Thời gian gần đây, music video (MV) bùng nổ tại thị trường nhạc Việt. Đỉnh điểm là trong khoảng 2 tháng (trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11) có khoảng trên dưới 30 sản phẩm, tức trung bình cứ 2 ngày lại có một nghệ sĩ/ nhóm nghệ sĩ ra MV.
Thực tế, MV là loại hình âm nhạc được đăng tải miễn phí trên mạng. Khán giả không mất bất cứ khoản phí nào khi xem. Trong khi, với các loại hình khác như CD hay live show, công chúng luôn phải bỏ một khoản tiền nhất định để thưởng thức.
Nguyễn Đình Thanh Tâm đầu tư 100 triệu cho mỗi MV. Tổng 5 MV ra mắt thời gian qua, nam ca sĩ tốn nửa tỷ đồng. |
Thế nhưng, phần đông ca sĩ vẫn đầu tư thực hiện MV, sau đó đăng tải miễn phí. Không ít người còn ra mắt tới 2-3 MV trong một năm, với mức đầu tư không hề nhỏ.
“Trăm triệu vẫn còn là rất rẻ”
Chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Đình Thanh Tâm - quán quân Sao mai điểm hẹn 2012 - ra mắt 5 MV với sự tham gia diễn xuất của BB Trần và Hải Triều.
Chia sẻ với Zing.vn, nam ca sĩ cho biết chi phí anh bỏ ra cho chuỗi 5 MV là 500 triệu đồng, tức mỗi sản phẩm có mức đầu tư là 100 triệu đồng. Đó không phải là một con số nhỏ, nhưng giọng ca Chạy mưa cho biết mức chi phí này tương đối thấp so với MV của nhiều đồng nghiệp khác.
Sở dĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm chỉ mất 100 triệu đồng/ một MV vì anh tự sáng tác ca khúc, do vậy, đỡ được chi phí đặt bài độc quyền từ nhạc sĩ sáng tác. Diễn viên tham gia - BB Trần - như chính anh tiết lộ là có mối quan hệ thân thiết, do vậy, không đặt nặng vấn đề cát-xê.
Bối cảnh MV cũng đơn giản, gần như không có ngoại cảnh, chỉ quay trong phòng, đạo cụ không có gì cầu kỳ. Yếu tố về đồ họa, thiết kế gần như không có.
Do vậy, MV tiết kiệm được về chi phí, dù rõ ràng hiệu quả về mặt hình ảnh chưa được như kỳ vọng, và MV cũng chưa để lại ấn tượng thực sự.
Đại diện ê-kíp OPlus cho biết MVBước chung một đường được thực hiện giản dị với chi phí khoảng 70-80 triệu đồng. |
Thực tế thị trường cho thấy, nhiều MV còn có mức đầu tư dưới 100 triệu. Thông thường, đó là những MV được thực hiện đơn giản, có thể nhằm mục đích kỷ niệm hoặc dành tặng khán giả.
MV Bước chung một đường vừa ra mắt của nhóm OPlus có thể coi là một ví dụ. Theo tiết lộ của đại diện ê-kíp OPlus MV được thực hiện giản dị với chi phí khoảng 70-80 triệu đồng.
Nguyễn Ngọc Anh với Mong manh em gần đây cũng là một sản phẩm có mức đầu tư khiêm tốn vì mục đích chính của MV là món quà để nữ ca sĩ dành tặng cho tác giả của ca khúc Phạm Phương Thảo trước thềm live show 20 năm ca hát.
Không chỉ MV của OPlus, mức đầu tư dưới 100 triệu cũng khá phổ biến với giới indie/underground, những giọng ca vừa bước ra từ game show, hoặc theo đuổi những dòng nhạc đặc thù như dân gian, thính phòng.
Thông thường, đó là những MV không có khách mời “hot”, không đầu tư về bối cảnh hoành tráng, kịch bản drama. Do vậy, đôi khi chi phí chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng, đây cũng là mức tối thiểu, và gần như rất khó để thấp hơn.
Không hiếm MV tiền tỷ
Chi phí của một MV phụ thuộc hoàn toàn vào mức đầu tư của nghệ sĩ với sản phẩm của mình. Thực tế thị trường nhạc Việt hiện nay cho thấy ca sĩ không ngại đổ tiền bạc thực hiện MV hoành tráng, hấp dẫn. Trong đó, không ít MV “tốn” đến cả tỷ đồng.
Mức đầu tư của MV Hello, ra mắt cách đây 3 tháng, được chính Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ lên tới hơn 1,3 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ.
1,3 tỷ đồng bao gồm chi phi của toàn bộ ê-kíp, từ đạo diễn, quay phim đến vũ công, ngoài ra còn có chi phí cho trang phục, bối cảnh.
Mức đầu tư của MV Hello, ra mắt cách đây 3 tháng, được chính Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ lên tới hơn1,3 tỷ đồng. |
Trang phục vốn tưởng không cần chi phí quá nhiều, nhưng thực tế lại là một yếu tố được quan tâm. Nhiều MV, chỉ tính riêng chi phí trang phục để lên tới hàng trăm triệu, đơn cử như MV Bùa yêu, riêng trang phục đã lên đến nửa tỷ đồng.
Về bối cảnh, với MV được quay tại nước ngoài, nghệ sĩ cũng phải chấp nhận đầu tư lớn. Bởi lẽ, quay ở nước ngoài, chi phí đi lại và ăn ở cũng không hề nhỏ, nhất là khi ê-kíp của một MV không thể chỉ là vài ba người.
Ca sĩ Dương Hoàng Yến từng chia sẻ với Zing.vn: “Làm MV là xác định mất luôn khoảng trên dưới 500 triệu”. Số tiền này bao gồm cả việc đặt bài nhạc sĩ và chi phí cho việc sản xuất MV.
500 triệu hiện cũng là mức phổ biến, và được cho là đủ để thực hiện một MV hoành tráng với bối cảnh tại Việt Nam. Tất nhiên, cũng có những MV ở mức 200-300 triệu khi bối cảnh ít hoành tráng hơn, và ê-kíp cũng ít người hơn.
“Không phải ca sĩ nào cũng xin được tài trợ”
Tài trợ từ lâu đã thành câu chuyện phổ biến trong các MV. Thực tế, nền công nghiệp âm nhạc ở một số nước cũng thường đi liền với yếu tố thương mại. Những năm gần đây, ở thị trường nhạc Việt, việc hình ảnh MV có sự xuất hiện của nhãn hàng, thương hiệu nào đó đã là chuyện quen thuộc.
Thế nhưng, trong bối cảnh MV bùng nổ như “nấm sau mưa”, không phải sản phẩm của ca sĩ nào cũng xin được tài trợ.
“Tôi thấy đa phần là ca sĩ phải dùng tiền bỏ túi để làm MV vì rất ít người xin được tài trợ. MV gần đây của tôi xin được tài trợ, nhưng quả thực không phải ai cũng được doanh nghiệp, nhãn hàng rót tiền như vậy”, Quang Hà bình luận với Zing.vn.
Theo nam ca sĩ, tài trợ đôi khi là quan hệ cá nhân, nhưng cũng có nhiều trường hợp là tính toán của doanh nghiệp, nhãn hàng.
“Nếu tài trợ, họ được những gì, có hiệu quả gì không. Nếu không thì một triệu họ cũng không tài trợ chứ chưa nói đến vài trăm triệu”, nam ca sĩ nhấn mạnh.
Nguyễn Trần Trung Quân cho biết MV Màu nước mắt là sản phẩm âm nhạc đắt nhất mà anh từng thực hiện. MV được quay ở Đà Lạt và cả ê-kíp hơn 100 người phải làm việc liên tục để hoàn thiện sản phẩm. |
Bù lại, nếu thành công trong việc xin tài trợ, đôi khi ca sĩ không mất chi phí cho việc thực hiện MV. Dẫn chứng như MV Follow me của nhóm nhạc OPlus, nếu không có tài trợ, chi phí khoảng 300 triệu đồng. Nhưng nhóm được tài trợ về bối cảnh, phương tiện di chuyển. Do vậy, với MV này, OPlus gần như không mất tiền sản xuất, chỉ mất chi phí trong khâu làm nhạc.
Vì là MV có những đơn vị tài trợ, không khó để nhận ra Follow me của OPlus xuất hiện những hình ảnh, logo của doanh nghiệp, nhãn hàng. Nhưng vì quảng cáo khéo léo nên MV không gặp phản ứng trái chiều.
Ngược lại, có những MV quảng cáo lộ liễu cho nhà tài trợ gây thất vọng. MV Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn có thể được coi là ví dụ, khi nhà tài trợ xuất hiện từ đầu đến cuối, trong nhiều cảnh quay cận.
Thế nên, thực tế là vẫn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đầu tư MV bằng kinh phí của bản thân, và hạn chế việc xin tài trợ. Rõ ràng, khi không có nhà tài trợ, nội dung MV sẽ không bị can thiệp, nghệ sĩ sáng tạo thoải mái, và khán giả cũng đón nhận với tâm thế thích thú hơn.