Đẩy sớm lịch tuyển sinh đại học: Nhiều thuận lợi

GD&TĐ - Đại diện các cơ sở giáo dục đại học đề xuất, lịch trình tuyển sinh năm 2023 nên trở lại như trước thời điểm Covid-19 xuất hiện.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TPHCM. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TPHCM. Ảnh: INT

Việc điều chỉnh này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh và đơn vị.

Mang đến nhiều thuận lợi

Bộ GD&ĐT khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng vẫn có một số thay đổi kỹ thuật nhằm mang lại thuận lợi cho thí sinh và cơ sở giáo dục đại học. Ghi nhận những thành công trong công tác tuyển sinh năm 2022, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, ngoài tăng cường hướng dẫn thí sinh về quy tắc tuyển sinh để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có, lịch trình tuyển sinh năm 2023 nên trở lại như trước thời điểm Covid-19 xuất hiện. Điều chỉnh này nhằm tạo thuận lợi cho các trường trong công tác đào tạo và thí sinh cũng có nhiều thuận lợi trong học tập.

Khẳng định, ổn định trong công tác tuyển sinh là cần thiết, TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, nhà trường sẽ nhanh chóng thông tin về kế hoạch tuyển sinh năm 2023 và những năm tiếp theo để học sinh chủ động trong học tập. Nhà trường mong muốn, lịch trình tuyển sinh năm 2023 sớm hơn năm trước để công tác tuyển sinh có thể hoàn tất và tân sinh viên bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, có thể tham khảo lịch tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 để triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay. Năm 2019, các trường đại học, cao đẳng sư phạm công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 từ trước 17 giờ 00 ngày 9/8. Thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 15/8. Năm nay, nên áp dụng theo kế hoạch này và muộn nhất là 15/8, đơn vị có thể công bố thí sinh trúng tuyển đợt 1. Các quy trình nên đồng bộ và đẩy lên sớm hơn so với năm 2022 để cuối tháng 8, thí sinh có thể hoàn tất thủ tục nhập học.

Về vấn đề này, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nêu quan điểm, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường nên lịch tuyển sinh đại học cần bình thường như trước đây.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Có thể khai giảng vào đầu tháng 9/2023

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, ổn định công tác tuyển sinh và đẩy lịch trình lên sớm hơn so với năm 2022 là phù hợp với thực tiễn khách quan. Hai năm trước, chúng ta buộc phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh muộn hơn vì ảnh hưởng của Covid-19. Nay mọi hoạt động được bình thường hóa, do vậy cần sớm hoàn tất công tác tuyển sinh như trước đây, để các cơ sở giáo dục đại học có thể bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, kế hoạch tổng thể về tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2023 được thiết kế với lịch trình sớm hơn năm 2022 và dự kiến sẽ công bố trong tháng 2. Qua đó, công tác tuyển sinh có thể hoàn tất và bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023.

Tuy nhiên, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung. Qua đó, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá trình xét tuyển; hạn chế tối đa nhầm lẫn. Bên cạnh đó, một số quy định mới về chính sách ưu tiên đã được quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022 và có hiệu lực từ năm 2023.

Trước thông tin năm 2023, Bộ GD&ĐT quy định không xét tuyển sớm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, đó là thông tin không chính xác. Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh 2022, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường, nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm. Bởi cuối cùng tất cả thí sinh vẫn đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. “Bộ chỉ khuyến cáo chứ không cấm” – bà Thủy nhắc lại và cho biết: Các trường hoàn toàn có quyền công bố xét tuyển sớm. Kết quả xét tuyển chỉ là tạm thời và là trúng tuyển có điều kiện.

Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, bà Thủy khuyên sĩ tử không nên đăng ký quá nhiều, gây lãng phí không cần thiết. Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường cần tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, khó khăn cho thí sinh.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của hình thức đánh giá, xét tuyển và bảo đảm công bằng đối với thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.