Ca sĩ Hà Myo: Xẩm giúp chúng ta trở nên đặc biệt

GD&TĐ - Đem nghệ thuật hát xẩm đến trường học là hành trình khá gian nan, vất vả. Tuy nhiên, ca sĩ Hà Myo đã làm được…

Ca sĩ Hà Myo đem xẩm đến với trường học.
Ca sĩ Hà Myo đem xẩm đến với trường học.

Ca sĩ trẻ Hà Myo đang tạo dấu ấn nhằm gieo nét đẹp của văn hóa truyền thống đối với người trẻ.

Trong những ngày đầu tháng 4/2024, dù lịch diễn của Hà Myo khá bận rộn nhưng ca sĩ trẻ vẫn dành cho Báo GD&TĐ buổi trò chuyện cởi mở về xẩm cũng như hành trình đem nghệ thuật truyền thống đến trường học.

Chủ động đem xẩm đến với người trẻ

- Sau 3 năm say mê với xẩm, Hà Myo đã có nhiều ca khúc ấn tượng, nhưng cơ duyên nào khiến Hà muốn đưa xẩm đến trường học?

Ca sĩ Hà Myo: Hà luôn cho rằng, người trẻ là thế hệ nòng cốt và quan trọng để tiếp nối, phát huy giá trị truyền thống. Trong loại hình hát xẩm, thế hệ nghệ sĩ gạo cội ngày càng hiếm và ít dần đi.

Trong thời đại 4.0, cách lan tỏa nét đẹp văn hóa theo phương pháp truyền thống không còn phù hợp nữa. Tức là không thể chờ khán giả đến các sân khấu nhỏ hay các câu lạc bộ. Đặc biệt, hát xẩm là hát đường phố nên có rất ít chương trình nghệ thuật lớn về hát xẩm.

Với xẩm nói riêng và nghệ thuật nói chung thì không thể thụ động chờ khán giả đến. Cho nên phải chủ động đem xẩm đến với khán giả, và tại sao Hà lại chọn các bạn trẻ? Bởi họ chính là những đại sứ, có nhiều kiến thức về công nghệ nên việc lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật hát xẩm sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Đưa xẩm đến trường học, đến với hàng nghìn học sinh - sinh viên thì sự lan tỏa ấy sẽ theo cấp số nhân.

Hà Myo muốn khoác 'tấm áo mới' cho nghệ thuật truyền thống khi kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại.

Hà Myo muốn khoác 'tấm áo mới' cho nghệ thuật truyền thống khi kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại.

- Mới đây nhất, Hà Myo đã biểu diễn nghệ thuật hát xẩm tại Trường THPT Khương Đình (Hà Nội), Hà thấy phản ứng của các bạn học sinh thế nào? Có thuận lợi hay khó khăn gì không?

Trong khoảng 3 - 4 tháng gần đây, Hà biểu diễn ở gần 30 trường học, gần đây nhất là Trường THPT Khương Đình. Thời gian đầu khi đến với trường học, Hà luôn đem theo câu hỏi, rằng “các em đã nghe đến hát xẩm bao giờ chưa?”. Hầu hết câu trả lời mà Hà nhận được là sự im lặng hoặc là chưa.

Rất mừng sau đó, trong chuỗi hoạt động đem xẩm đến trường học, những video của Hà trên mạng xã hội được lan tỏa và sau đó cũng với câu hỏi ấy thì các bạn trả lời đã nghe, thậm chí còn thuộc một số bài hát của Hà nữa. Đó là tín hiệu đáng mừng, không chỉ các bạn học sinh - sinh viên yêu thích mà các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo cũng rất thích xẩm.

Ngoài biểu diễn xẩm, Hà cũng chia sẻ với các bạn học sinh về việc giữ gìn văn hóa truyền thống và cách để chúng ta trở nên đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế khi đem văn hóa âm nhạc của Việt Nam đến với họ.

Khoác cho xẩm “tấm áo mới”

- Hà nghĩ thế nào về vai trò của người thầy trong việc “gieo” cho học sinh tình yêu đối với văn hóa cổ truyền của dân tộc?

Hà nghĩ việc chúng ta nói thì dễ, rằng là phải yêu, phải phát huy, phải lan tỏa... nhưng để các bạn trẻ biết đến, yêu mến và lan tỏa thì lại là câu hỏi không chỉ với cá nhân Hà mà đã rất nhiều thế hệ phải cố gắng thực hiện để có câu trả lời.

Không phải ai cũng chủ động tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nên trong quá trình giáo dục - như hiện nay đã có những môn học nói về loại hình âm nhạc truyền thống. Bởi vậy, để gieo cho người khác tình yêu với truyền thống thì phải bắt nguồn từ khi người ta còn nhỏ. Bên cạnh đó, chúng ta phải có những sự kiện, những khóa học hay những buổi học ngoại khóa... để học sinh trực tiếp tiếp cận và cảm nhận sự thú vị của âm nhạc truyền thống.

Hà có nghe một số bạn chia sẻ rằng, họ có nghe xẩm nhưng phải đeo tai nghe vì không dám để người khác nghĩ mình “có vấn đề”. Vì người khác nghĩ rằng, xẩm rất buồn, rất u ám... điều đó cho thấy chúng ta chưa có cách tuyên truyền, lan tỏa.

- Lựa chọn dòng nhạc truyền thống nhưng kết hợp âm nhạc hiện đại (rap, nhạc điện tử), Hà có sợ bị ai đó nói “phá nát” tinh thần nguyên bản của xẩm?

Khi Hà bắt đầu kết hợp giữa xẩm và âm nhạc hiện đại, từ bài “Xẩm Hà Nội” đầu tiên thì đã bắt gặp những ý kiến trái chiều rồi. Xẩm đã có từ rất lâu, không tự nhiên mà xẩm hình thành và tồn tại cho đến ngày nay. Khi khoác cho xẩm một tấm áo mới, một làn gió mới thì khó tránh khỏi ý kiến trái chiều.

Bản thân Hà cũng đã chuẩn bị trước cho các ý kiến đó, và anh Nguyễn Quang Long - người dạy Hà hát xẩm và là soạn giả của Xẩm Hà Nội cũng “cảnh báo” trước với Hà.

Với những đóng góp quảng bá văn hóa truyền thống, Hà Myo đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Với những đóng góp quảng bá văn hóa truyền thống, Hà Myo đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Phải khẳng định là rất khó tránh khỏi những bình luận khắt khe. Thời gian đầu, các tổ chức lớn họ khá dè dặt đối với xẩm của Hà. Mất khoảng gần 1 năm, khi Hà ra các sản phẩm tiếp theo và dần có những lời khen, có thêm người ủng hộ, lượt xem trên YouTube nhiều hơn.

Hà may mắn giành được giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng” năm 2021, và “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 vì nhờ kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại đã làm xẩm hồi sinh, lan tỏa nhiều hơn. Việc khán giả còn khắt khe là còn dành tình yêu, còn dành sự quan tâm cho loại hình âm nhạc dân gian và điều ấy thôi thúc Hà cần sáng tạo hơn, chỉn chu hơn để ngày càng có nhiều phản hồi tích cực.

- Hà có nghĩ mình sẽ bền bỉ được với hành trình đưa âm nhạc truyền thống đến trường học? Và trên hành trình này, Hà cần tiếp sức ra sao?

Hà không nói trước được điều gì nhưng hiện tại lý tưởng của Hà vẫn là mong muốn mang phần nào nét đẹp truyền thống đến với khán giả. Không chỉ dừng lại ở xẩm, Hà còn hát xoan, hát văn, chèo, dân ca Nam Trung Bộ, dân ca dân tộc Mường - là dân tộc của Hà.

Hà nghĩ trong tương lai vẫn theo con đường này dù rất khó khăn. Mỗi sản phẩm kết hợp mất rất nhiều chất xám cũng như thời gian. Đặc biệt cần sự chỉn chu, vì chỉ cần một chút sơ suất, một chút thiếu kiến thức là nhận “gạch đá” ngay. Bởi vậy, mỗi sản phẩm của Hà đều phải có rất nhiều người góp ý, chỉnh sửa.

Trên hành trình này sự đồng hành luôn luôn từ khán giả, và hi vọng sẽ có nhiều hơn các cá nhân, tổ chức sẽ đồng hành với Hà cũng như các nghệ sĩ theo con đường của âm nhạc truyền thống.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Hà Myo!

Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 1993) được biết đến với nghệ danh Hà Myo. Hiện, cô đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Hà Myo là chủ nhân của MV hát xoan “Trò chơi í a trời cho” - là bài hát đầu tiên và duy nhất kết hợp hát xoan với âm nhạc hiện đại như rap và EDM.

Hà Myo từng nhận được giải Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021 và Quán quân “Sàn chiến giọng hát” 2022. Nữ ca sĩ từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL vì những cống hiến trong xây dựng và phát triển Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Hà Myo cũng là đại diện ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam lưu diễn 5 nước châu Âu vào năm 2017; đoạt giải Nhì cuộc thi K-Pop Contest (Giọng hát hay Hàn Quốc - VOV 2019).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.