Sinh viên quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria, đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách của các trường đại học Anh. Học phí của du học sinh, từ 20 - 40 nghìn bảng Anh mỗi năm, cao hơn nhiều so với sinh viên trong nước và là nguồn thu chính để các trường trang trải chi phí giảng dạy, nghiên cứu.
Trong khi đó, sinh viên Anh chỉ phải trả mức học phí tối đa là 9,3 nghìn bảng Anh, một con số đã không thay đổi kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách thị thực và ảnh hưởng của Brexit (sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu) đang khiến nhiều sinh viên nước ngoài tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Điều này làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính của các cơ sở giáo dục.
Vào năm 2022, gần 760 nghìn sinh viên quốc tế đã đăng ký học tại các trường đại học, đưa Vương quốc Anh trở thành điểm đến du học phổ biến thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, số lượng đơn xin thị thực du học đã giảm 5% vào năm 2023. Trong 3 tháng hè của năm 2024, số đơn xin thị thực giảm mạnh đến 16% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do các chính sách thị thực mới được áp dụng đã giới hạn khả năng sinh viên quốc tế đưa gia đình sang Anh, đồng thời hạn chế việc chuyển đổi từ thị thực sinh viên sang thị thực việc làm trong khi học.
Những chính sách này được cho là làm giảm tính hấp dẫn của điểm đến du học Anh so với các quốc gia khác như Canada, Australia và Hà Lan. Các quốc gia này đều giảng dạy bằng tiếng Anh và xin thị thực dễ dàng hơn.
Tình hình tài chính của các trường đại học Anh đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi các trường phải đối mặt với mức ngân sách giảm sút. Tổ chức các trường đại học Anh (UUK), đại diện hơn 140 cơ sở giáo dục đại học, cho biết kinh phí đào tạo mỗi sinh viên hiện nay chạm mức thấp kỷ lục kể từ năm 2004.
Bà Sally Mapstone, chủ tịch UUK cảnh báo: “Thiếu vắng sự hỗ trợ từ sinh viên quốc tế, các trường đại học tại Anh đang phải đối mặt với thách thức tài chính lớn và không thể duy trì chất lượng giảng dạy, nghiên cứu”.
Để đối phó với tình trạng trên, một số trường đại học đã tìm cách mở rộng hoạt động giảng dạy ngoài biên giới. Đại học Coventry đã hợp tác với các cơ sở giáo dục ở Ai Cập, Morocco, Ấn Độ và Trung Quốc để mở chi nhánh tại các quốc gia này.
Sinh viên hoàn thành chương trình học tại các cơ sở quốc tế nhưng vẫn nhận bằng cấp từ Coventry. Đây là một chiến lược giúp trường duy trì thu nhập từ sinh viên quốc tế mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Anh.
Tuy nhiên, các trường đại học Anh sẽ phải tìm cách thích nghi với một thị trường giáo dục toàn cầu ngày càng cạnh tranh và khó khăn hơn, khi những chính sách hạn chế visa tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học của quốc gia này.
Bà Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học, cảnh báo: “Số lượng sinh viên giảm sút là minh chứng những thay đổi trong chính sách đã khiến Anh trở thành điểm đến du học kém hấp dẫn hơn. Nhiều sinh viên quốc tế, thay vì đến Anh, đã chuyển sang các quốc gia xin thị thực dễ dàng và học phí cạnh tranh hơn”.