Các mô hình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp trên thế giới

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc đầu tư vào đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng của Chính phủ.

Việc đầu tư vào đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng của Chính phủ để góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Ảnh minh họa
Việc đầu tư vào đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng của Chính phủ để góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Ảnh minh họa

Israel

Một trong những đất nước nổi bật nhất khi nhắc đến khởi nghiệp là Israel. Đây là quốc gia được thế giới biết đến với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”. Israel đã trở thành một trung tâm toàn cầu với tỉ lệ công ty khởi nghiệp bình quân đầu người cao nhất thế giới, trung bình có 1 công ty khởi nghiệp/2.000 dân.

Tại Israel, tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều cuộc thi được mở ra dành cho học sinh trung học hướng tới tinh thần khởi nghiệp, giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình cũng như cách phát triển ý tưởng phù hợp trong bối cảnh thương mại. Các sinh viên từ năm thứ hai trở đi gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp… Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nhân, startup sau này.

Tại Israel sẽ không còn xa lạ khi nhắc đến từ khóa “khởi nghiệp” bởi nó được xem là văn hóa hình thành nên tính cách khởi nghiệp. Cái hay của văn hóa khởi nghiệp tại đây không phải nước nào cũng làm được. Đó là tôn trọng ý tưởng, văn hóa chấp nhận thất bại, dám đương đầu tìm kiếm những điều mới và lạ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Hầu hết sinh viên đều được khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, tám trường đại học và hơn 70 trường cao đẳng công và tư đều được đào tạo khởi nghiệp. Đại học Technion, Hebrew University of Jerusalem, Đại học Tel Aviv, Đại học Haifa. Tất cả đều tích hợp vào trung tâm khởi nghiệp để đưa ra các khóa học và các mô-đun về khởi nghiệp cho sinh viên. 

Mỹ

Tại Mỹ, nhiều chương trình khởi nghiệp đã được thực hiện trong các trường đại học, cao đẳng. Để duy trì vị thế dẫn đầu nền kinh tế thế giới, nước Mỹ đã lấy “tinh thần khởi nghiệp” làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Theo thống kê, năm 2014, cứ 1 trong 5 sinh viên ngành kinh tế tại Mỹ tốt nghiệp sẽ nộp hồ sơ vào các công ty công nghệ.

Những người trẻ ở Mỹ luôn cảm thấy hào hứng với ảnh hưởng mà các công ty công nghệ tạo ra. Mỹ đã thành công trong xây dựng văn hóa khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Tại Mỹ, từ thập niên 1970 đến giữa thập niên 2000, mỗi năm có 500.000 đến 600.000 doanh nghiệp mới mở ra và sự xuất hiện của những tập đoàn hùng mạnh khiến nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc. Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự hưng thịnh của nước Mỹ, nhưng tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ và vai trò quan trọng của trường đại học, cao đẳng là một trong những yếu tố quyết định.

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp thay vì coi trọng dòng dõi, địa vị, truyền thống như nhiều quốc gia khác. Người Mỹ coi trọng những cá nhân sẵn sàng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, bất kể cá nhân đó ở địa vị nào trong xã hội, xuất thân từ một khu ổ chuột hay một gia đình thế lực. Trong văn hóa Mỹ, mối quan tâm của một cá nhân là quan trọng nhất. Họ tôn vinh những người dám tự làm, tự chịu.

Về chương trình đào tạo, các trường đại học, cao đẳng Mỹ đã phát triển một loạt các khóa học về khởi nghiệp. Các khóa học được chia thành ba loại là khóa học hướng dẫn tổng quan về kế hoạch kinh doanh, các khóa học có liên quan chặt chẽ đến các giai đoạn của vòng đời kinh doanh, các khóa học về chức năng kinh doanh bao gồm các vấn đề liên quan đến quản lý.

Các trường cũng cung cấp hai loại hoạt động ngoại khóa nhằm tạo cơ hội khám phá chuyên sâu hơn. Chẳng hạn như câu lạc bộ sinh viên và chuỗi trình diễn để tăng khả năng tiếp cận với khởi nghiệp và các hoạt động tăng cường kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn như các cuộc thi lập kế hoạch kinh doanh và thực tập để khuyến khích phát triển hơn nữa các kỹ năng khởi nghiệp.

Singapore

Singapore luôn được xếp trong danh sách những quốc gia sáng tạo nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới và sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động bậc nhất. Để đạt được những thành quả to lớn này, các giải pháp mang tính chất đồng bộ của chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp chính là yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp thành công tại đảo quốc này. Ngoài chính sách của chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học tại Singapore cũng xem việc thúc đẩy khởi nghiệp. Đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong sứ mệnh của mình.

Tại Singapore, có thể dễ dàng thấy những khu thí nghiệm công nghệ, công ty khởi nghiệp hay vườn ươm sinh học xen lẫn với các tổ chức nghiên cứu tư nhân hay trường đại học, cao đẳng. Mục đích chính của hệ thống sắp xếp này là tạo ra một cộng đồng chia sẻ kiến thức cũng như khiến các công nghệ trở nên thiết thực và gần gũi với cuộc sống hơn. Một số trường đại học, cao đẳng ở Singapore hợp tác với các công ty khởi nghiệp hoặc phòng nghiên cứu để cho sinh viên thực tập về đào tạo khởi nghiệp hoặc tham gia vào quá trình phát triển dự án.

Tại Singapore, các chương trình đào tạo khởi nghiệp được tích hợp trong giáo trình trung học và tài liệu giảng dạy tại hơn 130 trường học phổ thông và gần 32.00 học sinh theo học. Để trang bị cho các nhà khởi nghiệp tiềm năng thông tin cơ bản về quản lý kinh doanh, SPRING Singapore đã phát triển một bộ công cụ tương tác bao gồm các hướng dẫn thực hành, các mẫu kinh doanh thông thường và nội dung về các chủ đề quản lý kinh doanh cụ thể. Bộ công cụ này là miễn phí và có sẵn trực tuyến để tham khảo dễ dàng.

Thành công trong đào tạo khởi nghiệp ở Singapore có được là nhờ sự hỗ trợ lớn của Chính phủ trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Khung Quốc gia về Sáng tạo và Khởi nghiệp (NFIE) là một chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ở Singapore. Mục tiêu của NFIE là khuyến khích các trường đại học và trường đào tạo nghề kỹ thuật đưa nghiên cứu của họ trở thành các sản phẩm thương mại phục vụ thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nhân thành lập các công ty công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ