Dưới đây là một số phương pháp dạy học có tác dụng rất tích cực trong quá trình dạy học phân môn Luyện từ và câu.
Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Bước 1: GV nêu nhiệm vụ và phổ biến hình thức tổ chức hoạt động.
Thao tác 1: HS đọc to đầu bài, cả lớp đọc thầm bằng mắt.
Thao tác 2: GV nêu nhiệm vụ: Các em hãy đọc kĩ đề bài.
Thao tác 3: Phổ biến hình thức tổ chức hoạt động (làm việc theo nhóm hoặc cá nhân).
Thao tác 4: Yêu cầu HS làm bài.
Bước 2: HS tiến hành phân tích ngữ liệu và ghi kết quả vào vở.
Bước 3: Tổ chức cho HS báo cáo kết quả.
Thao tác 1: GV treo bảng phụ có ghi đề bài.
Thao tác 2: HS báo cáo kết quả. GV dùng phấn ghi kết quả học sinh tìm được.
Thao tác 3: HS cả lớp theo dõi phân tích kết quả của các bạn, nêu nhận xét bổ sung.
Bước 4: GV tổ chức cho HS rút ra kiến thức cần lưu ý trong bài, thông qua các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý.
Phương pháp thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm là một cách học tạo điều kiện cho HS luyện tập khả năng mạnh dạn đưa ra các cách làm bài; giúp học sinh rèn kĩ năng phân tích bài tập và tìm câu trả lời đúng; thay đổi vị thế của HS trong lớp từ vị thế thụ động, tiếp thu thông tin một chiều trở thành vị thế chủ động tiếp thu thông tin đa chiều. Qua thảo luận, ngôn ngữ và năng lực tư duy của HS trở nên linh hoạt.
Phương pháp thảo luận nhóm rất phù hợp với các bài dạy thuộc kiểu câu Ai làm gì?. Phương pháp này tạo không khí học tập sôi nổi, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận dụng kĩ năng sử sự ghi nhớ thông tin mà giáo viên đã truyền đạt của HS.
Mỗi một bài tập yêu cầu khác nhau và sự biến đổi công thức đòi hỏi phải có sự hiểu biết kiến thức. Chính vì vậy, cần sự vận dụng một cách khéo léo và linh hoạt.
Phương pháp thảo luận nhóm sẽ giúp học sinh tìm ra được câu trả lời tốt nhất, sinh động nhất thông qua trí tuệ tập thể. Học sinh bên cạnh được củng cố được kiến thức, hứng thú học tập cũng được tăng cường.
Phương pháp trò chơi học tập
Là phương pháp trò chơi sư phạm trong dạy học môn Tiếng Việt, được hiểu là hình thức học tập môn Tiếng Việt theo hứng thú vui chơi, dựa trên những bài tập trắc nghiệm.
Việc giải quyết vấn đề bài tập đặt ra nhằm để HS lĩnh hội, củng cố, vận dụng kiến thức, kĩ năng sử dụng các cách làm bài hay đã được học, những kinh nghiệm sống đã được tích luỹ vào các bài tập một cách tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo.
Yêu cầu khi xây dựng trò chơi học tập như sau:
Về mục đích: Trò chơi phải hướng vào việc củng cố kiến thức về kiểu câu Ai làm gì?, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức trong cuộc sống thực tế.
Về nội dung: Trò chơi phải chứa nội dung về kiến thức về kiểu câu Ai làm gì? Thực chất, đây là những bài tập vui và nhẹ nhàng.
Hình thức chơi: Các trò chơi thường được tiến hành thi theo nhóm hay cả lớp tuỳ vào nội dung trò chơi. Trò chơi có thể do GV hướng dẫn hoặc do HS tự tổ chức, góp phần rèn luyện tinh thần tập thể và sự hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
Về cách chơi: Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, GV có thể tổ chức cho HS thực hiện trò chơi đơn giản (không cần chuẩn bị công phu) hay trò chơi có phần phức tạp (phải chuẩn bị trước) song phải đạt đựơc cái đích cuối cùng là củng cố kiến thức và tăng hứng thú học tập.