Tuy nhiên, công chúng nhớ đến ông không phải vì những danh hiệu, chức vụ (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội) mà ở những giai điệu đẹp, trong sáng, ca từ thấm đẫm chất trữ tình về đề tài người lính nơi biên cương, hải đảo như "Hoa sim biên giới", "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara", "Cây đàn ghita một dây"…
Giọng hát thiên bẩm
Điều mà tôi ấn tượng với Minh Quang là các thành viên trong gia đình ông đều theo con đường nghệ thuật và phục vụ trong quân đội. Vợ ông là Đại tá, NSƯT, biên đạo múa Tuyết Mai; con trai cả của ông là ca sĩ, nhạc sĩ Quang Thái, công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, từng đoạt giải Ba Tiếng hát Truyền hình Hà Nội; còn con trai thứ Mai Sơn thì theo chuyên ngành trống.
Minh Quang sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng ông lại có một người anh trai đam mê văn chương và đã ảnh hưởng rất lớn đến ông. Đó là nhà văn Đặng Ái (tên thật là Đỗ Minh Phong). Từ nhỏ ông đã rất mê kịch và từng là diễn viên đầy triển vọng ở Đoàn kịch Thanh Hóa.
Tuy nhiên trong một lần xem ông biểu diễn, đạo diễn, NSND Đào Mộng Long đã nhận xét thẳng thắn: "Cậu diễn được đấy, nhưng có lẽ đi xa thì hơi khó". Nghe lời khuyên của thầy, Minh Quang quyết đổi nghề và xin về Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Chính trị, rồi chuyển về Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân và sau đó là đi học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Tại đây, các thầy giáo đã nhận ra giọng hát thiên bẩm của ông và giọng hát ấy đã được bồi dưỡng, nâng cao làm say lòng biết bao đồng bào chiến sĩ ở khắp các vùng biên giới, hải đảo những năm 70 của thế kỷ trước.
Năm 1973, ông là nghệ sĩ được đi theo Phái đoàn Liên hợp quân sự bốn bên biểu diễn tại Đại sứ quán của 4 nước tại Sài Gòn. Sau đó một tờ báo ở Paris đã bình luận: "Việt Cộng không chỉ chiến đấu giỏi mà còn hát rất hay".
Thấu hiểu nỗi lòng người lính
Thế rồi cứ tưởng sự nghiệp ca hát đang lên ấy sẽ là con đường duy nhất mà ông gắn bó, nhưng không. Trong con người nghệ sĩ tài hoa ấy lại nảy sinh mong muốn hơn cả việc hát, là nhu cầu được sáng tác ca khúc. Bởi những cảm nhận của ông về người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc quá đỗi thiêng liêng, sâu sắc mà những ca khúc nổi tiếng trước đó chưa làm ông thỏa mãn.
Và "Hoa sim biên giới" chính là thành công đầu tiên và cũng là "tờ giấy thông hành" để ông thênh thang bước chân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp.
Nếu như "Hoa sim biên giới" lấy nguồn cảm hứng từ biên giới phía Bắc và viết theo dân ca Nam Bộ thì "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara" lại lấy nguồn cảm hứng từ biên giới phía Tây Nam và viết theo dân ca Bắc Bộ. Đó là điều tài tình của Minh Quang mà có lẽ đã làm cho ca khúc của ông được lan rộng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Những ca khúc của ông thuyết phục người nghe bởi chất mộc mạc, dễ gần, dễ nhớ và nhất là mang hơi thở cuộc sống của người lính. Bài "Cây đàn ghita một dây" của ông là một ví dụ. Nó được ra đời trong một đêm giữa quần đảo Trường Sa khi chứng kiến hình ảnh những người lính đảo đốt lửa và giao lưu văn nghệ.
"Đám đông nổi bật bên đống lửa trong đêm tối giữa biển. Từ xa đã nghe những âm thanh rất lạ. Lại gần thì thấy những người lính biển kẻ ngồi, người đứng đang say sưa hát với đống nhạc cụ là nồi, niêu, xoong, chảo và một cây đàn ghita chỉ còn duy nhất một dây", nhạc sĩ Minh Quang nhớ lại.
Niềm xúc động nghẹn ngào từ cuộc sống thiếu thốn, bình dị nhưng vô cùng lãng mạn, yêu đời đã ngay lập tức được nhạc sĩ Minh Quang biến thành những nốt nhạc đầu tiên của bài hát: "Chỉ lính đảo xa mới có/ Đàn ghita một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát/ Với đàn ghita một dây/ Hát cho hoàng hôn xuống/ Hát cho Mặt trời lên...". Lời bài hát cứ thế tuôn như một dòng chảy không ngừng và ca khúc đã trở thành "thương hiệu độc quyền" của cánh lính biển.
Những năm gần đây khi biển Đông dậy sóng, nhạc sĩ Minh Quang cũng kịp ghi dấu ấn bằng những ca khúc nhóm lên niềm tự hào, về tình yêu Tổ quốc dạt dào, tha thiết và cũng để "xốc" lại niềm tin, ý chí về một con người Việt Nam anh dũng, kiên cường luôn yêu chuộng hòa bình qua "Nước tôi", "Tổ quốc trên đỉnh sóng Hoàng Sa"…
Tựu trung lại trong những sáng tác của Minh Quang là góc nhìn lãng mạn, lạc quan của người lính. Đó là điều rất riêng, phá cách thể hiện lối tư duy tiến bộ của ông nhưng bên cạnh sự thích thú, tán thưởng thì không ít người e dè, lo lắng về một sự ủy mị sẽ ảnh hưởng phần nào đến tinh thần chiến đấu của người lính. Chính vì những cái nhìn phiến diện này mà có một thời các sáng tác của ông luôn bị "nâng lên đặt xuống" trong nhiều cuộc thi.
Nhưng không vì thế mà Minh Quang nản chí, ông vẫn quyết tâm theo đuổi phong cách ấy. Bởi bản thân là người lính hơn nữa lại được đi thực tế biểu diễn tiếp xúc với nhiều người lính nên ông luôn hiểu đồng đội của mình cần gì, muốn nghe gì và khao khát điều gì trong những khoảnh khắc đấu tranh đầy gian khó khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mỏng manh.
"Họ cần một khoảnh khắc tĩnh lặng, một màu tím, một điệu múa để ru lòng sau những đau thương và mất mát", nhạc sĩ Minh Quang quả quyết.
Mặc dù giờ đây đã ở ngưỡng tuổi "thất thập cổ lai hi" và thỉnh thoảng bị những cơn đau ốm hành hạ, thế nhưng tình yêu với người lính nơi biên cương, hải đảo trong nhạc sĩ Minh Quang không hề phai nhạt. Và mỗi khi có điều kiện ông lại sẵn sàng khoác ba lô vượt qua những con đường khúc khuỷu, hiểm nguy, những con sóng lớn, dữ dằn để đến truyền thêm niềm tin, động lực cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên những tuyến đầu của Tổ quốc. Cứ như vậy, ông miệt mài, lặng lẽ như người "đồng hành" đắm say cùng các chiến sĩ trên tuyến đầu Tổ quốc.
Nhạc sĩ, NSƯT Minh Quang (tên thật là Đỗ Minh Quang) sinh năm 1951 tại Thanh Hóa. Ông từng theo học lớp Đại học Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.