Sinh viên khối ngành kỹ thuật học thực hành mùa dịch: Qua cánh cửa hẹp

GD&TĐ - Từ tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng dịch, các trường ĐH ở Đà Nẵng chuyển sang dạy học trực tuyến. Với các trường khối kỹ thuật, nội dung thực hành buộc phải tạm dừng. SV thực tập tại doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thiết kế hệ thống hỗ trợ để phân tích, đánh giá các thiết kế trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp trực tuyến.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thiết kế hệ thống hỗ trợ để phân tích, đánh giá các thiết kế trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp trực tuyến.

Linh hoạt với Học kỳ doanh nghiệp

Từ đầu tháng 11, nhóm 3 SV Nguyễn Văn Xuân Mỹ (Lớp 18TDH2); Hồ Đức Chinh (Lớp 18D4) và Tạ Thị Vi (Lớp 18 MT) của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) bắt đầu làm việc bán thời gian tại tập đoàn AUC. AUC là tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Mỹ có trụ sở tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Đang là SV năm thứ 4 khoa Môi trường, Tạ Thi Vi được phân bộ phận EHS của công ty AUC. Ngoài công việc ở phòng lab, sắp xếp hồ sơ có liên quan, trong tuần, Vi có một số buổi xuống kho giám sát công việc cân, phân loại chất thải. “Trước khi phân công công việc, em được anh chị trong phòng chuyển danh sách các loại rác thải của công ty để tìm hiểu trước nên bớt được sự lúng túng khi tham gia phân loại thực tế” – Vi cho biết.

Giai đoạn này, Vi đang học các kiến thức liên quan đến đánh giá tác động môi trường nên có kiến thức nào chưa học đến, em có thể hỏi thêm để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài có thêm kinh nghiệm thực tế về phân loại rác thải, Vi còn có điều kiện hệ thống lại các kiến thức liên quan đến quy trình xử lý rác thải nguy hại, từ những chi tiết cụ thể như thủ tục từ nhà máy ra tới kho, xuất cho công ty xử lý…

Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá Đồ án tốt nghiệp cho SV theo hình thức trực tuyến
Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá Đồ án tốt nghiệp cho SV theo hình thức trực tuyến  

Nguyễn Văn Xuân Mỹ được giao cùng tham gia nghiên cứu để triển khai hệ thống xử lý nước thải tự động. Hiện hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp đang vận hành theo điều khiển rơ le. Hai tuần đầu, Mỹ được tạo điều kiện tiếp cận tìm hiểu hệ thống lọc gió của doanh nghiệp. “Khi tiếp xúc với thực tế tại doanh nghiệp, em có cơ hội hiểu sâu hơn những kiến thức đã học. Em đã kịp thấy những lổ hổng kiến thức mà mình đã bỏ qua trong quá trình học lý thuyết” – Mỹ chia sẻ.

PGS.TS Phan Cao Thọ: "Hiện nay, SV các khóa của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đã gần như hoàn thành việc học trực tuyến các khối lượng kiến thức lý thuyết của học kỳ I năm học 2021 - 2022.
Theo dự kiến của ĐH Đà Nẵng, đầu tháng 12/2021, SV sẽ trở lại trường học trực tiếp. Lúc đó, nhà trường sẽ bố trí thời khóa biểu cho các nội dung học thực hành tại nhà xưởng, phòng thí nghiệm. Vì phải chia nhỏ số SV thực hành, để đảm bảo đúng tiến độ đào tạo, Trường ĐH Sư phạm - Kỹ thuật sẽ bố trí SV thực hành vào cả thứ bảy và chủ nhật".

Ngoài củng cố và thực hành các kiến thức đã được trang bị ở giảng đường, nhóm SV Trường ĐH Sư phạm – Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng còn có điều kiện tiếp cận, học hỏi và xử lý trên những trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Tập đoàn AUC hỗ trợ cho SV tham gia Học kỳ doanh nghiệp mức lương 3 triệu/tháng, ăn trưa và xe đưa đón.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh nên trong học kỳ I của năm học 2021 – 2022, số lượng SV tham gia Học kỳ doanh nghiệp của nhà trường không được nhiều. Ngoài việc tạo điều kiện cho SV lùi lịch đăng ký thưc hiện Học kỳ doanh nghiệp, các giảng viên của trường cũng nỗ lực kết nối với các đơn vị đối tác để tăng cơ hội tiếp cận thực tế cho SV”.

Kết thúc mỗi đợt Học kỳ doanh nghiệp, SV phải bảo vệ đề tài trước Hội đồng với sự tham gia của đại diện nhà máy, doanh nghiệp. Những SV tham gia Học kỳ doanh nghiệp sau khi bảo vệ đề tài thành công sẽ nhận được giấy chứng nhận có chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường và thủ trưởng đơn vị nơi các em tham gia thực tập. Cơ hội để có việc làm sau khi ra trường của những SV này cũng cao hơn. Khác với đợt thực tập thông thường, với Học kỳ doanh nghiệp, SV được tham gia làm việc như một nhân viên thực thụ của công ty.

Thực tập cuối khóa: Đa dạng hình thức tổ chức

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Khác với thực tập nhận thức thường được tổ chức theo lớp, thực tập tốt nghiệp cuối khóa chia nhỏ SV  nên mỗi công ty chỉ nhận khoảng từ 3-5 SV. SV phần lớn trở về địa phương đăng ký thực tập nên gần như đều đảm bảo đúng tiến độ tốt nghiệp”.

Tuy nhiên, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã phải diều chỉnh một số phương án tổ chức cho SV thực tập tốt nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. “Một số khoa chuyển sang mô hình thực tập kết hợp với đồ án tốt nghiệp (Capstone Project). Thời gian thực tập của SV sẽ kéo dài hơn so với thông thường nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp” – PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho biết.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng linh hoạt điều chỉnh phương án thực tập cuối khóa cho SV để đảm bảo tiến độ đào tạo
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng linh hoạt điều chỉnh phương án thực tập cuối khóa cho SV để đảm bảo tiến độ đào tạo

Tùy khoa, tùy ngành và tùy địa phương SV đang cư trú, nhà trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ tối đa cho SV trong quá trình thực tập. Như SV ngành CNTT, tự động hóa có thể chuyển sang thực tập online là chủ yếu. Với SV khoa Cơ khí, SV được các doanh nghiệp hướng dẫn online. Giảng viên cùng đồng thời hướng dẫn, chuyển hồ sơ, clip cho SV xem để thực hiện đồ án tốt nghiệp. Thời gian tiếp xúc thực tế tại doanh nghiệp do đó sẽ rút ngắn lại để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Về kế hoạch triển khai các nội dung học thực hành, thí nghiệm, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Vì không phải tất cả SV của nhà trường đều đang ở Đà Nẵng; cũng có một số SV chưa tiêm đủ 2 mũi vắc - xin nên lịch học thực hành, thí nghiệm của các khóa sẽ được thông báo để các em chủ động đăng ký". 

ĐH Đà Nẵng vừa có công văn thống nhất kế hoạch triển khai học trực tiếp của các trường thành viên trước và sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, trước Tết Nguyên đán, các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật tổ chức cho SV đến trường (bao gồm các sinh viên đang ở các địa phương khác ngoài Đà Nẵng) tham gia thực hành, thí nghiệm, đồ án...
Riêng đối với khoa Y Dược, Viện nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, SV có thể đến trường học lý thuyết với lớp học có quy mô nhỏ, bảo đảm quy định phòng, chống Covid-19. Trường ĐH Kinh tế được tổ chức các lớp học lý thuyết tập trung đối với sinh viên năm nhất đang ở tại Đà Nẵng.
Kế hoạch tổ chức học tập trung trước Tết Nguyên đán xây dựng theo lộ trình phù hợp, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ưu tiên tổ chức cho sinh viên thực hành, thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ