(GD&TĐ) – Một bức tường chắn sóng khổng lồ cùng với chiếc cửa cống trị giá 20 triệu bảng Anh đã bị nhiều người cho là một sự phí phạm. Nhưng hôm nay, một cựu thị trưởng Nhật Bản đã được coi là vị cứu tinh sau khi công trình vĩ đại trên đã giúp thị trấn nhỏ của ông thoát khỏi thảm họa sóng thần lịch sử hôm 11.3 làm 25.000 người chết và mất tích.
Trong đống đổ nát ở bờ biển phía bắc Nhật Bản, làng Fudai vẫn sừng sững như mọi khi. Không có ngôi nhà nào bị cuốn trôi. 3.000 cư dân tại đây đã nợ mạng sống của mình cho ông Kotaku Wamura quá cố, người đã sống qua trận sóng thần trước đó và coi việc bảo vệ người dân của mình trong trận sóng thần tiếp theo là ưu tiên hàng đầu khi còn đương chức.
công trình cao 15,5 mét đã từng bị chỉ trích là một dự án công lãng phí, nhưng đã bảo vệ cả thị trấn trong trận sóng thần |
Dự án cửa cống đã bị chỉ trích là phí phạm trong những năm 70. Thế nhưng nó và bức tường cao tương đương đằng sau cảng cá bên cạnh khu dân cư đã bảo vệ Fudai khỏi những con sóng đã quét sạch những thị trấn khác.
Kể từ sau đợt sóng thần, cư dân ở đây đã tới thăm ngôi mộ của ông và tỏ lòng biết ơn.
“Nó tốn rất nhiều tiền, nhưng nếu không có nó thì Fudai đã biến mất rồi” – một ngư dân 55 tuổi tên là Satoshi Kaneko nói. Cơ sở kinh doanh của ông Satoshi bị hỏng hết nhưng ông vẫn vui vì cả gia đình và nhà cửa của ông không hề hấn gì.
Những thị trấn khác ở phía bắc và nam cũng chống chọi lại sóng thần bằng những bức tường chắn sóng, đê chắn sóng và những công trình bảo vệ khác, tuy nhiên không có công trình nào cao như ở Fudai.
HS trường trung học Fudai làm sạch sân tennis sau sóng thần. Phía sau là tường chắn sóng đã giúp ngôi trường an toàn |
Tại Fudai, những ngọn sóng cao 20 mét, nước đại dương đã tràn qua đây nhưng chỉ gây ra những tổn thất nhỏ. Chiếc cống đã phá vỡ lực của sóng thần và cư dân ở đây may mắn có 2 ngọn núi củng cố cho chiếc cống, tạo nên một rào chắn tự nhiên.
Cố thị trưởng Wamura không bao giờ quên được nước biển tràn tới mau như thế nào. Những cơn sóng thần sau động đất đã san phẳng bờ biển phía bắc Nhật Bản năm 1933 và 1896. Ở fudai, 2 thảm họa này đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà và cướp đi 439 mạng người.
“Khi tôi nhìn những thi thể được đào lên, tôi không biết nói gì. Tôi không có lời nào” – ông Wamura dã viết về trận sóng thần năm 1933 trong cuốn sách về Fudai mang tên “Cuốn chiến chống đói nghèo 40 năm”. Ông đã thề chuyện này sẽ không xảy ra lần nữa.
Công trình xây dựng tường chắn sóng bắt đầu năm 1972 với nhiều sự băn khoăn về kích cỡ quá lớn cũng như nhiều người buộc phải ngậm ngùi bán đất cho chính phủ. Thậm chí thị trưởng hiện tại, ông Fukawatari, người từng giúp giám sát việc xây dựng, cũng đã tỏ ra nghi ngờ: “Tôi băn khoăn liệu chúng tôi có cần cái gì đó lớn như thế không”.
Binh lính Nhật bản cầu nguyện cho những nạn nhân. 2 tháng sau khi thảm họa xảy ra, 25.000 người đã mất tích và thiệt mạng |
Công trình trài dài 205 mét hoàn thành năm 1984 với tổng chi phí 3,56 tỉ yen và số tiền này đã gây bất đồng giữa địa phương và chính quyền trung ương trong cuộc khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh.
Ngày 11.3 sau trận động đất mạnh 9,0 độ, những công nhân đã điều khiển từ xa để đóng 4 tấm chắn. Những tấm chắn nhỏ hơn bị kẹt và một lính cứu hỏa đã phải chạy xuống đóng bằng tay. Cơn sóng thần tàn phá tất cả, để lại những mảnh vỡ và cây đổ. Tuy nhiên, phía sau cửa cống đó, ngôi làng gần như không ảnh hưởng chút nào.
Ông Wamura, qua đời năm 1997 khi 88 tuổi, đã rời văn phòng 3 năm sau khi cửa cống được hoàn thành. Trước khi bắt đầu nghỉ hưu, ông Wamura đã đứng trước dân làng để nói lời tạm biệt: “Thậm chí nếu các bạn gặp phải sự phản đối, hãy tin tưởng và hoàn thành những gì đã tiến hành. Cuối cùng, mọi người sẽ hiểu”.
Hà Châu (Theo Mail Online)