Quan trọng hơn, việc học sinh trở lại trường cho chúng ta niềm tin vào việc sống chung với dịch một cách an toàn. Ngành Giáo dục TPHCM thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại mang đến nhiều hy vọng đến trường của học sinh - sinh viên các trường nghề.
Thẩm định nghiêm ngặt điều kiện phòng chống dịch
Tới thời điểm này vẫn rất ít trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ) tại TPHCM cho sinh viên trở lại học trực tiếp, dù dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản trong tầm kiểm soát. Do đó, việc ngành Giáo dục TP chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 được tới trường học trực tiếp thí điểm từ 13/12 đã mở ra nhiều hy vọng cho các trường nghề, nơi mà việc học thực hành trên máy móc và công xưởng chiếm phần lớn thời gian học tập của sinh viên.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua trường triển khai giảng dạy và học tập cho sinh viên dưới hình thức online. Học online về cơ bản đảm bảo được khối lượng kiến thức nhưng việc thực hành của sinh viên gần như bỏ trống.
“Vì vậy, để đảm bảo khối lượng kiến thức, nhất là kiến thức “thực hành, thực nghiệp” cho các sinh viên năm 2 & 3, trường đã lên kế hoạch cho sinh viên trở lại học trực tiếp. Việc thẩm định các điều kiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người học được cơ quan chức năng thẩm định rất kỹ (cơ sở vật chất, nhân lực; phương án xử lý khi có trường hợp là F0, nghi là F0, F1”, TS Lê Lâm nói.
Thực tế, để đảm bảo việc trở lại của học sinh, sinh viên được an toàn và giảm thiểu tối đa nguy cơ phát sinh từ dịch Covid-19, Sở Y tế TPHCM đã có hướng dẫn chi tiết phương án cho các trường. Trong đó, tiêu chí học sinh, sinh viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, người học và người dạy phải đảm bảo “5K” và giữ khoảng cách trong quá trình học. Quy mô sinh viên trong lớp chỉ từ 50 - 70%...
Theo ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM, việc đảm bảo nghiêm ngặt quy trình thẩm định mà Sở đang thực hiện với các trường nhằm đảm bảo tối đa an toàn và giảm thiểu nguy cơ cho người học. “Với những đơn vị chưa đủ điều kiện cho việc tổ chức học tập trở lại chúng tôi sẽ không duyệt hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu phù hợp với mức độ dịch tễ của địa phương mới thông qua”, ông Lâm cho hay.
Là trường đầu tiên thực hiện thí điểm cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp được đến trường học trực tiếp, ông Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - thông tin: Từ khi cho sinh viên năm cuối làm khóa luận tốt nghiệp đi học đến nay đã hơn 1 tháng, trường vẫn chưa ghi nhận trường hợp F0 nào nảy sinh.
“Mọi hoạt động lên lớp, học tập thực hành của sinh viên phải đảm bảo nghiêm ngặt nguyên tắc “5K” và lớp xưởng thực hành đảm bảo mật độ sinh viên vừa phải. Khi ghi nhận thông tin nào về tiếp xúc gần (F1) ngay lập tức trường có giải pháp hạn chế để đề phòng lây nhiễm”, ông Kha cho biết.
Quan trọng nhất là ý thức phòng dịch của mỗi người
Hiện, TPHCM có 5 trường CĐ được thí điểm tổ chức cho sinh viên năm cuối quay trở lại học trực tiếp gồm: Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ nghề TPHCM, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM và Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến từ nhiều cán bộ quản lý các trường, tất cả đều có chung mong muốn là được cho sinh viên trở lại học trực tiếp.
Nhìn nhận việc học trực tuyến trong thời gian dài ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thực hành, thực nghiệp của sinh viên, ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt - thừa nhận: Nhiều chuyên ngành việc học thực hành qua hình thức trực tuyến gần như không thể, nên không chỉ sinh viên mà cả giảng viên và cán bộ quản lý nhà trường rất mong được cho phép tổ chức học trực tiếp.
“TP đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Các hoạt động kinh tế, xã hội, kinh doanh buôn bán gần như trở lại bình thường nên tôi nghĩ việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại là điều nên thực hiện. Chúng ta ràng buộc nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn phòng chống dịch trong nhà trường, lớp học và với từng sinh viên, giảng viên.
Nhưng ngoài lớp học, ngoài cộng đồng chúng ta vẫn đang để cho mọi người sự thoải mái. Người dân vẫn đi quán xá, ăn uống, tụ tập với nhau… vậy nên chuyện mở cửa trường học thiết nghĩ cũng nên mạnh dạn hơn. Để phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh mới hiện nay không phải là giải pháp ngăn sông cấm chợ, cách ly hay phong tỏa nữa, mà quan trọng nhất là ý thức phòng dịch của mỗi người”, ThS Đức nói.
Có chung quan điểm, TS Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM - cho rằng, phương thức dạy trực tuyến về cơ bản là không phù hợp với GDNN khi số tiết thực hành chiếm tới 70%. Chưa kể, nhiều em không có máy tính để học online. Vì vậy, việc học trực tiếp không chỉ là nhu cầu của học sinh, mà còn là đòi hỏi mang tính đặc thù của các trường TCCN và CĐ.