Các trường hào hứng đón nhận quy định mới về liên kết đào tạo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (blended).

Cơ sở đào tạo trong và ngoài nước phải có kinh nghiệm trong việc triển khai đào tạo theo hình thức trực tuyến và kết hợp. Ảnh minh họa
Cơ sở đào tạo trong và ngoài nước phải có kinh nghiệm trong việc triển khai đào tạo theo hình thức trực tuyến và kết hợp. Ảnh minh họa

Với các quy định “mở” của Thông tư, các trường đang hào hứng đón nhận.

Kịp thời và hợp lý

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược (Đại học Thái Nguyên), Thông tư ban hành kịp thời và hợp lý. Đây là cơ hội để các trường tranh thủ được nguồn lực có trình độ, chất lượng cao ở trong nước và nước ngoài. “Bản thân Trường ĐH Y – Dược rất hào hứng, đón nhận thông tin này. Chúng tôi đã có ý tưởng kết nối tất cả các cựu cán bộ, giảng viên của nhà trường đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, làm lực lượng nòng cốt theo hình thức giảng viên thỉnh giảng, sau đó từng bước mở rộng các đối tượng” – PGS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ; đồng thời cho biết, quy định, thời lượng giảng dạy trực tuyến tối đa 30% đã có cởi mở hơn và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Theo TS Hà Thanh Hương – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (Học viện Quản lý Giáo dục), Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT có nhiều ưu điểm, có tính mở và hội nhập quốc tế. Đây là một trong những tin vui dành cho các cơ sở giáo dục đại học, đã, đang và sẽ thực hiện đào tạo liên kết với nước ngoài trong đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Thông tư có những quy định mang tính đột phá trong đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Điểm mới nhất của Thông tư này là, Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở đào tạo (CSĐT) liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến và trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Với phương thức mới này, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người học khi tham gia học tập tại các trường đại học, học viện ở Việt Nam nhưng vẫn được tiếp thu, cập nhật kiến thức như khi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

Ngoài ra, thu hút được người học muốn học chương trình chất lượng cao, liên kết với nước ngoài, nhưng không phải học tập xa nhà, tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục trong nước; giúp người học có nhu cầu du học nhưng chưa đủ điều kiện về tài chính học tập trong nước với chương trình đào tạo có chất lượng cao và có sự kết hợp với các trường đại học quốc tế; Giảm chi phí cho người học khi học tập trong nước.

Tuy nhiên, TS Hương cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát lại các điều kiện bảo đảm chất lượng như: Cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống máy chủ, đường truyền tốc độ cao… để đủ điều kiện tổ chức giảng dạy theo quy định của dạy học trực tuyến hiệu quả. Mặt khác, đào tạo đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên hỗ trợ tổ chức đào tạo đạt yêu cầu chất lượng dạy học trực tuyến và phục vụ tổ chức đào tạo liên kết với nước ngoài. 

Từng bước chuyển đổi số 

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, với tinh thần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy – học, tạo điều kiện cho các CSĐT thực hiện chuyển đổi số, tại thời điểm ban đầu, Thông tư cho phép các CSĐT thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức blended với thời lượng được giảng dạy theo phương thức trực tuyến không qua 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình đào tạo. Ở trình độ đại học, CSĐT trong và ngoài nước có thể liên kết đào tạo theo hình thức online. Đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hiện tại CSĐT được thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức blended với thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến tối đa 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo.

Thông tư cũng yêu cầu CSĐT trong và ngoài nước phải có kinh nghiệm trong việc triển khai đào tạo theo hình thức online và blended: Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học, Chương trình đào tạo được triển khai theo hình thức trực tuyến phải ở cùng ngành hoặc ngành gần dự định liên kết đào tạo. Ngành này phải có tối thiểu 1 khóa sinh viên đã tốt nghiệp. Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ, chương trình đào tạo phải ở cùng ngành hoặc ngành gần, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều đã có tối thiểu 1 khóa sinh viên tốt nghiệp. Chương trình giảng dạy trực tuyến hoặc kết hợp với trực tiếp phải đạt từ 20% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình trở lên. Đối chương trình liên kết đào tạo do hai bên cùng xây dựng. 

Trường hợp cấp văn bằng của CSĐT nước ngoài, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; Trường hợp cấp văn bằng của cả CSĐT nước ngoài và của CSĐT Việt Nam, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. 

Theo quy định, nội dung về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết; quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp so sánh được với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.