Ca sĩ, NSƯT Bích Việt và quan niệm “Thầy giáo già, con hát trẻ”

GD&TĐ - Câu nói các cụ xưa “Thầy giáo già, con hát trẻ” thực là rất đúng, thì ít ra cũng với trường hợp của NSƯT Bích Việt.

Ca sĩ Bích Việt luyện giọng bên cây đàn piano.
Ca sĩ Bích Việt luyện giọng bên cây đàn piano.

Đấy, như chị đã tâm sự: “Sau hơn hai mươi năm đi biểu diễn giờ là lúc tôi muốn đem kinh nghiệm, kiến thức để đào tạo lớp ca sĩ kế tiếp”.

Học hát từ đài bán dẫn

Gặp ca sĩ, NSƯT Bích Việt trong căn phòng nhỏ 25m2 giữa khu tập thể 28B Điện Biên, Hà Nội vẫn thấy chị trẻ trung và sôi nổi như hồi bốn mươi nhăm năm trước.

Thấy tôi nhắc lại thời kỳ từ giữa những năm bảy mươi tới cuối những năm tám mươi, NSƯT Bích Việt cười rất vui, chị bảo: “Người ta nói đấy là thời kỳ “vàng” của tôi”. Rồi chị im lặng, cái lặng im của sự hồi tưởng lại chặng đường ca hát của chính mình.

Nhân lúc NSƯT Bích Việt đang “mở lòng” tôi bèn hỏi: “Hoàn cảnh vậy thì chị học hát thế nào?”. NSƯT Bích Việt cười: “Tôi học theo đài thôi”. Thì ra hồi đó cha chị, ông Ma Văn Thực là Phó ty Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phú, theo “tiêu chuẩn” ông được phân mua một chiếc đài bán dẫn hiệu Xiongmao.

Mỗi khi cha về nhà là Bích Việt lại “mượn” cha chiếc đài để nghe hát và để học hát. Những buổi nghe hát và học hát kiểu “du kích” như thế có ai ngờ lại là những “bước đi” đầu tiên đưa Bích Việt tới con đường ca nhạc sau này.

Còn nhớ, một ngày đầu tháng 6/1972, cô gái 18 tuổi, Ma Thị Bích Việt đứng núp sau những người dự khám nghĩa vụ quân sự. Mãi tới gần trưa thì tên cô mới được xướng, Bích Việt bước vào, thấy cô bé nhỏ nhưng có gương mặt lanh lợi, người cán bộ tuyển quân, mà đến tận giờ Bích Việt vẫn thân mật gọi là “chú Kiên”, bèn tới bên và hỏi kiểu động viên: “Cháu có biết hát không?”.

Những tưởng cô gái quê sẽ khóc òa và bỏ chạy, ai dè cô lại ngẩng cao mặt: “Dạ. Cháu biết hát ạ”. Và rồi cô đĩnh đạc cất tiếng hát, giọng hát cao và trong trẻo đã khiến “chú Kiên” gật đầu và nói: “Hát hay lắm”.

Bích Việt được về Đội Tuyên văn Binh chủng Tăng thiết giáp nhưng dù gì cô vẫn phải “làm lính” nghĩa là cô được biên chế về C11 thuộc Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Cô vừa học làm thợ, vừa tham gia văn nghệ. Sau một thời gian ngắn tập trung đi biểu diễn, đội lại giải tán.

Đúng 2 năm như thế thì Hội diễn Toàn quân khai mạc, cô thợ trẻ Bích Việt được Binh chủng tuyển chọn đi dự hội diễn. Bích Việt đoạt Huy chương Vàng và cũng là lúc cuộc đời rẽ sang hướng khác: Cô chính thức được “lệnh” về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị ngay lập tức.

Tác giả chụp ảnh cùng ca sĩ Bích Việt.

Tác giả chụp ảnh cùng ca sĩ Bích Việt.

Cô giáo tận tình

Chuyện trò đang vui thì có tiếng chuông cửa, NSƯT Bích Việt đứng dậy, chị kéo tấm rèm rồi hé cửa đón khách. Nhà chị rèm cửa kéo kín suốt ngày đơn giản vì tuy đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn luôn có học trò đến… học hát. Chị bảo “Kéo rèm che kín để âm thanh buổi học hát không lọt ra ngoài ảnh hưởng đến cư dân khu tập thể. Vả lại như thế thì học trò mới tập trung học hát được”.

Người khách đến nhà chị sáng nay tên Linh, là sinh viên thanh nhạc mới của trường. Cô sinh viên trẻ “mến tài” cô Bích Việt nên cậy cục đến “học thêm”. NSƯT Bích Việt sau câu “xin lỗi” với tôi thì quay sang cô trò nhỏ: “Em thuộc lời chưa?”. Cô sinh viên trẻ vui lắm: “Chỉ có vài chỗ muốn nhờ cô chỉ bảo thêm”.

Thế đấy, NSƯT Bích Việt tuy không còn trực tiếp đứng lớp nữa nhưng “cô giáo Bích Việt” vẫn luôn tận tình. Chị ngồi xuống bên chiếc bàn piano, dạo khúc nhạc dạo rồi gật đầu ra hiệu cho cô sinh viên cất tiếng hát.

Chị vừa đàn vừa hướng mắt nhìn cô sinh viên, ánh mắt vẻ khích lệ. Hết câu hát chị mới dừng đàn nói mấy câu góp ý. Nhớ có lần NSƯT Bích Việt đã nói: “Đợi hát hết câu mới góp ý thì các em vừa tiếp thu được vừa thấy thoải mái”.

Tôi bèn hỏi: “Cách thức như vậy là do chị rút kinh nghiệm từ mình ra hay là “giáo trình sư phạm?””. NSƯT Bích Việt cười: “Cả hai nhưng quan trọng là việc dạy hát nói riêng, dạy nghệ thuật nói chung cái quan trọng nhất vẫn là tạo cảm hứng cho học trò”.

Câu chuyện “sư phạm” của chị đã hướng tôi vào “việc dạy”, tôi hỏi thêm: “Dạy thanh nhạc có gì khó khăn không chị?”. “Khi đi hát với vai trò là ca sĩ thì mình lên hát một mạch xong bài là xuống.

Chân dung ca sĩ Bích Việt.

Chân dung ca sĩ Bích Việt.

Đằng này khi học trò hát chưa đạt yêu cầu nên mình lại phải hát mẫu nhiều lần”, NSƯT Bích Việt thật thà trả lời. Tôi lại hỏi: “Như thế chị thấy thế nào?”. NSƯT Bích Việt chừng như đoán được ý tôi muốn hỏi nên nói ngay: “Mệt thì mệt thật nhưng vui vì sau những lần hát đi hát lại đó học trò tiến bộ ngay”.

Năm 1994, sau khi bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ quản lý giáo dục, NSƯT Bích Việt theo “lời mời” của nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, “về” trường tham gia đào tạo lớp ca sĩ trẻ, cũng từ đây NSƯT Bích Việt dấn thân vào nghiệp làm thầy. (Thực ra thì chị mãi tới năm 2000 mới chính thức chuyền từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội về Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội).

Đợi cô học trò chào ra về tôi với NSƯT Bích Việt mới trò chuyện tiếp được. Chị kể rằng: “Mẹ tôi, cô Nguyễn Thị Thỏa, con cụ Bá Ổn vì thương 5 đứa trẻ mồ côi mà nhận lời làm mẹ kế để cha chúng là ông Ma Văn Thực vững tâm đi kháng chiến.

Cô Thỏa, cán bộ phụ nữ xã Sơn Vi vừa lo công tác phụ vận vừa đảm việc nhà. Cô Thỏa cũng sinh thêm 5 người con nữa. Một gia đình đông con như thế trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất như thế thì việc Bích Việt là con gái lớn của mẹ Thỏa phải thôi học ở nhà giúp gia đình âu cũng là dĩ nhiên”.

Tuổi thơ học hành đứt đoạn đã tạo cho cô gái Ma Thị Bích Việt những quyết tâm học tiếp cùng tình thương rộng mở với lứa học trò. Chị tâm sự: “Làm thầy dạy thanh nhạc mệt đấy nhưng rất hạnh phúc vì cô và trò nhiều khi cùng đứng trên sân khấu. Nhìn các em, các cháu tiến bộ và đạt được thành tích tôi thấy như chính mình đạt được ấy”.

Về trường làm thầy “cô giáo Bích Việt” luôn coi học sinh như con, như cháu. Nhờ đó mà suốt thời gian dài, tình cảm thầy trò vẫn đậm đà. Nhiều lứa học trò đã đạt thành tích cao những khi rảnh rỗi lại trở về bên cô trong tình thân ái và biết ơn. NSƯT Bích Việt cười vui vẻ: “Nghiệp làm thầy được học trò tôn trọng và luôn nhắc nhở chính là “thành tích” lớn nhất, cao quý nhất”.

Tôi bèn hỏi thêm: “Theo chị việc dạy hát, ý là thanh nhạc ấy cái quan trọng đối với học trò là gì?”. NSƯT Bích Việt nói luôn: “Không giống như dạy văn hóa, dạy học hát điều đầu tiên là học trò phải có năng khiếu.

Không có năng khiếu nổi trội thì nếu được học thì chỉ khá hoặc giỏi về lý luận thôi còn khá hay giỏi hát không có được. Tiếp đó là rèn luyện và nâng cao trình độ lý luận. Những điều đó sẽ có một ca sĩ giỏi, hát hay”. Tôi đế: “Dĩ nhiên phải có thầy giỏi chứ?”. NSƯT Bích Việt khiêm tốn: “Thầy giỏi nhưng không có học trò có tâm có tài thì cũng không xong”.

Tôi lại hỏi thêm: “Theo chị thì việc đào tạo nên một ca sĩ giỏi, hát hay thì cần những điểm gì?”. “Đó là học kỹ thuật thanh nhạc. Có năng khiếu nổi trội cộng với có kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện như lên nốt cao tốt, xuống nốt trầm tốt. Cộng với rèn luyện sức khỏe và tinh thần để có cột hơi tốt thì sẽ có ca sĩ giỏi hát hay”, NSƯT Bích Việt nói luôn.

Tôi hỏi vui: “Thế thầy dạy hát có cần như thế không?”. NSƯT Bích Việt cười và nói: “Thầy phải đạt được điều đó thì mới dạy cho học trò được chứ”. Tôi cười vì đã có câu hỏi “trêu” chị, chứ tôi biết “Không có thầy giỏi thì làm gì có trò giỏi”.

Đúng là sau những năm đi hát, đạt nhiều vinh dự, giờ kinh nghiệm và học thức tích lũy được nên truyền lại cho thế hệ tiếp theo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ