Theo cập nhật của Cổng thông tin điện tử Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, số huy động vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 tính đến 11h ngày 24/6 là 7.456 tỉ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 338.780.
Thông tin trên báo chí, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước kiêm Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 cho biết, trong quá trình quản lý Quỹ có một số vấn đề phát sinh.
Theo đó, một số đơn vị cam kết nhưng chưa chuyển tiền về Quỹ.
Ông Nguyễn Quang Vinh đánh giá cao mọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, để công tác quản lý Quỹ cũng như việc triển khai mua vắc xin được đồng bộ hơn, các đơn vị, tổ chức nên thực hiện đúng như hướng dẫn, cam kết ban đầu.
Quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện nếu các địa phương mong muốn nhập khẩu vắc xin phục vụ công tác phòng Covid-19, tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần cẩn trọng để tránh việc các đơn vị trung gian lợi dụng đẩy giá vắc xin lên cao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm về việc quản lý các nguồn ủng hộ tại địa phương, để công tác quản lý được thực hiện chặt chẽ hơn.
Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế làm cơ quan đầu mối mua vắc xin, các địa phương không cần thành lập quỹ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tại các địa phương có thể hỗ trợ chính quyền địa phương. Bởi theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương cũng có trách nhiệm trong việc chia sẻ gánh nặng với ngân sách Trung ương. Các doanh nghiệp trên địa bàn có thể hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc chia sẻ gánh nặng này.
Đặc biệt, doanh nghiệp có thể đóng góp trực tiếp cho ngân sách địa phương mà không nhất thiết phải thành lập quỹ.
Đảm bảo công khai minh bạch
Trước đó, ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Theo quy định, quỹ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại và Bộ Tài chính sẽ thiết lập bộ máy quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Tuy quỹ được hình thành dựa trên sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, nhưng dự kiến số tiền đóng góp có thể lên tới con số hàng ngàn tỉ đồng. Quyết định sử dụng quỹ sẽ căn cứ vào yêu cầu mua vắc xin của Bộ Y tế, từ đó Bộ Tài chính sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng ra quyết định chi từ nguồn quỹ.
Về cơ chế kiểm soát quỹ để đảm bảo công khai minh bạch, ông Vũ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Bộ Tài chính, cho biết số thu sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến nhu cầu cả nước cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng.
Chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách là chủ yếu, thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hàng ngày.
Bên cạnh những cách ủng hộ truyền thống, qua tin nhắn điện thoại, website www.quyvacxincovid19.gov.vn hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp trực tuyến qua thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ATM, ví điện tử, internet banking, mobile banking…