Đại học Oxford, Anh, đứng đầu bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025 của tổ chức giáo dục Times Higher Education (THE), theo sau là các trường từ Mỹ. Tuy hai nước này tiếp tục “thống trị” bảng xếp hạng, chất lượng giảng dạy đang sụt giảm.
Theo bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025 của THE, Đại học Oxford, Anh, tiếp tục duy trì vị thế đại học số một thế giới trong 9 năm liên tiếp, vượt qua kỉ lục 8 năm của Đại học Harvard, Mỹ.
Sự thành công của Đại học Oxford được duy trì nhờ vào những cải thiện đáng kể trong thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp, số lượng bằng sáng chế, cũng như điểm số giảng dạy của trường. Bên cạnh đó, lợi thế toàn cầu hoá bao gồm tỷ lệ sinh viên quốc tế và đồng tác giả quốc tế đã giúp các chỉ số đánh giá của trường nổi bật hơn các cơ sở khác.
Trong khi đó, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã có một bước tiến nổi trội khi trở thành trường đại học thứ hai toàn cầu, số một tại Mỹ. Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của MIT, phản ánh những nỗ lực đầu tư và đổi mới trong giáo dục đại học.
Việc MIT vươn lên đã khiến Đại học Stanford, Mỹ, tụt hạng từ thứ hai xuống thứ sáu, vị trí thấp nhất kể từ năm 2010. Nguyên nhân là do các chỉ số giảng dạy, môi trường nghiên cứu, triển vọng quốc tế giảm sút. Việc chính phủ thắt chặt trợ cấp cũng khiến nhà trường giảm đầu tư cho nghiên cứu.
Theo bảng xếp hạng, các trường đại học Anh và Mỹ vẫn giữ những vị trí đầu thế giới. Tuy nhiên, tình hình giáo dục tại Vương quốc Anh đang là vấn đề báo động. Số liệu từ cuộc khảo sát của THE cho thấy danh tiếng giảng dạy của Vương quốc Anh đã giảm 3% kể từ năm ngoái và chất lượng nghiên cứu giảm 5%.
Bà Irene Tracey - Phó Hiệu trưởng Đại học Oxford, bày tỏ lo ngại: “ Sự suy giảm danh tiếng giảng dạy là một vấn đề lớn đối với tương lai của lĩnh vực Giáo dục đại học tại Vương quốc Anh. Chúng ta phải lưu tâm vấn đề này và đưa ra các biện pháp khắc phục khẩn cấp”. Cùng lúc đó, tình hình tại Hoa Kỳ không khả quan hơn. Chỉ trong năm 2023, danh tiếng về giảng dạy và nghiên cứu của quốc gia này đã giảm 4%.
Ngược lại, cơ sở giáo dục tại các nước khác đang gia tăng thứ hạng. Các trường đại học Trung Quốc, Pháp và Đức đã có những cải thiện đáng kể về vị trí của mình.
Trung Quốc hiện chiếm 7,7% tỷ lệ bình chọn cho giảng dạy và 7,3% cho nghiên cứu, cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ vào giáo dục đại học. Sự phát triển này không chỉ nhờ vào việc tăng cường ngân sách mà còn bởi cải cách trong phương pháp giảng dạy và nghiên cứu.
Các trường đại học Pháp hiện chiếm 2,9% tỷ lệ bình chọn cho danh tiếng giảng dạy, tăng ổn định kể từ năm 2015. Đức cũng đã tăng tỷ lệ lên 3,9% cho danh tiếng giảng dạy và 4,4% cho nghiên cứu.
Giáo sư Simon Marginson tại Đại học Oxford nhận định: “ Xu hướng hiện tại phản ánh sự phát triển của các hệ thống giáo dục khác, đặc biệt là ở Tây Âu, Đông Á và Đông Nam Á. Các chương trình nghiên cứu mới đã củng cố chất lượng giáo dục đại học ở châu Âu”.
Với tình hình hiện tại, các nhà giáo dục, chính phủ Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cần phải hành động khẩn cấp để cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Nếu không, nó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng các trường đại học và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Ông Nick Hillman - Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học Anh, chia sẻ: “Các trường đại học thiếu kinh phí cho việc giảng dạy nên chất lượng đào tạo giảm sút. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập của sinh viên mà còn làm giảm sức hút của các trường đại học Vương quốc Anh so với các quốc gia khác”.