Trong những ngày vừa qua, thông tin về vụ lùm xùm giữa vợ chồng đại gia cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo liên tiếp xuất hiện trên các mặt báo.
Hai vợ chồng gây dựng Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Đây là mô hình tiêu biểu của công ty gia đình. Ông Vũ và bà Thảo cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình (bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ về các thương hiệu Trung Nguyên và G7).
Tuy nhiên, ngay sau thời kỳ đỉnh cao của cà phê Trung Nguyên, vợ chồng đại gia cà phê mâu thuẫn và dẫn tới ly thân. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đưa nhau vào vụ kiện liên quan đến "đứa con chung" Trung Nguyên - thương hiệu đi lên từ một quán cóc vỉa hè nhưng sau đó đã nổi danh toàn thế giới.
Ngày 20/8/1998, ông Vũ lần đầu tiên mở quán cà phê Trung Nguyên ở 587 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay thời điểm này, ông Vũ đã tỏ ra là người biết cách làm quảng cáo khi quán cà phê phục vụ cà phê miễn phí trong 10 ngày.
Trước khi bước tới việc mở cửa hàng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng có những tháng ngày bán cà phê dạo, vừa làm, vừa tìm tòi những công thức mới phục vụ những người dùng khó tính.
Tất nhiên, vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21, phong trào uống cà phê của người dân Việt Nam chưa thực sự bùng nổ. Việc một quán cà phê với tham vọng làm giàu dường như là không tưởng.
Thế nhưng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khẳng định điều ngược lại. Trước ánh mắt hoài nghi của mọi người, Trung Nguyên quán trên phố Nguyễn Kiệm ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
Trung Nguyên đã được định hình là quán cà phê đối chứng, nơi khách hàng vừa mua hàng, vừa uống cà phê đối chứng chất lượng với rất nhiều loại sản phẩm, và được hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”
Đã có thời gian, cà phê Trung Nguyên gần như là biểu tượng duy nhất về thức uống này trên thị trường.
Dù đã là một ông chủ thành công với quán cà phê riêng nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ không dừng lại. Bước ngoặt đã đến với sự nghiệp của ông vào năm 2003 - cà phê hòa tan G7 ra đời.
Ngày 23/11/2003, G7 để lại dấu ấn mạnh mẽ với cuộc thử mù thách thức các thương hiệu thống trị lúc bấy giờ là Nescafe của tập đoàn nước ngoài Nestle. G7 sau đó được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và nhanh chóng trở thành một trong 3 thương hiệu dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan Việt: Nestle – Vinacafe – Trung Nguyên.
Đây là thế chân vạc trên thị trường cà phê hòa tan từ nhiều năm nay. Theo thống kê của Nielsen, chỉ 3 thương hiệu này đã chiếm trên 80% thị phần cà phê hòa tan Việt Nam trong năm 2014.
Cũng giống như những gì người ta thường thấy ở các quán cà phê nổi tiếng thời bây giờ, Trung Nguyên cũng phát triển theo mô hình nhượng quyền.
Các quán cà phê Trung Nguyên đảm bảo sự đồng nhất về thiết kế, phục vụ và chất lượng cho tất cả các quán cà phê Trung Nguyên. Điều này giúp Trung Nguyên nhanh chóng tiến vào các điểm trung tâm đắc địa của TP.HCM như đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Phạm Ngọc Thạch,…
Năm 2008, cà phê Trung Nguyên bước tiếp đến một thời kỳ quan trọng hơn, đó là việc vươn mình ra thế giới với văn phòng đầu tiên đặt tại Singapore.
Trước đó, họ cũng từng có những bước dò dẫm quốc tế với việc, năm 2003 Trung Nguyên chính thức hiện diện tại Roppongi (một quận xa hoa nhất ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản) - với ly cà phê có giá cao hơn ly cà phê Starbucks, thương hiệu cà phê “khổng lồ” của thế giới lúc bấy giờ.
Năm 2010, Trung Nguyên trở thành thương hiệu quốc tế với việc có mặt và được xuất khẩu đến 60 nước trên thế giới, trong đó có các nước lớn như: Mỹ, Canada, Nga, Anh,Đức, Trung Quốc, hay các nước Asean...
Năm 2012, Trung nguyên là thương hiệu số một tại Việt Nam với số lượng người tiêu dùng cà phê lớn nhất. Có 11.000.000/17.000.000 hộ gia đình Việt Nam mua các sản phẩm Trung Nguyên. Năm 2014 Trung Nguyên ra mắt Đại siêu thị cà phê - cafe.net.vn.
Theo thống kê, cho đến năm 2016 đã có tới gần 16 tỷ cốc cà phê Trung Nguyên được tiêu thụ.
Hiện tại, Trung Nguyên có Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay vốn điều lệ 500 tỷ đồng và Nhà máy cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương). Ông Vũ cũng nắm quyền điều hành tại Công ty Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Theo số liệu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp lý và có quyền điều hành sau vụ kiện tụng tốn giấy mực với vợ cũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và bà Thảo mỗi người 15%). Đại diện công ty ban đầu thuộc bà Thảo, nhưng ông Vũ đã chuyển quyền quản lý sang tên mình.