Các địa phương “chạy đà” triển khai CT - SGK mới

GD&TĐ - Trên cơ sở phân tích thực trạng nguồn lực của ngành GD-ĐT, từ đội ngũ GV, CSVC, kinh phí, năng lực quản lý… các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đón đầu Chương trình - SGK mới như quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp, đầu tư CSVC, bồi dưỡng giáo viên, CBQL, tổ chức các cuộc thi về dạy học theo chủ đề tích hợp…  

Một giờ dạy - học với bảng thông minh tại Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc
Một giờ dạy - học với bảng thông minh tại Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc

Vai trò “đầu tàu”

Tại Hội nghị CLB Giám đốc Sở các tỉnh phía Nam với sự tham gia của lãnh đạo 32 Sở GD&ĐT được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận cho rằng, các Sở GD&ĐT không phải là cơ quan thực thi bị động mà đóng vai trò bản lề, chịu trách nhiệm về con người lẫn cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện những nhiệm vụ lớn trong việc triển khai Chương trình - SGK mới - một trách nhiệm lớn quyết định sự thành công hay thất bại của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT.

“Việc thay đổi cấu trúc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chia ra môn bắt buộc, môn tự chọn có thể làm thay đổi ít nhiều nhu cầu giáo viên phổ thông ở từng đơn vị trường học. Một số bộ môn thừa giáo viên nhưng cũng sẽ có những môn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, Chương trình - SGK mới cũng đòi hỏi những năng lực mới ở cán bộ quản lý cấp trường học và giáo viên phổ thông.

Vì vậy, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mới và phối hợp với các trường sư phạm để đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình - SGK mới là một trong những công tác mà Sở GD&ĐT cần quan tâm, điều tra, khảo sát để dự báo chính xác và xây dựng kế hoạch đón đấu thực hiện nội dung này, không để bị động”, ông Phan Đoàn Thái nêu ví dụ.

Ở một góc độ khác, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng, Sở GD&ĐT có vai trò rất lớn trong việc rà soát, dự kiến phân công cán bộ, GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Chúng tôi cho rằng sẽ rất lãng phí cả tiền bạc, công sức và thời gian nếu nhà giáo chỉ trực tiếp tham gia Chương trình giáo dục phổ thông mới một, hai năm rồi nghỉ. Do vậy, cần thiết nên quy hoạch độ tuổi để tham gia trực tiếp vào việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nên chăng, chỉ quy hoạch những nhà giáo, cán bộ quản lý đủ tuổi tham gia ít nhất một chu kỳ của việc thay sách: 5 năm với cấp tiểu học, 4 năm với cấp THCS và 3 năm với THPT”. Theo như phân tích của ông Liêm thì “việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình hàng năm không có nghĩa là nội dung, chương trình, SGK của từng lớp đã thật sự hoàn chỉnh, chắc chắn phải có những điều chỉnh cần thiết về nội dung, phương pháp để phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh này cần và nhất thiết phải có sự tham gia của những người trực tiếp thực hiện và nắm chắc nội dung của cả chương trình”.

Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa
 Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa

Sẵn sàng về nhân lực và CSVC

Ông Trần Thanh Liêm cho biết, Sở GD& ĐT Đồng Tháp đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai Chương trình - SGK mới. “Về CSVC trường lớp, để bảo đảm cho việc học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học thì việc sáp nhập, hợp nhất các trường có quy mô nhỏ, điều chuyển HS lớp 4 - 5 của các điểm trường lẻ về cơ sở chính ở các địa bàn giao thông thuận lợi, thực hiện đúng quy định về biên chế HS/lớp.

Qua đó, địa phương sẽ có được quỹ phòng học tương đối do chuyển đổi công năng các phòng hiệu bộ, phòng chức năng… thành phòng học. Trong xây dựng mới CSVC, phải hướng đến tính đồng bộ để bảo đảm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lâu dài, hạn chế việc xây dựng nhỏ lẻ để đáp ứng trước mắt việc dạy – học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, phải điều chỉnh, bổ sung sau thời gian ngắn hạn đưa vào sử dụng”.

Trong các năm học trước khi triển khai thay sách, ngành GD-ĐT Đồng Tháp chủ trương, đối với từng lớp không trang bị bổ sung thiết bị dạy học cho các trường để tránh lãnh phí. Các trường sử dụng thiết bị hiện có và tổ chức phong trào tự làm thiết bị để bảo đảm dạy - học và có kế hoạch kiểm kê thiết bị ở từng bậc học, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 đối với tiểu học và những năm sau đó với các bậc học trên để đối chiếu với danh mục thiết bị tối thiểu mới do Bộ ban hành để giữ lại các thiết bị còn tiếp tục sử dụng được, chỉ mua bổ sung thiết bị mới.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết, địa phương này đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng đội ngũ nhà giáo có đạo đức, phẩm chất, trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, ngoại ngữ và tin học.

Thông qua các hội thảo liên quan đến đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo…. ngành GD-ĐT Sóc Trăng đã phân tích thực trạng chất lượng đội ngũ CBQL và GV để xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng như: Tham mưu đề xuất chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên (bồi dưỡng thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng sau đại học…); chú trọng các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giỏi; tổ chức các hội thảo chuyên môn, chuyên đề để cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng CBQL, GV với hình thức đa dạng và nội dung thiết thực, nhất là để giáo viên tiếp cận mô hình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực người học, tạo nền tảng bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Trần Thanh Liêm cho biết, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai Chương trình - SGK mới. “Về CSVC trường lớp, để đảm bảo cho việc học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học thì với việc sáp nhập, hợp nhất các trường có quy mô nhỏ, điều chuyển HS lớp 4 - 5 của các điểm trường lẻ về cơ sở chính ở các địa bàn giao thông thuận lợi, thực hiện đúng quy định về biên chế HS/lớp. Qua đó, địa phương sẽ có được quỹ phòng học tương đối do chuyển đổi công năng các phòng hiệu bộ, phòng chức năng… thành phòng học.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, ngoài những bước chuẩn bị về CSVC, đội ngũ giáo viên… thì địa phương còn xây dựng mô hình chỉ đạo điểm thông qua việc triển khai kế hoạch “Trường điển hình đổi mới trong giai đoạn 2017 - 2020” bắt đầu từ năm học 2016 - 2017.

Với Trường điển hình đổi mới, ngành GD-ĐT Cần Thơ hướng đến các mục tiêu như “Đổi mới đồng bộ các hoạt động giáo dục trong nhà trường, gắn việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá của GV đối với sinh hoạt tổ chuyên môn. Quá trình đổi mới này phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thay đổi thái độ, phương pháp và hiệu quả học tập của HS. Trường điển hình đổi mới cũng chú trọng xây dựng nền nếp, phong cách làm việc khoa học, bồi dưỡng năng lực làm việc cho GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa nhà trường thân thiện và tích cực thông qua các hoạt động trải nghiệm của HS và GV” - bà Thắm chia sẻ.

Đây được xem là tiền đề để thực hiện Chương trình - SGK mới thuận lợi và dễ dàng hơn. Những kinh nghiệm của quá trình xây dựng Trường điển hình đổi mới sẽ giúp Sở GD&ĐT Cần Thơ có những chỉ đạo kịp thời, sát với thực tiễn hoạt động của các trường còn lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ