Hà Tĩnh: Cầu 12 tỷ “yên nghỉ” trên dòng kênh xanh

GD&TĐ - Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng sau nhiều năm xây dựng, cầu Bà Vương (nối giữa xã Hộ Độ và xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn “yên nghỉ” trên kênh bởi… không có đường đấu nối.

Cầu Bà Vương (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng gần 6 năm nhưng không có đường đấu nối.
Cầu Bà Vương (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng gần 6 năm nhưng không có đường đấu nối.

Cầu xây 6 năm không có đường đấu nối

Cầu Bà Vương nằm trên tuyến kênh C2, nối giữa xã Hộ Độ và xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Đây là hạng mục nằm trong gói thầu xây lắp tuyến 6 thuộc Dự án nâng cấp đường giao thông liên xã huyện Lộc Hà. Công trình được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt xây dựng vào năm 2008 và quyết định điều chỉnh năm 2015.

Dự án do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 104 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA và vốn đối ứng của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà (toàn tuyến đường thuộc dự án được phê duyệt có chiều dài khoảng 16km). Riêng cầu Bà Vương có chiều dài 43,08m, thiết kế với 3 nhịp, do Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng thi công, với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng.

Đến năm 2016, sau khi hoàn thành xong cây cầu, công trình bỗng nhiên ngừng thi công, phần đường đấu nối đi lên cầu không triển khai thực hiện. Vì vậy, sau nhiều năm xây dựng cầu Bà Vương vẫn bị bỏ không trên tuyến kênh C2 trong khi việc đi lại của người dân vô cùng bất tiện.

Theo quan sát của PV, dù chưa đưa vào sử dụng nhưng thành cầu đã xuất hiện một số vết nứt, nhiều đoạn bê tông bị bong tróc từng lớp. Do để phơi nắng trong thời gian dài, một số sắt thép lộ ra bên ngoài đã bị hoen gỉ.

Từ mặt cầu xuống nền đường cách chừng 1m nhưng không có đường đấu nối nên phương tiện và người dân sinh sống xung quanh rất khó qua lại. Để thuận tiện, một số người dân đã xây thêm bậc cầu thang lên xuống.

Do cầu xây dựng đi qua trục đường cũ, nên cơ quan chức năng đã phải mở tạm phần đường mới để người dân tiện đi lại. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, phần đường này có khúc cua ngoặt, đường đất không có rào chắn cùng với việc không có đèn đường rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Sau nhiều lần người dân phản ánh, đơn vị thi công đã đổ bê tông trên con đường tạm. Nhưng chỉ sau ít tháng, bề mặt đường đã bong tróc lộ ra lớp đá vật liệu bên trong gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Người dân phải xây bậc tam cấp để tiện đi lại.
Người dân phải xây bậc tam cấp để tiện đi lại.

Đang bố trí nguồn vốn?

Vấn đề cầu tiền tỷ xây xong bỏ không đã được người dân nơi đây thường xuyên kiến nghị tại các cuộc họp cử tri.

Ông Lê Văn Bé (thôn Đông Xuân, xã Hộ Độ) than phiền: “Nhiều năm qua, người dân chúng tôi rất mong ngóng dự án tiếp tục triển khai để 2 bên qua lại được thuận tiện. Chỉ tội các cháu học sinh nhiều khi đi học lại phải đi đường vòng, vừa xa lại bất tiện đủ đường.

Hầu như, những năm qua, cuộc họp cử tri nào việc này đều được người dân đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Nếu để lâu dài không sử dụng công trình sẽ hư hỏng, gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách của Nhà nước”.

Lý giải cho việc này, ông Trần Phi Long, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà, cho biết, do thiếu nguồn vốn và vướng mặt bằng nên công trình chưa thể hoàn thành theo đúng tiến độ.

Theo ông Long, đoạn đường dài gần 1km nối phần chân phía Nam cầu Bà Vương với Quốc lộ 15B đi qua đồng muối của 49 hộ dân, trong đó 12 hộ dân xã Mai Phụ và 37 hộ dân xã Hộ Độ. Khu vực đất đó của người dân không có giấy tờ, bỏ hoang nhiều năm qua. Theo quy định, không được bồi thường. Tuy nhiên, khi thi công lại bị người dân ra cản trở, đòi bồi thường.

“Trong quy định, không có giấy tờ, người dân chỉ được hỗ trợ chứ không được đền bù. Dù cơ quan chức năng nhiều lần giải thích nhưng người dân không đồng tình. Ngoài ra, do công trình thiếu nguồn vốn nên chúng tôi buộc phải dừng lại tạm thời. Vừa rồi họp HĐND tỉnh, địa phương đã đề xuất về vấn đề này.

Lãnh đạo tỉnh cũng đồng ý bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Hiện, huyện đã có phương án giải phóng mặt bằng, để hoàn thiện dự án cần thêm 11 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 dự án sẽ được triển khai”, ông Long thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.