Các địa phương tập trung nguồn lực triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Các địa phương đang tập trung nguồn lực triển khai Chương trình mới, đặc biệt là lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10. Việc chọn sách cũng được linh động thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Việc chọn sách được linh động thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Việc chọn sách được linh động thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dành nguồn lực cho Chương trình mới

Năm học 2022 - 2023 triển khai Chương trình mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên việc tập trung nguồn lực đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất, con người được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm.

Các Sở GD&ÐT tham mưu với UBND tỉnh, thành có lộ trình, kế hoạch đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ... Đồng thời vận dụng tối đa các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Chủ động trong việc tập huấn giáo viên, chọn SGK trong bối cảnh dịch bệnh... Từ đó góp phần triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. 

Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, thời gian đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm tháo gỡ kịp thời của Bộ GD&ĐT, địa phương đã nhanh chóng đưa ra giải pháp để khắc phục.

Về chuẩn bị đội ngũ, tỉnh Bạc Liêu bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu đối với giáo viên giảng dạy lớp 1, 2 và 6. Giáo viên được tập huấn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và cơ bản đã theo kịp yêu cầu thực hiện chương trình mới.

Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, tỉnh đã triển khai các bước chọn sách theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh. Theo đánh giá của giáo viên, các bộ sách được lựa chọn đang được triển khai thuận lợi tại nhà trường. Khả năng tiếp cận, nhận thức, kết quả cuối kì của học sinh đều có tiến bộ hơn so với thực hiện Chương trình 2006 ở các khối lớp tương ứng.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, địa phương quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, chất lượng.

Triển khai Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, tỉnh An Giang đã tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên để tổ chức đào tạo bồi dưỡng dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, hoạt động trải nghiệm và  giáo dục địa phương… nhằm bồi dưỡng, tập huấn, bố trí, sử dụng đội ngũ hợp lý, hiệu quả đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới. 

Tỉnh có phương án bồi dưỡng giáo viên tiểu học để có thể dạy thêm một số môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục tiểu học. Rà soát việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng viên chức một cách hợp lý, tiết kiệm.

Tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương, tỉnh An Giang tập trung vào những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị, xã hội, môi trường… của địa phương với hình thức xã hội hóa.

Đối với tài liệu lớp 2 và lớp 6 tỉnh An Giang cũng  đã biên soạn và được Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào sử dụng năm học 2021 - 2022; tài liệu lớp 3, lớp 7, lớp 10 đang tổ chức biên soạn để trình Bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào sử dụng kịp thời trong năm học 2022 - 2023.

Các Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh Đồng Tháp triển khai việc chọn sách.
Các Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh Đồng Tháp triển khai việc chọn sách.

Chú trọng khâu chọn SGK

Để chủ động công tác chọn SGK, tỉnh Tiền Giang tổ chức việc giới thiệu các bộ sách thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo đó, giới thiệu SGK lớp 7 được khai mạc tại điểm cầu chính đặt tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) và 140 điểm cầu đặt tại 140 điểm trường THCS, THPT nhiều cấp học. Hội thảo giới thiệu SGK lớp 10 được tổ chức tại điểm cầu chính tại Sở GD&ĐT và 37 điểm cầu tại 37 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Thông qua giới thiệu sách, cán bộ quản lý, giáo viên được các tổng chủ biên, chủ biên, nhóm tác giả, giới thiệu quan điểm biên soạn, cấu trúc SGK, đặc điểm nổi bật và phân tích bài học trong SGK của từng bộ môn. Các nhà xuất bản cam kết sẽ cung cấp đủ các học liệu điện tử, đồ dụng dạy học, bài giảng động (clip) và sẽ giải đáp thắc mắc của giáo viên trong quá trình tiếp cận và giảng dạy từng bộ môn.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, sau hội thảo, hiệu trưởng các trường tổ chức quy trình lựa chọn SGK tại các trường trước ngày 1/4 và chủ động tổ chức Ngày hội lựa chọn SGK cho phụ huynh học sinh đang học lớp 6, lớp 10 theo hình thức trực tuyến.

Phòng GD&ĐT 11 huyện, thành, thị của tỉnh Tiền Giang sẽ tổng hợp kết quả trước ngày 5/4. Sau đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức 2 phiên họp vào 2 ngày 7/4 và 25/4 để tổng hợp kết quả lựa chọn từ các cơ sở giáo duc và lập danh mục SGK trình UBND tỉnh để phê duyệt.

Hiện các Hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh Đồng Tháp tích cực thực hiện việc lựa chọn SGK. Các hội đồng này thảo luận, đánh giá, lựa chọn SGK của các môn học và hoạt động giáo dục, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cấp Tiểu học tỉnh Đồng Tháp có 11 Hội đồng lựa chọn SGK; cấp THCS và THPT có 28 Hội đồng. Trong thời gian làm việc tập trung, các Hội đồng thảo luận, đánh giá, lựa chọn SGK đúng hướng dẫn tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, tỉnh đề cao tinh thần trách nhiệm các thành viên trong việc nghiên cứu từng đầu SGK một cách nghiêm túc, thực hiện tốt các quy định về nghiệp vụ, chuyên môn mà Sở GD&ĐT đã hướng dẫn. Đồng thời, các Hội đồng làm việc phải đúng theo quy định, đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học, công bằng, khách quan, minh bạch...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.