Cà rốt có màu cam vì một cuộc cách mạng Hà Lan?

GD&TĐ - Có một câu chuyện dân gian gắn liền màu cam của cà rốt với hoàng gia Hà Lan. Nhưng sự thực có đúng như vậy không?

Cà rốt có màu cam vì một cuộc cách mạng Hà Lan?

Vào cuối thập niên 1500, Hà Lan là thuộc địa của Tây Ban Nha, được cai trị dưới tên gọi Hà Lan thuộc Tây Ban Nha bởi các quốc vương Habsburg ở Madrid. Sau đó là sự xuất hiện của William, Hoàng tử xứ Orange, một lãnh thổ cổ xưa hiện đã trở thành miền Nam nước Pháp ngày nay. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chính trong Cuộc nổi dậy của Hà Lan, bắt đầu vào năm 1566.

William đã bị ám sát trước khi nền độc lập của Hà Lan chính thức được công nhận, nhưng ông vẫn được coi là người sáng lập của đất nước.  Theo câu chuyện kể lại, những người nông dân Hà Lan vào thời điểm đó đã bắt đầu phát triển và trồng các giống cà rốt màu cam như một sự tôn trọng đối với Gia đình hoàng gia xứ Orange (Orange còn có nghĩa là màu cam) của ngài William. Tất cả điều này tạo nên một câu chuyện kỳ lạ, nhưng tiếc là nó không đúng sự thật.

John Stolarczyk, người phụ trách Bảo tàng Cà rốt Thế giới, cho biết: “Mặc dù sự phát triển và ổn định của gốc cà rốt màu cam đúng là xảy ra trong khoảng thời gian đó ở Hà Lan, nhưng việc tôn vinh hoàng tử William xứ Orange không liên quan gì đến nó. Không có bằng chứng tài liệu nào cho thấy người Hà Lan đã phát minh ra cà rốt màu cam để tôn vinh gia đình hoàng gia của họ”.

Cà rốt dại ban đầu có màu trắng hoặc vàng nhạt, nhưng chuyển sang màu tím và vàng khi con người lần đầu tiên thuần hóa loại củ này cách đây gần 5.000 năm trước ở khu vực Cao nguyên Ba Tư, theo một báo cáo năm 2011 mà Stolarczyk là đồng tác giả.

Những củ cà rốt được thuần hóa này sau đó được chia thành hai loại chính: Nhóm châu Á, được trồng quanh dãy Himalaya và nhóm phương Tây, được trồng phần lớn ở Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. Cà rốt vàng ở nhóm phương Tây có thể đã biến đổi thành màu cam, sau đó nông dân đã trồng chúng một cách có chọn lọc.

Stolarczyk nói với Live Science là có một trường phái tư tưởng cho rằng hạt cà rốt màu cam lần đầu tiên được đem đến châu Âu bởi các thương nhân Hồi giáo di chuyển giữa các vùng lãnh thổ Bắc Phi của Đế chế Ottoman và Bán đảo Iberia khoảng 200 năm trước khi William xứ Orange bắt đầu kích động cuộc nổi dậy chính trị ở Hà Lan. Có những tài liệu ở Tây Ban Nha cho thấy việc trồng cà rốt màu cam và tím đã có từ thời trung cổ, vào thế kỷ 14, Stolarczyk nói.

Người Hà Lan trở thành một trong những lực lượng nông nghiệp chính của châu Âu vào thế kỷ 16. Việc nắm giữ bí quyết cho phép họ nhân giống cà rốt màu cam với số lượng lớn, loại cà rốt này dường như phát triển mạnh trong thời tiết ẩm ướt ôn hòa của Hà Lan.

Stolarczyk cho biết: “Giống cà rốt màu cam phát triển rất tốt ở khí hậu và môi trường Hà Lan, tốt hơn màu tím và vàng, đồng thời cho năng suất cao, ổn định, đồng đều và đáng tin cậy hơn.

Các thương gia Hà Lan sau đó đã phổ biến cà rốt màu cam trên khắp lục địa. “Những nơi như Pháp, Đức và Anh có lẽ đều nhận được cà rốt màu cam từ họ trước tiên, thích chúng và đưa chúng lên làm tiêu chuẩn,” Stolarczyk nói.

Stolarczyk cho biết cà rốt màu cam sau đó được nhà nước Hà Lan sử dụng để củng cố màu sắc quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, điều này có thể giải thích mối liên hệ được đồn đại giữa William xứ Orange và cà rốt đến từ đâu. Nhưng có vẻ như củ cà rốt màu cam đã có từ trước và sự độc lập của quốc gia Hà Lan có sau.

“Tôi nhắc lại, cà rốt màu cam không bao giờ có chuyện được phát triển chỉ để tôn vinh gia đình hoàng gia. Dù người Hà Lan có thường xuyên nhắc đi nhắc lại về huyền thoại này bao nhiêu lần đi chăng nữa”, Stolarczyk nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ