1. Nhật Bản
Ở Nhật, nền giáo dục luôn khuyến khích trẻ sống tự lập ngay từ những cấp học đầu tiên. |
Ở Nhật sau khi hoàn tất các lớp mầm non, phụ huynh sẽ đăng ký cho con vào bậc tiểu học và được phân tuyến về trường gần nhà để đảm bảo trẻ đi học không quá xa. Và một trong những yêu cầu bắt buộc đối với trẻ là phải tự đi học, bố mẹ không cần phải đưa đón mỗi ngày.
Trước khi nhập học, bố mẹ sẽ dắt con đi bộ đến trường vài lần để nhắc nhở bé một số tình huống có thể xảy ra và cách xử lý cho phù hợp cũng như cho trẻ làm quen với con đường đến trường.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, trẻ sẽ được hướng dẫn cụ thể không được la cà trên đường đi học và về nhà; chỉ đi những tuyến đường cố định, không đi sang những tuyến đường khác; muốn đi chơi phải về nhà cất sách vở và xin phép bố mẹ; giáo viên sau giờ học sẽ kiểm tra các khu vực trong sân trường, lớp học để đảm bảo không có trẻ nào còn sót lại,…
Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, bố mẹ Nhật còn phải dạy con cách tự lập, ý thức được trách nhiệm của mình. Cụ thể, sáng sớm khi thức dậy bé phải biết tự gấp chăn màn, làm vệ sinh cá nhân, sau đó ăn sáng và soạn đồ dùng học tập để đến lớp. Bé có thể đi cùng bạn bè, vừa đi vừa nói chuyện và ngắm cảnh vật xung quanh một cách vui vẻ, hào hứng.
2. Mỹ
Tại Mỹ, quá trình chuẩn bị cho bé vào lớp 1 cũng diễn ra không mấy nhẹ nhàng như ở Việt Nam. |
Ở Mỹ, học sinh ở lớp mẫu giáo lớn sẽ được “học trước” chương trình. Các em được dạy và học cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết (học chữ, viết câu, làm toán) trước khi vào lớp 1. Chương trình lớp 1 là sự nối tiếp chứ không phải là sự lặp lại của lớp mẫu giáo lớn này. Để đạt được những yêu cầu trên, giáo viên phụ trách các lớp mẫu giáo lớn ở Mỹ hoàn toàn tuân thủ theo những quy định của Ủy ban Giáo dục mà bang đó đưa ra.
Khi các bé bước vào giai đoạn chuẩn bị vào lớp 1, các bậc phụ huynh ở Mỹ phải trải qua quá trình chọn trường để làm hồ sơ nhập học cho con. Tuy nhiên, các bé sẽ được kiểm tra đầu vào để đánh giá năng lực của trẻ. Sau khi có kết quả, giáo viên chủ nhiệm sẽ có buổi gặp riêng với bé và phụ huynh vào ngày đầu năm để đặt ra mục tiêu cho cả năm học dựa trên mong muốn, thực lực của bé và sự theo dõi của bố mẹ.
Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho con vào lớp 1, phụ huynh cũng cho các bé học thêm các lớp năng khiếu như ballet, guitar, đàn piano hay các lớp thể thao như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bầu dục, cờ vua,… để bé rèn luyện ngay từ nhỏ. Theo chính sách giáo dục của Mỹ, nếu sau khi kết thúc trung học, bé có năng khiếu về thể thao sẽ được các trường đại học “trải thảm đỏ” cấp học bổng tuyển thẳng vào trường.
3. Canada
Học sinh Canada được hưởng chương trình giáo dục miễn phí từ năm 4 tuổi cho đến năm 18 tuổi. |
Cũng như nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến khác, khi chuẩn bị cho bé vào lớp 1 bố mẹ chỉ cần chọn trường cho con nhưng tại Canada sự khác biệt là trẻ được học tập hoàn toàn miễn phí. Sách vở trẻ học cũng có thể mượn từ thư viện nhà trường. Bố mẹ chỉ cần mua dụng cụ học tập cho con, đồ ăn vặt và cơm trưa cho bé.
Trước khi bé nhập học, bố mẹ sẽ được tham dự buổi thuyết trình về các phương pháp giảng dạy mới và sự phát triển trí não của trẻ từ các chuyên gia. Bố mẹ sẽ hiểu được cách phát triển trí não cho trẻ tốt nhất và tương ứng sẽ là chương trình học phù hợp, không ép trẻ học quá nhiều.
Ngoài ra, khi chuẩn bị cho bé vào lớp 1, bố mẹ cũng cần cân nhắc về khả năng kinh tế để cho trẻ tham gia các chương trình học ngoài giờ như các lớp nữ công gia chánh, thể dục thể thao, các môn nghệ thuật phù hợp.
4. Trung Quốc
Nhiều trẻ em Trung Quốc có lịch học thêm dày đặc trước khi vào lớp 1. |
Bất chấp có nhiều quy định mới nhưng nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc vẫn thúc ép con mình - những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non phải đi học thêm để chuẩn bị vào trường tiểu học.
Những trung tâm học thêm dành cho trẻ em mẫu giáo hiện rất phổ biến ở Trung Quốc. Phần lớn các trung tâm lúc nào cũng chật kín học sinh. Các bậc phụ huynh cho biết, họ đăng ký cho con theo học các lớp này vì họ muốn chuẩn bị cho con cái tốt hơn khi vào lớp 1.
Một số phụ huynh còn cho biết có trường tiểu học yêu cầu học sinh hoàn thành 60 câu hỏi toán học trong vòng có 5 phút. Họ cho rằng nếu không được học thêm ngoài chương trình học ở mẫu giáo, học sinh khó lòng theo kịp chương trình khi vào tiểu học.
5. CHLB Đức
Trong khi trẻ em Việt Nam phải học đủ thứ để chuẩn bị vào lớp 1 thì trẻ em ở Đức được vui chơi thỏa thích. |
Theo quy định của Chính phủ, giáo dục mầm non là tùy chọn cho tất cả trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, không thuộc trong hệ thống giáo dục Đức. Nếu trẻ có đi học mầm non thì các trường mẫu giáo hay những “kitas” ở Đức cũng không quá chú trọng đến việc học hành.
Thực tế, cả giáo viên và phụ huynh đều không khuyến khích con em mình biết đọc quá sớm. Họ cho rằng bọn trẻ có thể cùng nhau học chữ khi bắt đầu vào lớp 1. Vì thế, trẻ em ở trường mẫu giáo Đức chưa được dạy cách đọc và viết cho đến khi 6 tuổi.
Ở Đức, khi học lớp 1, trẻ em cũng không bị ép học hành quá nặng, học như chơi và chơi như học. Thông thường các trường ở đây luôn dành nửa ngày để dạy học với 2 lần nghỉ ra chơi ngoài trời. Ở lớp, trẻ được bắt đầu học chữ, học con số, được tô màu… và đặc biệt không bị ép phải cầm bút tay phải, viết chữ đứng hay xiên. Ngoài ra, trẻ còn được học và thực hành cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô, với người lớn, bạn bè, được rèn luyện lòng tự tin và tác phong dạn dĩ, tập dượt phát biểu, thảo luận, phản biện trước đám đông.
6. Hà Lan
Học sinh Phần Lan bắt đầu chương trình giáo dục cơ bản từ năm 7 tuổi. |
Học sinh cấp một đến trường học vào lúc 9h30, 10h30 thì được đi ăn trưa khoảng 1h. Việc sắp xếp này nhằm đảm bảo cho các lớp lớn hơn có thể sử dụng căng tin. 11h30 chúng vào lớp học đến 12h30 thì tan học về.
Các hoạt động buổi sáng và buổi chiều cho học sinh lớp 1 -2 thường bao gồm các hoạt động giải trí thư giãn (thường là thể thao hoặc các kỹ năng thực tế, khả năng diễn tả bản thân qua lời nói và hình ảnh, âm nhạc, công việc lặt vặt hàng ngày và kiến thức trong các lĩnh vực khác. Việc tham gia là tình nguyện chứ không hề bắt buộc.
Kỹ năng đọc được coi là quan trọng nhất đối với học sinh tiểu học ở Phần Lan. Vì thế, trong giờ học, hàng tuần sẽ có bố hoặc mẹ lên lớp đọc sách cho và nghe bọn trẻ đọc bài. Bố hoặc mẹ phải ngồi đọc sách cho con đến thuộc lòng những câu chuyện từ đời thường, lịch sử cho đến tôn giáo.
Ở Phần Lan, tổ chức thi cử cho học sinh tiểu học là hành động phi pháp. Giáo viên sẽ đánh giá học sinh theo năng lực phát triển của họ, chứ không so sánh với các học sinh khác. Phần lớn nhận xét của giáo viên được thông qua trao đổi liên tục thay vì đưa ra các con số điểm như ở Việt Nam
7. Singapore
Trẻ mẫu giáo ở Singapore được dạy cách ghép câu tiếng Anh trong các lớp chuyển tiếp. |
Phụ huynh hay lo lắng khi con bắt đầu vào lớp 1, lo trẻ sẽ gặp khó khăn khi thích ứng với môi trường mới và không theo kịp chương trình học. Tại Singapore, giải pháp cho vấn đề này là các lớp học chuyển tiếp.
Nhiều bậc cha mẹ Singapore chọn cách cho con tham gia các lớp học chuyển tiếp từ mẫu giáo vào lớp 1. Những lớp học này thường được các trung tâm giáo dục tổ chức. Hầu hết trẻ trong các lớp này đều 6 tuổi và chuẩn bị vào lớp 1. Đây là những khóa học ngắn, tập trung vào một số chủ đề chuyên biệt, trong đó có tiếng Anh, tiếng Hoa và Toán.
Số lượng mỗi lớp thường ít, chỉ là một nhóm nhỏ học sinh. Các em được giới thiệu và giải thích một số khái niệm quan trọng của chương trình lớp 1. Ngoài ra, thầy cô tại các trung tâm còn chỉ ra những nhận thức sai lầm của bé về trường tiểu học. Phương pháp này có thể giúp trẻ thích ứng nhanh khi chính thức vào lớp 1.