Các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ máy tính, điện thoại học online

GD&TĐ - Khi nhu cầu về máy tính, điện thoại phục vụ cho việc dạy và học trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 rất lớn, ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...

Doanh nghiệp hỗ trợ máy tính cho các em học sinh tại Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp hỗ trợ máy tính cho các em học sinh tại Hà Tĩnh.

Mặt trận tổ quốc kêu gọi ủng hộ máy tính cho học sinh

Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Mục tiêu chương trình nhằm giúp hàng triệu em học sinh có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, đồng thời thúc đẩy phát triển xã hội số.

Dịch bệnh Covid–19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp trong cả nước nói chung cũng như Hà Tĩnh nói riêng. Học sinh toàn tỉnh buộc phải chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến, đây cũng là lúc khó khăn nhất đối với học sinh vùng nông thôn. Nhu cầu về máy tính, điện thoại để học online rất cao.

Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đầu tháng 10/2021 toàn tỉnh còn 12.664 học sinh thuộc hộ nghèo, mồ côi bố mẹ, hộ cận nghèo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dạy và học.

Ngành giáo dục huyện Thạch Hà ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Ngành giáo dục huyện Thạch Hà ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Ngày 8/10, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân ra lời kêu gọi gửi đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị và các nhà hảo tâm; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Tĩnh… tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, ngành giáo dục tỉnh có thể chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến, kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, thực hiện có hiệu quả phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Cụ thể, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, bằng tình cảm và trách nhiệm, chung tay ủng hộ nguồn lực cho chương trình (bằng máy tính, máy tính bảng hoặc tiền).

Các tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng hành

Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh phát động, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã trao ủng hộ 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phúc Phong - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, với mong muốn chung tay cùng các cấp, ngành chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo, hỗ trợ thiết bị học tập để các em không bị gián đoạn việc học trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Tại Chương trình phát động “Sóng và máy tính cho em” trong toàn ngành giáo dục Hà Tĩnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cũng đã ủng hộ hơn 380 triệu đồng nhằm hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có phương tiện học tập trực tuyến, tạo điều kiện cho tất cả các em được tiếp cận phương thức dạy học mới.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thạch Hà, đây là toàn bộ số tiền được quyên góp từ công chức, viên chức, người lao động thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà và các trường học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn.

Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vì không có thiết bị để học tập trực tuyến, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng phát động chương trình “Kết nối tri thức - Tiếp sức tới trường” từ ngày 1/9/2021.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ điện thoại cho các em học sinh vùng khó khăn.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ điện thoại cho các em học sinh vùng khó khăn.

Theo đó, các cấp bộ đoàn, hội, đội tích cực vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị điện tử mới hoặc đã qua sử dụng (vẫn còn sử dụng tốt) phục vụ học tập như: máy vi tính, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… hoặc ủng hộ kinh phí để mua thiết bị điện tử. Chương trình nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lên tới hàng trăm triệu đồng từ các nhà hảo tâm.

Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà Võ Thanh Bình cho biết: “Không để việc học của các em có hoàn cảnh khó khăn bị gián đoạn, Huyện đoàn đã triển khai chương trình từ sớm và huy động được 16 máy điện thoại, sim 4G với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng.

Số máy này hầu hết đều được tài trợ bởi các chủ mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn, những người được Đoàn hỗ trợ trong phát triển kinh tế, nay chung tay cùng tổ chức Đoàn chăm lo cho các em học sinh”.

Em Nguyễn Lê Hà Giang (lớp 7A, Trường TH&THCS Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang), thuộc hộ cận nghèo tại xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) chia sẻ niềm vui: “Nhà em có 4 anh chị em, đều đang đi học. Điều kiện gia đình còn khó khăn nên không thể có đủ thiết bị nếu phải học trực tuyến. Nay được các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ 1 chiếc điện thoại, em có thể yên tâm học tập trực tuyến bất kỳ lúc nào”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.