Các biện pháp quản lý giúp nâng cao hiệu quả chủ nhiệm lớp

GD&TĐ - ThS Đoàn Thị Ngọc Mai (Trường ĐH Sài Gòn) đề xuất các biện pháp tổ chức, quản lý hoạt động chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học sinh.

Các biện pháp quản lý giúp nâng cao hiệu quả chủ nhiệm lớp

Xây dựng kế hoạch hoạt động chủ nhiệm

Để có được những điều kiện tâm lý cần thiết cho việc tiến hành các tác động giáo dục, trong kế hoạch hoạt động chủ nhiệm, hiệu trưởng cần chỉ đạo cho tổ chủ nhiệm hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm lớp lên kế hoạch tìm hiểu và nắm vững đặc điểm tình hình học sinh về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp.

Nhiệm vụ đầu tiên của kế hoạch sẽ là điều tra cơ bản về thành phần, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sức khỏe, tinh thần, về sở thích, sở trường, sở đoản, về năng khiếu, đặc biệt là những khó khăn về quá trình học tập, sinh sống trước đây của học sinh để có biện pháp đề phòng và kịp thời ứng phó trước những diễn biến xấu trong quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh lớp mình chủ nhiệm.

Kết quả của điều tra cơ bản này là phần lý lịch học sinh của sổ chủ nhiệm. Tránh những thông tin chung chung ít giá trị cho công tác chủ nhiệm.

Biện pháp hiệu quả của bước thứ nhất này là lên kế hoạch thăm tất cả gia đình học sinh trong lớp (không riêng học sinh có hoàn cảnh khó khăn)

Xây dựng qui chế làm việc của gíáo viên chủ nhiệm lớp

Quy chế qui định chế độ bồi dưỡng thường xuyên cho gíáo viên chủ nhiệm, như tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động, bồi dưỡng tài chính... 

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tuyển chọn, xây dựng ban cán sự lớp đủ năng lực: Ban cán sự lớp phải là học sinh gương mẫu, có uy tín, biết quan tâm đến khó khăn của bạn bè, biết hy sinh vì quyền lợi chung, tập hợp được sức mạnh chung của lớp.

Giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng nhận thức, tập huấn, hướng dẫn cán sự lớp về nội dung, phương pháp tổ chức lớp, kỹ năng tự quản, về cách giao tiếp, động viên thuyết phục, tập trung học sinh trong lớp cùng học tập, sinh hoạt.

Ban cán sự lớp phải biết báo cáo định kỳ và đột xuất về các diễn biến, khó khăn của bạn học cho giáo viên chủ nhiệm trong các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, không thụ động chờ sự mọi sự sắp đặt của giáo viên chủ nhiệm.

Tạo lập, rèn luyện thói quen tự đánh giá và đánh giá khách quan về kết quả rèn luyện đạo đức của từng học sinh theo định kỳ của kế hoạch chủ nhiệm (cần khách quan, công bằng, công khai, dân chủ, tránh định kiến, thành kiến, thiên vị,..) để đạt được tác dụng giúp học sinh phấn khởi phát huy mặt mạnh và kích thích sự tự giác điều chỉnh hành vi của học sinh…

Những kết quả nghiên cứu từ thực tế về thành công và hạn chế của công tác chủ nhiệm lớp xác định các kỹ năng và phẩm chất cơ bản, cần thiết mà người giáo viên chủ nhiệm lớp ở nhà trường phổ thông cần rèn luyện, đó là:

Năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động tập thể, kỹ năng giáo dục, thuyết phục; tình yêu nghề, tâm huyết với nghề để sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức, thậm chí quyền lợi cá nhân vì sự tiến bộ của học sinh; là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Trong điều kiện hiện nay, giáo viên chủ nhiệm lớp cần biết hy sinh, không quản ngại khó khăn, dành thời gian đến tìm hiểu về những khó khăn tại gia đình, địa phương của hoc sinh sinh sống, biết áp dụng đúng mức các biện pháp tâm lý, nêu gương tốt, …nhằm động viên, thuyết phục, cảm hóa học sinh.

Cần bố trí thời gian định kỳ cho sinh hoạt chủ nhiệm lớp, sinh hoạt khối chủ nhiệm, sinh hoạt chủ nhiệm toàn trường,… Đồng thời áp dụng các biện pháp tổ chức quản lý, thi đua, khen thưởng, nhân điển hình gíáo viên chủ nhiệm lớp tốt.

Cùng với đó là các biện pháp phát hiện và ngăn chận các hành vi thiếu trách nhiệm, đối phó, hình thức; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, lạm dụng danh nghĩa, quyền hạn gíáo viên chủ nhiệm lớp gây khó khăn với học sinh, vi phạm điều lệ nhà trường, đạo đức nhà giáo.

Trên cơ sở quán triệt các yêu cầu của việc thực hiện vai trò chủ nhiệm lớp như trên, hiệu trưởng cụ thể hóa nội dung, biện pháp, trách nhiệm phối hợp giữa gíáo viên chủ nhiệm lớp với các lực lượng liên quan;

Có kế hoạch định kỳ và trường xuyên liên hệ với các giáo viên bộ môn về tình hình học và sinh hoạt của học sinh lớp chủ nhiệm, để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các tác động sư phạm; cùng giáo viên bộ môn tìm mọi biện pháp cải tiến phương pháp, nâng cao hiệu quả dạy học và giáo dục học sinh.

Đa dạng các hình thức phối hợp giáo dục

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng kế hoạch phối hợp với cha mẹ học sinh trong thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức mà giáo viên chủ nhiệm là nòng cốt. 

Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò chủ đạo trong mối liên hệ với cha mẹ học sinh, thường xuyên liên hệ với gia đình học sinh thông qua sổ liên lạc và các buổi họp mặt với cha mẹ học sinh để kịp thời nắm bắt những thay đổi, khó khăn có thể gây trở ngại cho việc học tập, rèn luyện của học sinh.

Việc đầu tư thỏa đáng vào xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm giáo dục có hiệu quả kỹ năng sống cho học sinh cũng cần được lưu ý.

Từ kế hoạch chủ nhiệm, kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải cụ thể hóa từng hoạt động phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của học sinh lớp mình chủ nhiệm. Phối hợp với đoàn, đội tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với tâm sinh lý học sinh, với điều kiện sống, học tập và sức khỏe của học sinh lớp mình phụ trách;

Hoạt động phải đa dạng, sinh động, hấp dẫn; phương pháp tổ chức hoạt động phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, nhằm khắc sâu, mở rộng kiến thức đã học trên lớp, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (nhóm kỹ năng sinh tồn, kỹ năng hoạt động tập thể, kỹ năng giao tiếp,..) để học sinh có thể ứng xử những tình huống xảy ra chung quanh bằng thái độ phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục, văn hóa, văn minh của dân tộc.

Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trao đổi kinh nghiệm học tốt, cải tiến phương pháp học tập thông minh, sáng tạo, nhằm giúp học sinh xác định được động cơ, phương pháp học tập, tự học đúng đắn, yêu thích học tập, tránh nạn học tủ, học vẹt, quay cóp, chán học, bỏ học , đạt được hiệu quả ngày càng cao trong học tập.

Xây dựng nề nếp học tập, sinh hoạt tốt cho lớp chủ nhiệm; xây dựng dư luận lành mạnh, tạo môi trường thân thiện cho mọi học sinh có khó khăn dễ dàng hòa nhập, tìm đến với lớp để được sự chia sẻ, thông cảm, yêu mến của thầy cô, bạn bè,…;

Cải tiến các biện pháp kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học trên lớp và ngoài giờ lên lớp, nhằm thực hiện mục tiêu dạy học - giáo dục của nhà trường. 

Thường xuyên theo dõi (định kỳ và đột xuất) các loại sổ sách có liên quan đến tình hình học tập, sinh hoạt, sức khỏe, chuyên cần, kỷ luật của học sinh

Thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường để học sinh giải tỏa những bức xúc trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội, định hướng kịp thời cách ứng xử trước các tình huống khó khăn do học sinh thiếu kỹ năng sống.

Có thể nói, trách nhiệm của nhà quản lý trường học là hình thành môi trường thích hợp để phối hợp các nỗ lực cá nhân, mà trong đó con người có thể đạt được mục tiêu giáo dục một cách hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.