Các hãng xe tháo chạy khỏi Nga

GD&TĐ - Hai nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới là Ford (Mỹ) và Mercedes-Benz (Đức) sẽ là những cái tên tiếp bước Nissan (Nhật Bản) rút khỏi thị trường Nga.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hai nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới là Ford (Mỹ) và Mercedes-Benz (Đức) sẽ là những cái tên tiếp bước Nissan (Nhật Bản) rút lui khỏi thị trường Nga, do những ảnh hưởng bởi cấm vận và cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt.

Thông báo chính thức của Ford ngày 27/10, tập đoàn này đã hoàn tất thỏa thuận bán 49% cổ phần của mình trong liên doanh Sollers Ford có trụ sở tại Nga với mức giá “tượng trưng” nhưng không được tiết lộ chi tiết.

Tuy nhiên, Ford vẫn giữ điều khoản để có thể quay lại thị trường Nga một cách đầy đủ vào thời điểm thích hợp, bằng cách giữ quyền được chọn mua tỷ lệ cổ phiếu đã bán trong thời hạn 5 năm.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 đến nay, hoạt động của Ford tại Nga đã gặp khó khăn trầm trọng. Nhà sản xuất ô tô của Mỹ này cho biết công ty đã phải tiêu tốn 122 triệu USD cho các chi phí liên quan tới việc đình chỉ hoạt động tại Nga từ đầu năm 2022.

Trước khi chiến sự nổ ra, Ford là một trong những tập đoàn chiếm thị phần lớn tại thị trường xe hơi của Nga. Trong năm 2021 hãng đã bán được khoảng 20.000 xe tại Nga, nhưng đến tháng 3 thì gần như về không khi Ford thông báo đình chỉ các hoạt động do xung đột nổ ra tại Ukraine và các nước phương Tây đồng loạt áp lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Ngoài Ford, hàng loạt các công ty lớn khác của Mỹ như Cisco Systems và Nike cũng dần rút khỏi thị trường Nga sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các nhà sản xuất phương Tây này cho dù có muốn duy trì hoạt động tại Nga cũng không được do vướng hàng loạt lệnh cấm vận khác nhau.

Cùng thời điểm Ford tuyên bố rút khỏi Nga, nhà sản xuất xe của Đức Mercedes-Benz hôm 27/10 cũng cho biết sẽ rút khỏi thị trường Nga và bán cổ phần trong các công ty con của mình cho một nhà đầu tư địa phương là chuỗi đại lý xe hơi Avtodom. Avtodom cho biết sẽ chọn một đối tác công nghệ để tiếp tục vận hành các cơ sở sản xuất của Mercedes-Benz tại khu công nghiệp Esipovo, phía Tây Bắc Moscow.

Sau động thái trên, Mercedes-Benz Nga cho biết các ưu tiên chính hiện nay là tối đa hóa việc thực hiện các nghĩa vụ đối với khách hàng từ Nga cả về dịch vụ sau bán hàng và dịch vụ tài chính, đồng thời duy trì việc làm của nhân viên tại các chi nhánh ở Nga của công ty. Số cổ phần có tỷ lệ 15% của Mercedes-Benz trong nhà sản xuất xe tải Kamaz của Nga cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi giao dịch bán cổ phần cho Avtodom.

Trước Ford và Mercedes-Benz, nhà sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và loạt lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow.

Nissan đã phải chịu khoản lỗ 687 triệu USD khi chuyển giao hoạt động kinh doanh của mình tại Nga cho một công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga với giá tượng trưng một Euro. Ngoài ra, nhà sản xuất xe của Pháp là Renault cũng là một tập đoàn đã bán phần lớn cổ phần của mình trong Avtovaz của Nga với giá một Ruble vì lý do tương tự.

Tuy nhiên, tương tự như Ford, các giao dịch bán lại cổ phần của Nissan và Renault cũng đều bao gồm các điều khoản được mua lại sau 6 năm để mở đường cho các hãng quay lại Nga.

Thương vụ Mercedes cũng sẽ bao gồm một điều khoản tương tự. Điều này cho thấy tiềm năng hấp dẫn của thị trường Nga đối với các hãng sản xuất xe và việc họ phải rời đi chỉ là tình huống chẳng đặng đừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ