Các trường ĐH ở Đà Nẵng “giãn cách” đón SV quay trở lại trường học trực tiếp

GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán, SV các trường ĐH ở Đà Nẵng có một tuần học trực tuyến để có thời gian ổn định chổ ở khi trở lại thành phố, thực hiện tiêm bổ sung vắc xin hoặc cách ly – nếu có.

SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trở lại trường học thực hành, thí nghiệm, làm đồ án trước Tết Nguyên đán 2022.
SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trở lại trường học thực hành, thí nghiệm, làm đồ án trước Tết Nguyên đán 2022.

“Phủ” đủ 2 mũi vắc xin

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đề nghị SV về trường từ ngày 07/2-13/2 để chủ động lịch tiêm vắc-xin mũi thứ 3, nếu thành phố có thông báo lịch tiêm. Tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, SV sẽ tiếp tục học trực tuyến trên hệ thống MS Teams. Nhà trường sẽ triển khai học trực tiếp các học phần lý thuyết từ ngày 14/2 tại trường cho các SV đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sau 14 ngày.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Yêu cầu để tổ chức dạy học trực tiếp tại trường là giảng viên, sinh viên, học viên sau đại học đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid – 19, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid – 19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm SV quay trở lại học tập trung tại trường”.

Đối với SV chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid – 19, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức cho SV đăng ký và phối hợp với cơ quan y tế thành phố Đà Nẵng để tổ chức tiêm.

Phòng Y tế Quận Liên Chiểu thẩm tra cơ sở vật chất tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng để thẩm định phương án cho SV về Trường học tập các học phần thực hành, thí nghiệm từ cuối tháng 12/2021
Phòng Y tế Quận Liên Chiểu thẩm tra cơ sở vật chất tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng để thẩm định phương án cho SV về Trường học tập các học phần thực hành, thí nghiệm từ cuối tháng 12/2021

“Những SV vì lý do sức khỏe, không tiêm đủ 2 mũi vắc xin, liên hệ với Phòng Công tác SV để được hướng dẫn”, PGS – TS Nguyễn Hồng Hải cho biết. Trong học kỳ II, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẽ phối hợp với cơ quan y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 cho SV. Việc tổ chức dạy học trong học kỳ II sẽ linh hoạt chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến khi tình hình diễn biến dịch tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nơi trường đóng chân, không đảm bảo. 

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tổ chức học trực tuyến cho SV từ ngày 21/2 trở đi. Trước thời gian này, SV khóa 47 (năm thứ nhất) thi học kỳ theo hình thức trực tuyến, SV các khóa 46 trở về trước tiếp tục học trực tuyến. Nhà trường lưu ý, trong thời gian trên, SV ở các địa phương ngoài Thành phố Đà Nẵng phải chủ động về Đà Nẵng để ổn định chỗ ở, thực hiện tiêm bổ sung vaccine hoặc cách ly.

Những SV năm thứ nhất của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng học tập trung tại trường từ ngày 14/3. Như vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, SV khóa tuyển sinh năm 2021 của trường này tiếp tục học trực tuyến thêm 2 tuần và thi kết thúc học phần kỳ I năm học 2021 – 2022 theo hình thức trực tuyến. SV năm thứ hai trở đi có thêm một tuần học trực tuyến trước khi quay trở lại trường học tập trung.

Hỗ trợ cho SV khi quay trở lại trường học tập trung

PGS.TS Lê Văn Huy – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Để đón SV quay trở lại Đà Nẵng học tập trung tại trường, Trung tâm hỗ trợ SV cũng như các tổ chức, đoàn thể gồm Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ cho SV, nhất là SV năm thứ nhất. Những thông tin về nhà trọ, việc làm… cũng như các thông tin có liên quan đến đời sống của SV, lịch tiêm vắc xin đều sẽ được cung cấp trực tuyến và sẽ có những hỗ trợ thiết thực nếu SV gặp khó khăn”.

Thời điểm này, nhà trọ cho SV ở Đà Nẵng không quá khó tìm như những năm trước, giá cả cũng có giảm đáng kể do ảnh hưởng dịch bệnh.

SV thực hiện khai báo y tế và quét mã QR code khi đến trường học trực tiếp
SV thực hiện khai báo y tế và quét mã QR code khi đến trường học trực tiếp 

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường đã tổ chức cho SV trở lại trường học thực hành, thực tập, bảo vệ đồ án nên đã có kinh nghiệm trong phương án phòng – chống dịch và xử lý tình huống nếu có F0. Thời gian vừa qua, trường có 3 SV là F0 khi đang học thực hành. Hầu hết SV đều báo với y tế tại nơi tạm trú để thực hiện test khẳng định và báo cáo với nhà trường khi có kết quả khẳng định. Chính vì vậy, việc nhà trường kết hợp chặt chẽ với địa phương tại nơi SV cư trú để nắm thông tin tình hình sức khỏe của SV là rất quan trọng”.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phan Cao Thọ, việc SV trở thành F0, F1 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em. Chính vì vậy, căn cứ vào thời gian nghỉ học thực hành của SV, nhà trường có thể có những phương án tổ chức học tập để không ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em. Chẳng hạn như nếu số tiết nghỉ không quá 20% thì SV vẫn đủ điều kiện thi kết thúc học phần. Nếu số thời gian nghỉ quá 20% thì có thể tạo điều kiện để SV đăng ký học bổ sung. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng còn tính đến phương án hỗ trợ cho SV chi phí thực hiện test Covid - 19.

Các cơ sở giáo dục đại học của ĐH Đà Nẵng đang rà soát cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để triển khai mô hình phòng học 2 trong 1: kết hợp song song dạy học trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, những SV cư trú tại vùng 4, SV là F1 vẫn có thể tham gia học trực tuyến với lớp học trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.