Tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ Hàn Quốc mong muốn mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn và vươn lên vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất này.
Hồi giữa tháng 3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn đối với nền kinh tế và sự phát triển đất nước. Cùng với tăng đầu tư cho ngành công nghiệp này, Tổng thống Yoon yêu cầu Bộ Giáo dục phối hợp với các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu về chất bán dẫn.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Yoon, Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây đã thành lập hệ thống công ty nắm giữ công nghệ dựa trên hợp tác nghiên cứu - công nghiệp - học viện để tạo điều kiện thành lập các công ty nghiên cứu về chất bán dẫn trong các trường đại học. Các công ty này nắm giữ công nghệ chất bán dẫn và có thể thu lại lợi nhuận từ sản xuất.
Ông Kim Byung-kook, người đứng đầu bộ phận chính sách của Công đoàn Đại học Hàn Quốc, nhìn nhận: “Việc chính phủ phân bổ quỹ ngân sách nhiều hơn cho các ngành công nghiệp cần thiết và ít hơn vào khoa học cơ bản cho thấy mức độ quan tâm của chính phủ. Trên thực tế, không phải trường đại học nào cũng đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại”.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cho phép các trường đại học tăng 20% chỉ tiêu tuyển sinh cho các chương trình học ký kết hợp đồng làm việc với các công ty công nghiệp. Theo đó, các trường đại học sẽ đào tạo sinh viên theo chương trình đề xuất của các doanh nghiệp công nghệ, đổi lại, doanh nghiệp cam kết tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.
Động thái này được đánh giá là thay đổi lớn trong hệ thống chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, vốn từng bị giới hạn rất nghiêm ngặt theo quy định của chính phủ. Do đó, nó đồng thời thể hiện nỗ lực tăng cường đầu tư và chú trọng vào các ngành công nghiệp sản xuất của xứ kim chi.
Ngoài ra, một số kế hoạch khác đã được công bố nhằm đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt tập trung cho chất bán dẫn.
Đơn cử, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc đã công bố Dự án Nuôi dưỡng tài năng CNTT-TT, cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Dự án bao gồm đào tạo 3.300 nhân tài trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, an ninh mạng, truyền thông thông tin lượng tử, CNTT-TT chăm sóc sức khoẻ...
Dù nhiều trường đại học được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của chính phủ, nhiều học giả bày tỏ nghi ngại về tính hiệu quả của kế hoạch này.
Trở ngại phổ biến là học sinh Hàn Quốc vẫn chú trọng các ngành nghề truyền thống như y tế, dược phẩm. Thống kê của một tổ chức giáo dục tư nhân tại Seoul chỉ ra nhiều sinh viên được các trường đại học hàng đầu mời nhập học chuyên ngành bán dẫn đã từ chối.
Các em vẫn lựa chọn thi tuyển đại học để đăng ký vào các lĩnh vực như y khoa, luật... Bởi lẽ, thu nhập của bác sĩ, luật sư tại Hàn Quốc cao hơn so với các ngành CNTT-TT.
Ngoài ra, nhiều học giả nghi ngại việc chú trọng vào lĩnh vực chất bán dẫn có thể suy giảm lĩnh vực khoa học cơ bản tại các trường đại học Hàn Quốc.