Các chuyên gia bàn về trường chuyên

GD&TĐ - Khoảng cách giữa trình độ giáo dục trong các trường phổ thông tinh hoa và đại chúng ở nước Nga ngày càng tăng lên. Điều đó diễn ra trong bối cảnh các cấp chính quyền tuyên bố rằng tất cả  học sinh phổ thông Nga không phụ thuộc vào nơi cư trú phải được tiếp thu một nền giáo dục phù hợp và có chất lượng. 

Các chuyên gia bàn về trường chuyên

Vì vậy mà kiến nghị mới đây của ông Aleksandr Sergeev, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Nga về sự cần thiết thay đổi vị thế của hàng trăm trường phổ thông Nga xuất sắc nhất để “chuẩn bị cho các em thi vào đại học và tiếp tục đi vào khoa học một cách rất hiệu quả” xem ra thật kỳ cục.

Theo ông Sergeev, việc chuyển các trường phổ thông Nga xuất sắc nhất trực thuộc thành phố sang chịu sự quản lý của khu vực sẽ cho phép đội ngũ giáo viên tập trung giảng dạy những học sinh tài năng, chứ không phải những học sinh trung bình. Trong khi đó, một cuộc điều tra do Trung tâm Khảo sát ý kiến xã hội toàn quốc tiến hành gần đây cho thấy, hơn 52% người Nga cho rằng những học sinh tài năng không thể hiện tiềm năng của mình và trở thành những con người bình thường. Như vậy, học sinh của chúng ta bị chia ra loại có tài và bất tài, cướp mất của những em bất tài cơ hội tiếp thu một nền giáo dục có chất lượng và những điều kiện tiến thân đã được ghi nhận trong dự án giáo dục quốc gia.

Sáng kiến của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Aleksandr Sergeev có mâu thuẫn với dự án giáo dục quốc gia không, liệu việc thực hiện nó có làm tăng khoảng cách giữa nền giáo dục tinh hoa và đại chúng và cuối cùng dẫn tới chất lượng giáo dục xuống cấp không? Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến trả lời của các chuyên gia.

Bà Lyubov Dukhanina, Đại biểu Đuma quốc gia Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục và Khoa học của Đuma quốc gia Nga:

Cần phải phát triển song song các trường phổ thông dành cho học sinh tài năng và các trường phổ thông đại chúng. Không nên ưu tiên riêng cho một loại trường nào. Cần phải đầu tư vào sự phát triển của mỗi đứa trẻ cả về chất lượng giáo dục lẫn việc bảo đảm tài chính cho nó.

Ở nước Nga, một số trường phổ thông có truyền thống thực hiện những chương trình giáo dục khó hướng vào đào tạo chuyên sâu cho học sinh. Năm ngoái, Bộ Giáo dục đã xây dựng dự án thực nghiệm chuyển các trường thành phố quản lý sang khu vực tại 16 khu vực. Những người tổ chức thực nghiệm cũng kỳ vọng vào việc tăng tài trợ cho các trường này. Cần lựa chọn những học sinh nào vào các trường như vậy? Làm thế nào bảo đảm cuộc sống của các em ở đây? Học sinh ở độ tuổi nào được vào học những trường này? Và cuối cùng là câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì với những học sinh không thuộc phạm trù học sinh tài năng? Các em sẽ học ở đâu?...

Cần phải cân nhắc từng chi tiết để học sinh không bị thiệt thòi cả về quyền hạn lẫn nhu cầu. Bởi ở Nga số học sinh tài năng quá nhiều để có thể đủ chỗ cho các trường tinh hoa. Ví dụ, năm 2018, Mặt trận nhân dân toàn Nga và Quỹ “Nguồn lực giáo dục quốc gia” đã thực hiện một cuộc điều tra hơn 2000 học sinh phổ thông. Trong đó, 44% cho biết có một tài năng đặc biệt do các em tự phát triển, không cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Gần 9% thừa nhận rằng không thể tự học để phát triển tài năng của mình và không được ai giúp đỡ để phát triển tài năng.

Vì vậy cần phải tạo những điều kiện khác nhau cho tất cả học sinh phát triển tài năng bẩm sinh, bù đắp những thiếu sót, đồng thời giúp các em tiếp thu kinh nghiệm khắc phục khó khăn, kinh nghiệm sáng tạo. Và điều chủ yếu là dạy các em trở nên độc lập, biết làm việc với mọi người, tổ chức xung quanh mình không gian sáng tạo và sáng kiến.

Ông Oleg Smolin, Đại biểu Đuma quốc gia Nga, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Giáo dục và Khoa học của Đuma quốc gia Nga:

Các trường phổ thông dành cho học sinh tài năng đã tồn tại dưới thời Xô Viết. Hiện nay, những trường phổ thông như vậy vẫn tiếp tục tồn tại ở các khu vực, đơn giản là chúng được gọi hơi khác. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng điều đó không cho phép chúng ta chia học sinh theo chủng loại và tạo cho số này những điều kiện ưu đãi, còn số kia thì tài trợ nhỏ giọt. Chúng ta cần tạo điều kiện tốt cho mọi trẻ em, không có ngoại lệ. Theo tôi, trình độ giáo dục cao trung bình của mọi người quan trọng hơn những thành tựu cao của một số công dân riêng lẻ. Vì vậy, tôi không phản đối các trường phổ thông dành cho học sinh tài năng, nhưng điều đó không được gây thiệt hại cho những học sinh bình thường.

Ông Boris Chernyshov, Đại biểu Đuma quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục và Khoa học của Đuma quốc gia Nga:

Ông Boris Chernyshov

Nhất trí rằng đã đến lúc phải thay đổi vị thế của các trường phổ thông xuất sắc nhất của Nga, chuyển chúng từ trực thuộc thành phố sang trực thuộc khu vực.

Điều đó thực sự giúp các em học sinh tài năng nhiều hơn, phát triển tài năng vì lợi ích của nước Nga. Trong thể thao, chính chúng ta chọn các vận động viên giỏi nhất, cho họ tập riêng với các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Vậy thì tại sao chúng ta không làm như vậy đối với những học sinh tài năng? Hơn nữa, không hiếm khi những học sinh xuất sắc cùng học trong một lớp với những em ngỗ nghịch mà các thầy giáo phải chú ý đặc biệt. Vì vậy tôi đề nghị quan tâm tới kinh nghiệm của các nước ngoài, khi họ phân nhóm học sinh theo trình độ phát triển của chúng, như Mỹ, Nhật và Trung Quốc đã làm.

Ông Igor Volgin, nhà văn, nhà sử học, tiến sĩ ngữ văn, giáo sư khoa báo chí Đại học quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov và Trường viết văn mang tên A.M. Gorky:

Tôi hoàn toàn phản đối sáng kiến này vì nói chung tất cả trẻ em đều có tài. Việc coi một nhóm trẻ em nào đó có tài đặc biệt là không chính xác về mặt đạo đức. Nhìn chung, bản thân ý tưởng thành lập các trường chuyên cho những trẻ em tài năng đặc biệt là sự xúc phạm những trẻ em khác. Hóa ra, họ không có tài, dường như là loại hai. Điều đó không chỉ là không chính xác về mặt đạo đức mà còn có hại về mặt xã hội. Cần phải nói rằng, các nhà khoa học lớn không tốt nghiệp các trường chuyên. Ví dụ, Lomonosov không học trường dành cho trẻ em tài năng, mà ngược lại, học trong một lớp, nơi tất cả đều ít tuổi hơn ông. Ông là một trường hợp ngoại lệ, nói đúng ra là một học sinh quá tuổi. Mendeleev, Korolyov, Pavlov đều không tốt nghiệp các trường chuyên, mặc dù chắc chắn họ là những trẻ em tài năng đặc biệt.

Kiến nghị này phân biệt trẻ em tài năng và bình thường bất lợi đối với dân tộc và đất nước. Có một thời đã tồn tại hệ thống nhóm, câu lạc bộ phát triển tài năng. Hệ thống này đã phát huy tác dụng. Đội ngũ cán bộ Liên Xô, từ khoa học đến văn học, đều được nuôi dưỡng trong các trường phổ thông bình thường với các tổ, nhóm theo sở thích.

“Năm 2018, Mặt trận Nhân dân toàn Nga và Quỹ “Nguồn lực giáo dục quốc gia” đã thực hiện một cuộc điều tra hơn 2.000 học sinh phổ thông. Trong đó có 44%  cho biết có một tài năng đặc biệt do các em tự phát triển, không cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Gần 9% thừa nhận rằng không thể tự học để phát triển tài năng của mình và không được ai giúp đỡ để phát triển tài năng”.
Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.