Hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên: Trao khát vọng cho thế hệ trẻ

Hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên: Trao khát vọng cho thế hệ trẻ

Khởi nghiệp từ giảng đường

Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, các trường đại học nên và cần thiết là môi trường ươm mầm cho ý tưởng khởi nghiệp. Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, tư duy tự chủ được thể hiện trong 26 năm qua là minh chứng rõ nét nhất về điều đó.

Nhà trường đã tự tạo nguồn tài chính nhờ xã hội hóa, thực hiện tư duy đột phá, thể hiện mô hình phân tán, chia sẻ trong giáo dục để có tư duy mới về học mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, trình độ. Nhờ đó, Trường Đại học Mở Hà Nội trở thành hạt nhân xây dựng xã hội học tập dựa trên nền công nghệ, tạo ra nền tảng chia sẻ trong giáo dục và đào tạo. Tinh thần khởi nghiệp đã và đang lan toả đến nhiều giảng viên trẻ và sinh viên nhà trường.

Chia sẻ với giảng viên trẻ và sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp Nguyễn Văn Tuấn, cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin của trường cho rằng: Khởi nghiệp là hành trình dài, cần sự chuẩn bị tốt.

Đó không phải là trò chơi, mà là thương trường đầy khốc liệt. Khởi nghiệp không dành cho những người thích sự ổn định, nhẹ nhàng. Các bạn trẻ hãy học về cách vận hành một mô hình kinh doanh, từ tuyển dụng, quản trị, điều hành, tối ưu chi phí; Tiếp đó là xây dựng cho mình một “Team” có cùng chí hướng…

Chúng ta cần tạo dựng ý chí, chuẩn bị tâm lý cho thất bại và sẵn sàng đứng dậy; đối diện với nghịch cảnh, bởi sẽ có không ít khó khăn xảy ra, cần học cách vượt qua. Làm khởi nghiệp sẽ phải hi sinh nhiều nhu cầu cá nhân để tạo lập cái chung.

Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa ra quan điểm khuyến khích giới trẻ mạnh dạn khởi nghiệp và nên coi đây là ý chí và nghị lực, là bước tạo đà cho phát triển công việc.

Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh khởi nghiệp không đồng nghĩa với việc rời bỏ vị trí công tác, học tập để thành lập doanh nghiệp. Giảng viên hãy coi khởi nghiệp là việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng để hướng tới vị trí công việc tốt hơn, có tầm ảnh hưởng và cơ hội cống hiến nhiều hơn.

Quan điểm này cũng được ThS Lương Tuấn Long - Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên (Trường ĐH Mở Hà Nội) đồng tình và đề xuất thêm: Các cơ quan quản lý Nhà nước nên có quy định cứng về nội dung kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo đại học và khuyến khích các hình thức khởi nghiệp trong sinh viên và giảng viên trẻ.

Kinh nghiệm người trong cuộc

Nguyễn Anh Hoàn – cán bộ Phòng Công tác chính trị và sinh viên (Trường Đại học Mở Hà Nội), khởi nghiệp với một loạt chuỗi thương hiệu như “Ram cuốn cải”, “Đồ ăn Handmade” và nay là “Mr Cơm” chuỗi cung ứng đồ ăn văn phòng đang thu hút đông đảo giới trẻ.

Hoàn tâm sự: Ý tưởng khởi nghiệp một ngành nghề nào đó được ấp ủ từ năm 2006. Mới đầu hai vợ chồng gặp không ít trở ngại, có những thời điểm tưởng như không thể vượt qua. Nhưng với đam mê và xác định nhập cuộc, không thể dừng lại nên “cái khó ló cái khôn”.

Hai vợ chồng cùng lăn vào làm, đến nay “Mr Cơm” bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Sản phẩm suất cơm ăn sạch sẽ, đủ món, giá cả phải chăng được giới văn phòng chấp nhận. Có những ngày đơn đặt hàng quá nhiều, không thể đáp ứng hết. Tuy nhiên do điều hành tốt nên tình trạng khất hàng với khách không xảy ra. Khách hàng tỏ ra hài lòng với các món ăn của “Mr Cơm”.

Làm thế nào để một cán bộ trường đại học lại có thể khởi nghiệp với một ngành nghề được coi là dâu trăm họ, ngốn nhiều thời gian như vậy? Hoàn chia sẻ: Bí quyết vẫn là quản trị, điều hành hiệu quả.

Từ “Ram cuốn cải”, “Đồ ăn Handmade”, đến nay là “Mr Cơm”, quản trị điều hành là một trong những ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp muốn thành công ngoài sản phẩm tốt, còn là vấn đề quản trị hiệu quả.

Để thực hiện điều này, Nguyễn Anh Hoàn đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Hoàn viết riêng một phần mềm điều hành, sử dụng camera để theo dõi và xử lý tình huống. Với những kinh nghiệm bước đầu, Hoàn luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn sinh viên có tinh thần khởi nghiệp.

Các giảng viên trẻ hãy trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ cả về lý luận và thực tiễn để phát triển các ý tưởng sáng tạo, trở thành những người truyền lửa cho các thế hệ sinh viên. Trong thời gian tới, Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên, tiếp tục hỗ trợ sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung -
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.