Các trường chạy đua tuyển sinh sớm: Cân nhắc khi... trúng tuyển

GD&TĐ - Đến thời điểm này có hơn 50 trường đại học công bố đề án tuyển sinh với nhiều phương thức mới. 

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) trong một giờ học. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) trong một giờ học. Ảnh: ITN

Trong đó, một số trường đã thông báo tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ và kỳ thi riêng do mình tổ chức.

Nhận hồ sơ xét tuyển sớm

Năm 2023, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cũng không cấm các trường tuyển sinh sớm nên nhiều trường công bố đề án tuyển sinh và tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển từ rất sớm.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM là đơn vị đầu tiên công bố thời gian nhận hồ sơ xét tuyển năm 2023 theo phương thức xét học bạ. Ngoài đợt đầu sẽ kết thúc vào 31/3, trường tổ chức 7 đợt xét tuyển nữa theo phương thức xét học bạ, kéo dài đến ngày 15/9.

Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, Trường ĐH Việt - Đức nhận hồ sơ từ ngày 15/2 - 31/5. Trường xét dựa vào học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, tổng điểm trung bình được xác định từ điểm trung bình của 5 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Thí sinh có thể lựa chọn 2 môn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử và Địa lý.

Tương tự, Trường ĐH Việt - Đức cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm cho 2/5 phương thức tuyển sinh sẽ áp dụng trong năm 2023. Hai phương thức xét tuyển sớm gồm: Xét tuyển dựa vào bài kiểm tra năng lực TestAS và kết quả học tập THPT. Thí sinh muốn tham dự kỳ thi riêng để xét tuyển đăng ký trực tuyến từ ngày 3/1 - 7/5, dự thi vào ngày 20 và 21/5.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã kết thúc đợt nhận hồ sơ xét tuyển (phương thức học bạ THPT) đợt 1 vào ngày 31/1. Trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 từ ngày 6/2 – 28/2 (công bố kết quả sơ tuyển ngày 3/3). Năm 2023, HIU tuyển sinh theo 5 phương thức cho 4.800 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy.

Ngoài phương thức xét học bạ đã nhận hồ sơ, HIU còn 4 phương thức xét tuyển khác gồm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM; kết quả kỳ thi SAT và xét tuyển thẳng.

Không ít trường cao đẳng cũng nhanh chóng “bắt nhịp” xét tuyển sớm để tránh bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tuyển sinh. Trường Cao đẳng Nova, Cao Thắng, Đại Việt Sài Gòn đều công bố đề án tuyển sinh năm 2023.

Từ 1/3 - 20/10, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn sẽ xét tuyển 9 đợt bằng hai hình thức là xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển theo quy định của Bộ LĐ,TB&XH). Xét tuyển kết quả học tập THPT trở lên hoặc tương đương: Điểm trung bình 3 môn xét tuyển cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 trở lên.

“Ngoài chính sách học bổng khủng dành cho sinh viên, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn còn là đơn vị tiên phong trong việc ký cam kết đảm bảo 100% việc làm đúng chuyên ngành, cũng như thực tập có hưởng lương cho sinh viên. Trường cũng linh hoạt thời gian đào tạo khi khung chương trình được cải cách từ 2 đến 2,5 năm với 70% thời lượng thực hành.

Bên cạnh đó, trường cũng cam kết học phí cố định không tăng trong suốt quá trình học. Đồng thời hỗ trợ sinh viên khó khăn vay vốn học tập lãi suất 0% thông qua Quỹ tín dụng Đại Việt có giá trị 15 tỷ đồng/năm”, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) học tập trong môi trường thực tế. Ảnh: ITN

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) học tập trong môi trường thực tế. Ảnh: ITN

Cơ hội nhiều nhưng phải thận trọng

Theo ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Cao đẳng Nova, qua Tết là thời gian các trường đại học và cao đẳng tăng tốc hoạt động tuyển sinh và tập trung mạnh cho việc xét tuyển học bạ năm 2023, bên cạnh nhiều phương thức tuyển sinh khác.

Thực tế, từ khi tự chủ được đẩy mạnh, phương án tuyển sinh của đơn vị ngày càng đa đạng để bắt kịp với nhu cầu thực tế, phù hợp nhiều thí sinh. Phụ huynh, học sinh cần bình tĩnh tìm hiểu, so sánh các phương thức theo năng lực bản thân. Việc các trường xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ THPT là cơ hội lớn để các thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH - CĐ mong muốn, nhưng cũng là việc phải hết sức thận trọng.

“Chọn ngành học, trường mà mình yêu thích để theo học là nền tảng cơ sở ban đầu mỗi thí sinh cần xác định rõ trước khi tìm kiếm thông tin. Bước đầu tiên của quá trình này, các em cần khoanh vùng các ngành, nghề mà mình mong muốn, sau đó chọn trường có ngành học theo nguyện vọng, từ đó đối chiếu với năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình mà sắp xếp thứ tự ưu tiên. Nộp hồ sơ xét tuyển sớm là cơ hội nhưng nếu lựa chọn không chính xác, không hội tụ mọi yếu tố về đam mê, khả năng, học lực, cơ hội phát triển bản thân… thì thí sinh sẽ gián tiếp làm khó mình”, ông Thái nói.

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định thì tin rằng những thí sinh đã tốt nghiệp THPT nhưng chưa lựa chọn được trường đại học ưng ý trong năm trước sẽ có cơ hội lớn để đạt được mục tiêu nếu biết tính toán, lựa chọn chính xác khi các trường có thông báo nhận hồ sơ xét tuyển.

Tuy nhiên, theo TS Toàn, thí sinh cần lưu ý vì cơ hội trúng tuyển đại học chỉ có một, dù xét tuyển nhiều phương thức. Do đó, ngoài việc đảm bảo các điều kiện (bổ sung sau), nếu xét tuyển sớm bằng hình thức xét học bạ và nhận thông báo đủ điều kiện từ các trường đại học, thí sinh phải đặc biệt chú ý tính toán chỉ tiêu từng ngành, phương thức mà trường đưa ra để có chọn lựa an toàn nhất.

Cơ hội trúng tuyển để theo học một ngành nghề tại trường đại học nào đó với thí sinh hiện không quá khó khăn. Chia sẻ quan điểm, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhìn nhận: Vấn đề là thí sinh phải ý thức được việc xét tuyển rất quan trọng, nhất là chọn ngành nghề phù hợp với mình và xã hội. Tiếp theo là lựa chọn ngôi trường để theo đuổi đam mê nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích chứ đừng lựa chọn cho mục tiêu đậu đại học, cho ý thích của cá nhân...

“Các trường nhận hồ sơ sớm đồng nghĩa với cơ hội của những thí sinh đặt chỗ sớm sẽ lớn hơn. Nhưng nếu không thấu đáo và suy xét mọi góc cạnh của mục tiêu đậu đại học và theo học ngành nghề mình yêu thích ở trường đại học (hai vấn đề khác nhau), thí sinh sẽ có khả năng phải trả giá khi bỏ học giữa chừng vì chán, học ngành mình không yêu thích. Vì vậy, thời gian xét tuyển còn dài, tôi khuyên thí sinh phải thật sự thận trọng, suy nghĩ kỹ cho các phương án và kế hoạch tương lai”, ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ