Đối với môn ngoại ngữ, sử dụng trò chơi đã được áp dụng nhiều trong giảng dạy các kỹ năng khác nhau (nghe, nói, đọc, viết) và các mục đích khác nhau như khởi động, dạy bài mới, củng cố bài học…
Các bước sau giúp giáo viên sử dụng trò chơi hiệu quả trong dạy ôn tập từ vựng Tiếng Anh hiệu quả
Bước 1: Thiết kế các bài dạy và chuẩn bị cho giờ dạy
Đối với giáo viên: Nhóm chuyên môn chia các thành viên trong nhóm phụ trách thiết kế bài dạy theo mỗi bài ôn trong SGK. Mỗi bài dạy có từ 2 đến 3 giáo viên phụ trách.
Giáo viên lựa chọn các từ, cụm từ quan trọng của mỗi bài học, thiết kế các trò chơi phù hợp để ôn tập và củng cố các từ này.
Yêu cầu học sinh ôn tập lại các từ then chốt trong mỗi đơn vị bài học (Unit). Với mỗi từ, hướng dẫn học sinh ôn tập để nhớ lại nghĩa (meaning), phát âm (pronounciation), các từ phái sinh (form), và cách sử dụng (function) trong các tình huống đề cập đến trong bài học.
Đối với học sinh: Làm việc cá nhân – tự học, tự ôn tập từ vựng ở các bài học theo yêu cầu của giáo viên.
Yêu cầu về thiết kế trò chơi : Việc thiết kế các trò chơi cần đa dạng, phong phú, biến đổi phù hợp theo từng bài và phải đảm bảo các yếu tố sau:
Vòng 1: Các trò chơi ở mức độ nhận biết.
Vòng 2: Các trò chơi nhằm kiểm tra kiến thức ở mức độ thông hiểu.
Vòng 3: Các trò chơi ở mức độ vận dụng (bao gồm vận dụng ở mức độ thấp và mức độ cao).
Bước 2: Tổ chức dạy trên lớp
Tổ chức theo hình thức “game show“. Đối tượng là học sinh của một lớp, một số lớp.
Lớp học được chia thành 3 hoặc 4 nhóm mỗi nhóm từ 8 đến 12 học sinh tham gia trò chơi. Giáo viên có thể chuẩn bị một số các phần thưởng cho mỗi nhóm thắng cuộc sau mỗi trò chơi để khích lệ học sinh, tạo không khí sôi nổi trong lớp học.
Cuối mỗi bài học giáo viên đưa ra bài tập để học sinh làm ở nhà để củng cố và khắc sâu việc nắm từ vựng trong đơn vị bài ôn tập.
Mô tả thiết kế các bài dạy như sau:
Giáo viên thiết kế mỗi bài dạy theo ba vòng chơi với các mức độ kiến thức thể hiện nhận thức từ thấp đến cao: Từ nhận biết đến thông hiểu, đến vận dụng ở mức độ thấp và ở mức độ cao. Các bài thiết kế rất đa dạng, phong phú để tạo hứng thú cho học sinh chơi mà học.
Vòng I:
Mục đích: Kiểm tra việc học sinh thuộc được nghĩa của từ. Giáo viên thiết kế vòng chơi này bằng các bức tranh, các tình huống. Trên cơ sở quan sát tranh, dựa vào tình huống để đoán nghĩa của từ
Thiết kế: Có 3 gói câu hỏi, mỗi gói gồm một số bức tranh, hoặc tình huống (ví dụ 4 bức tranh, một tình huống )
Cách chơi: Lớp được chia thành 3 đội chơi. Các đội sẽ bốc thăm để lựa chọn gói câu hỏi để trả lời trong khoảng thời gian quy định. (ví dụ trong 10 giây). Với mỗi từ đúng được tính số điểm quy định (ví dụ 10 điểm/ từ). Nếu trả lời sai không được được tính điểm và khi đó hai đội còn lại có quyền trả lời.
Như vậy, ở vòng chơi này, mỗi đội có gói câu hỏi riêng nhưng tất cả học sinh đều phải tích cực tham gia vào từng câu để có thể dành điểm cao nhất cho đội mình.
Vòng II:
Mục đích: Kiểm tra việc nắm được từ vựng của học sinh ở mức độ thông hiểu.
Giáo án thứ nhất: (Ở thiết kế bài ôn cho đơn vị bài học 1,2,3): Trò chơi có tên là betting game
Thiết kế: Có 12 câu hỏi. Mỗi câu tương ứng với một con số. Nội dung của mỗi câu trong phần trò chơi này là các yêu cầu về điền từ vào chỗ trống, sắp xếp từ tạo thành câu, tìm từ khác loại, chọn dạng đúng, nghĩa đúng của từ đồng nghĩa, trái nghĩa… Khi mỗi số được chọn và mở ra thì học sinh cả 3 đội cùng phải làm việc để tìm được từ phù hợp
Cách chơi: Mỗi đội, nhóm được chọn hai chữ số để mở nội dung yêu cầu cần thực hiện. Khi mỗi số được chọn và mở ra thì học sinh cả 3 đội cùng phải làm việc để tìm được từ phù hợp. Đội chọn ô có thể cá cược hoặc không. Nếu không cá cược thì được số điểm theo quy định (ví dụ 10 đ/ câu). Nếu cá cược thì có thể cá từ 10 đến 100 điểm, nếu trả lời đúng thì được cộng số điểm đã cá cược. Nếu trả lời sai thì bị trừ bằng số điểm đã cá cược. Hai đội còn lại chỉ được tính điểm cho những trả lời đúng theo điểm quy định.
Giáo án thứ hai: Thiết kế bài ôn cho các đơn vị bài học 12,13,14.
Vòng chơi này gồm 2 phần :
Phần 1: Đoán từ qua định nghĩa, phần 2 là sử dụng từ để hoàn thành câu:
Thiết kế: Có 5 định nghĩa cho 5 từ, mỗi định nghĩa tương ứng với một chữ số sẽ được chọn để mở ra
Cách chơi: Mỗi đội (nhóm) được chọn một chữ số để mở nội dung yêu cầu cần thực hiện. Đội này có thể cá cược hoặc không. Nếu không cá cược thì được số điểm theo quy định (ví dụ 10đ/ câu). Nếu cá cược thì có thể cá từ 10 đến 100 điểm, nếu trả lời đúng thì được cộng số điểm đã cá cược. Nếu trả lời sai thì bị trừ bằng số điểm đã cá cược. Trong hai đôi còn lại, đội nào nhanh hơn sẽ dành được quyền trả lời và chỉ được số điểm theo quy định của barem.
Phần 2: Trò chơi ô chữ
Thiết kế: Thiết kế bảng gồm 5 dòng. Mõi dòng hàng ngang có số ô bằng với số chữ của từ cần tìm. 5 dòng chữ hàng ngang sẽ tạo thành một ô chữ ở hàng dọc. Giáo viên sẽ đưa các gợi ý để học sinh tìm từ tương ứng với mỗi ô chữ.
Cách chơi: Mỗi đội chơi sẽ có 2 lần lựa chọn. Mỗi ô chữ đúng được tính điểm theo quy đinh. Học sinh phải tìm ra từ tương ứng với ô chữ trong thời gian giới hạn (ví dụ 10 giây). Nếu đội chọn không trả lời đúng 2 đội còn lại sẽ được trả lời và được tính điểm cho đội mình.
Vòng III:
Phần 1: Vận dụng thấp:
Thiết kế: Có 3 từ. Mỗi từ sẽ có một bài tập về cách biến đổi từ loại gồm 3 hoặc 4 câu.
Cách chơi: Học sinh mỗi nhóm sẽ bốc thăm chọn 1 từ và làm bài tập tương ứng. Mỗi biến đổi từ được tính một số điểm quy định (ví dụ 10đ/từ). Nếu phần của đội bốc thăm làm sai thì hai đội còn lại có quyền trả lời và được tính điểm cho đội mình.
Trong phần chơi này học sinh có thể cược điểm hoặc không. Nếu cược mà làm sai thì sẽ bị trừ bằng số điểm đã cá cược vào tổng điểm của đội.
Phần 2: Vận dụng cao.
Thiết kế: Có 3 gói yêu cầu. Mỗi gói tương ứng với một chữ số để ba nhóm bốc thăm lựa chọn. Mỗi gói bao gồm 10 từ thuộc cùng một chủ đề của một bài học trong sách GK. Mỗi gói tương ứng với một chữ số
Cách chơi: Học sinh mỗi đội bốc thăm để lựa chọn một trong 3 con số. Khi ô số được mở ra, học sinh trong nhóm phải cùng nhau làm việc trong khoảng thời gian quy định để xây dựng lên một bài nói có thể là small talk hoặc short conversation từ những từ gợi ý hoặc từ một số bức tranh.
Sau ba vòng chơi là phần bài tập củng cố được giao về nhà.