Vào đêm ngày 14 tháng Giêng, dân chúng thập phương thường nô nức kéo về Nam Định để tham dự một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất trong năm: lễ hội Khai ấn đền Trần.
Năm nay cũng không ngoại lệ, vào 23h đêm nay - lễ hội mới bắt đầu, nhưng các khu vực đền chính là Thiên Trường, Cố Trạch, Trùng Hoa đã chật như nêm ngay từ đầu giờ chiều.
Một vài năm gần đây, lễ khai ấn thường xuất hiện những hình ảnh phản cảm như chen lấn, giẫm đạp lên nhau để xin lộc, mong muốn có được ấn thiêng.
Nguyên nhân cũng bởi phần lớn người dân đều cho rằng "ấn đền Trần" gắn liền với sự thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc. Hơn nữa, trên ấn có dòng chữ Hán "Tích phúc vô cương" - ban phúc vô bờ - mang lại tâm lý an lành ngày đầu năm.
Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa phổ biến của ấn đền Trần
Theo quan niệm phổ biến nhất, lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 khi triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Theo một số ý kiến thì tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công với triều đình.
Sau đó, đến những năm chống giặc Nguyên - Mông lễ hội bị gián đoạn, không được tổ chức. Đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lễ lại.
Từ đó lễ khai ấn Đền Trần được diễn ra thường niên vào rằm tháng Giêng hàng năm lúc 11h đêm ngày 14 đến 1h sáng ngày 15.
Trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Nói về ý nghĩa của việc khai ấn, cụ Trần Huy Chiến, Trưởng từ đền Trần đã chia sẻ với báo Giao thông vận tải rằng: "Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương"; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt".
... một vài ý kiến khác đằng sau nguồn gốc ấn đền Trần
Câu chuyện nêu trên thực chất chỉ là quan niệm phổ biến về ấn đền Trần. Tuy nhiên lần về chính sử, nhiều nhà sử học cho biết không tìm thấy bằng chứng lịch sử nào cho thấy lễ hội phát ấn tại Nam Định bắt nguồn từ việc thưởng công cho quan tướng có công sau chiến tranh Nguyên - Mông. Theo lịch sử, sự kiện này diễn ra ở kinh đô Thăng Long.
Nguồn ảnh: Khampha
Theo một số tài liệu lịch sử thì nghi lễ khai ấn là một nghi thức truyền thống đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến đời nhà Trần. Lá ấn chưa từng có giá trị phong chức tước hay ban lộc.
Một số chuyên gia cũng đưa ra ý kiến về các ấn có mặt tại các đền thờ Hưng Đạo Vương. Nguyên do là vì cuối đời, Hưng Đạo Vương có tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh. Việc lập đền thờ để thờ phụng đức thánh Trần và hành nghề đạo sĩ phải có con dấu - ấn của Đức Thánh Trần để đóng trên bùa chú.
Tạm kết
Có thể nói, bản chất của bốn chữ "Tích phúc vô cương" trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững.
Bởi vậy sẽ không sai khi nói rằng, không ít người trong chúng ta đang lầm tưởng rằng, việc sở hữu một tờ ấn nhà Trần trong tay sẽ giúp "thăng quan, tiến chức".
Xét cho cùng, việc xin ấn đền Trần hàng năm là một tục lệ truyền thống đẹp, đáng được duy trì. Nhưng chúng ta cần tránh những hành động thiếu tôn nghiêm nơi đền chùa... mà hãy coi đó như một vật để cầu an lành cho đất nước, cho bách gia trăm họ thay vì mưu lợi quan lộc riêng cho bản thân mình.