Cô hiệu trưởng năng động, sáng tạo

GD&TĐ - Gần năm 50 tuổi đời, với 28 năm tuổi nghề, cô Bùi Thị Lý- Hiệu trưởng Trường mầm non Ban Mai (TP Sơn La) luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh yêu quý bởi sự tận tụy, tâm huyết với nghề. 

Tập thể Chi bộ Trường mầm non Ban Mai
Tập thể Chi bộ Trường mầm non Ban Mai

Cô là một trong những cán bộ quản lý năng động, sáng tạo nhất của Sơn La, góp phần nâng cao chất giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục của địa phương nói chung.

Niềm vui khó tả

Đã chọn là cô giáo mầm non, tức là thay mẹ dạy trẻ, vì thế phải yêu trẻ như con. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non. Chăm sóc cây non có tốt thì sau này cây mới phát triển, khỏe mạnh. Tương tự, dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu sẽ thành người tốt.
Cô Bùi Thị Lý

Sinh năm 1969, năm 1990 cô Bùi Thị Lý tốt nghiệp Sơ cấp Sư phạm mầm non Sơn và được điều động về làm giáo viên của Nhà trẻ Nông trường Tô Hiệu (Mai Sơn, Sơn La). Đến năm 1997, cô chuyển về công tác tại Trường mầm non Ban Mai – ngôi trường tư thục đầu tiên của TP Sơn La.

Sau bao nhiêu cố gắng, nỗ lực hết mình cho công việc, năm 2003 cô Bùi Thị Lý được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Ban Mai. Thời điểm này cô cũng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương I.

Đến năm 2010 cô Bùi Thị Lý được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường. Dù ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đồng nghiệp nhận xét: Cô luôn hết lòng với công việc, yêu thương quan tâm chăm sóc học sinh như con đẻ của mình. Cô là người sống giản dị luôn hòa đồng nên được đồng nghiệp kính trọng, học sinh yêu mến và phụ huynh tin tưởng.

Được biết, cô Bùi Thị Lý từng đạt giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh. Cô cũng từng được Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen. Hằng năm cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

28 năm gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ nên Cô Bùi Thị Lý hiểu được nỗi vất vả cũng như niềm hạnh phúc của một cô giáo mầm non như thế nào.

Với đặc thù là trường tư thục của một tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, do đó lúc nào cô cũng đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu. Cô luôn nói chuyện với cán bộ, giáo viên rằng, “hãy hết mình với trẻ, yêu thương trẻ thì trẻ sẽ cho ta niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải công việc nào cũng có được.

Đó có thể chỉ là những cái thơm má đầy nũng nịu của các bé dành tặng cô, đó cũng có thể là những tiếng gọi cô là Mẹ… Thân thương và ngọt ngào đến khó tả”.

Khởi xướng nhiều phong trào thi đua

 Cô Bùi Thị Lý: Làm việc gì cũng cần sự tâm huyết và trách nhiệm

Hiện nay, cô vẫn cùng với giáo viên tham gia làm đồ dùng dạy học và viết sáng kiến kinh nghiệm. Theo kinh nghiệm của cô Bùi Thị Lý, muốn triển khai bất cứ chủ trương, kế hoạch gì thì người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu và phải “xắn tay” vào làm cùng với anh em.

Chính vì vậy mà khi đến trường, mọi người sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy cô xuất hiện ở mọi lúc, nơi. Cô trò chuyện với các bé, cho bé ăn, ru bé ngủ, cô đứng lớp thay cô giáo nghỉ ốm, thậm chí rửa bát, nhặt rau cùng nhân viên phục vụ....

Bản thân cô Bùi Thị Lý cũng là người chịu khó học hỏi, tìm tòi để tích lũy kiến thức chuyên môn cho bản thân. Với các cháu có nhận thức chậm, kỹ năng còn hạn chế, cô cùng với giáo viên tìm hiểu nhiều biện pháp giáo dục giúp các cháu phát triển bình thường như: Thường xuyên trò chuyện vui vẻ với các cháu, phân công bạn giỏi kèm bạn yếu, tổ chức hình thức đôi bạn cùng tiến và các hình thức khen ngợi động viên trẻ kịp thời.

Bên cạnh đó, cô luôn lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực. Cô là người khởi xướng nhiều phong trào thi đua ở trường như: Thi đua đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh.

Đặc biệt, cô phát động đến giáo viên, nhân viên trong trường thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan.

Hay như phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng là do cô phát động và đã được cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng.

Cô Bùi Thị Lý bộc bạch: “Làm việc gì cũng cần sự tâm huyết và trách nhiệm. Với người làm công tác quản lý thì cần có cái nhìn bao quát hơn. Đơn cử như khi tuyển dụng giáo viên, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, thì cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình để xác định xem người này có phù hợp với đặc thù công việc và có thể gắn bó với nghề giáo viên mầm non hay không?!

Hoặc khi sắp xếp, bố trí công việc cũng cần đảm bảo yếu tố phù hợp với khả năng, năng lực của từng người. “Tôi luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được làm việc trong môi trường thân thiện. Cùng nhau giúp đỡ để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ” – cô Bùi Thị Lý Chia sẻ.

Được biết, từ một ngôi trường tư thục còn non trẻ, nay nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2, với 11 nhóm lớp với trên 350 trẻ. Kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của cô Bùi Thị Lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.