó đa phần ở các làng xa trường từ 10 km trở lên. Để động viên các em đến lớp, trường chọn giải pháp đầu tiên là thuyết phục, giảng giải cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học chữ.

“Phải phân tích điều đó thì khi bà con hiểu, họ mới tự giác khuyên con đến trường. Nghĩ thế nên giáo viên chúng tôi góp tiền phối hợp với các vị trưởng thôn mua rượu, thịt đến tận các làng cùng họ lai rai tâm sự, nhân tiện thuyết phục ký vào bản cam kết cho đi học. Nhiều người được chúng tôi phân tích đã hiểu nhưng còn ngại nhà xa, công việc bận rộn không đưa con đi học được. Chúng tôi trấn an họ bằng cách nhận chở những HS nhỏ tuổi ở xa. Phụ huynh nghe thế họ gật đầu ký bản cam kết”, thầy Tuấn nhớ lại.

Thầy Tuấn tiếp tục kể về “bí kíp” của trường: Xong phần phụ huynh, trường nghĩ đến chuyện tạo sân chơi vui vẻ để thu hút các em. Thế là sân bóng nhân tạo, khu nhà sàn, nhà xem phim… lần lượt mọc lên.

Tuy nhiên nhiều lý do khác nhau nên nhiều lúc các em nghỉ học ở nhà chơi. Việc này nếu kéo dài không ngăn chặn sẽ khiến nhiều em khác nghỉ theo. Để quản lý tốt việc đến trường của các em, ngoài việc thứ 6 tan học là đưa một số em về nhà, đến Chủ nhật lại chở đến trường, các giáo viên còn được phân công từng nhóm cùng phụ trách HS từng buôn làng. Theo đó, lớp nào có HS nghỉ học thì cô giáo chủ nhiệm phải báo ngay cho giáo viên phụ trách làng đó đi vận động các cháu đến lớp.

Nhờ sự cố gắng và tâm huyết của những thầy cô cắm bản, nên những năm qua, trong tổng số gần 400 HS của trường thì sĩ số HS luôn duy trì ở mức gần 99%, thầy Tuấn cho biết thêm.

Trước tình hình HS bỏ học gia tăng, vừa qua Sở GD&ĐT Gia Lai đã triệu tập các Phòng GD&ĐT các huyện, các trường cùng ngồi lại với nhau tìm nguyên nhân, và đưa ra các gải pháp nhằm giảm thiểu hiện tượng HS bỏ học.
 
Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng trước mắt vẫn phải trông chờ vào sự vận động của các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương, đi tới từng nhà thuyết phục các phụ huynh HS cho trẻ đến trường. Về giải pháp lâu dài, có lẽ cần sự chung tay nhiều hơn của toàn xã hội, không chỉ là thay đổi nhận thức của phụ huynh, mà còn cần nâng cao đời sống người dân để những nỗi lo về đời sống không còn quá ám ảnh, khiến HS cũng thành lao động quan trọng trong nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.