Long đong từ ngày mang nghiệp
Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng câu chuyện với ca nương Bạch Vân thường trong trạng thái vội vàng. Chị sấp ngửa đến, sấp ngửa đi, quên quên, nhớ nhớ một số thứ. Nhưng chẳng ai giận chị, dù là cánh nhà báo phải ngồi chờ cả tiếng rồi khi chị đến lại “ngã ngửa” vì… quên tài liệu ở nhà, hay những đối tác giúp đỡ chị để copy tài liệu vì chị không biết gửi email hay dùng Internet. Nhưng có lẽ nhờ cái tính “âm lịch” ấy chị mới có thể theo đuổi và nhân rộng được tình yêu ca trù một cách vô tư đến thế.
Nhớ lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bạch Vân khi ấy đang là cán bộ của Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội. Được giao phụ trách việc bảo tồn di tích, chị có cơ hội tiếp cận với nhiều nghệ nhân ca trù và tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc được nhen lên từ đó.
Chị kể: “Đó là một giai đoạn khó khăn mà các nghệ nhân, người còn kẻ mất, tan tác như chim vỡ tổ bởi ca trù bị bài trừ mạnh từ những năm 1950. May mà năm 1976, GS. Trần Văn Khê ở Pháp có thu âm giọng hát của bà Quách Thị Hồ, ông Đinh Khắc Ban để tham dự cuộc thi ở Pháp và Tiệp Khắc đạt giải cao nhất, sau đó một số người cố gắng khôi phục ca trù nhưng xã hội nhìn nhận vẫn nặng nề.
Năm 1990, tôi thuyết phục một số nghệ nhân, người hiểu biết, tâm huyết, đề xuất sáng kiến thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Hà Nội. Các nghệ nhân gạo cội ủng hộ hết mình nhưng do nỗi buồn chán, sợ hãi đã gieo vào lòng quá lâu nên không ai muốn làm chủ nhiệm CLB. CLB cũng không có kinh phí hoạt động. Bằng mối quan hệ thân thiết với các đình, chùa, di tích, tôi đã tổ chức cho CLB nhiều buổi biểu diễn ở các nơi, thu hút được nhiều hội viên”.
Từ đó, Bạch Vân bắt đầu long đong với tình yêu ca trù.
Những câu chuyện ứa nước mắt
CLB thành lập xong, hai nỗi lo ập đến. Một là chỗ diễn. Tuy là cán bộ sở, quen thân với các đình đền chùa nhưng chẳng nơi nào CLB có thể sinh hoạt ổn định bởi lịch diễn cuối tuần đôi khi trùng với ngày rằm, mùng một hay các ngày lễ lạt. Suốt 3 năm đầu thành lập, CLB “lang thang” biểu diễn ở nhiều nơi.
Thứ hai là kinh phí. Nghệ nhân mặc cảm vì nghề bị hắt hủi nên khi Bạch Vân mời diễn họ không chịu đi, chị đành kỳ công thuyết phục cả họ, cả con cái họ, đi đưa về đón. Muốn các cụ biểu diễn cũng phải có một chút bồi dưỡng nhưng biểu diễn không bán vé thì tiền đâu! Lấy lương túi mãi cũng kiệt, tưởng không thể cầm cự được, có lúc chị đã nghĩ đến giải tán CLB.
“Vất vả trăm điều, tủi thân vì đơn thương độc mã, sau hai buổi biểu diễn tưởng niệm những nghệ nhân và người có công đóng góp cho ca trù, tôi tuyên bố giải thể CLB. Nhưng rất đông khán giả, tiêu biểu là nhà thơ Vũ Đình Liên đứng lên nói: Đây là chút hương hoả của tổ tiên để lại, cô không được bỏ, bỏ là có tội! Mọi người đồng lòng đóng góp kinh phí cho CLB hoạt động, mỗi người 5.000 đồng/tháng.
Có những giai đoạn, khi du khách, nhà nghiên cứu văn hoá nước ngoài liên hệ tìm hiểu, chị cũng bị cơ quan gọi lên “kiểm điểm” bởi sự nhìn nhận khi đó còn hạn chế. Có lúc bế tắc đến tận cùng. Ấy là khi lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập CLB, kỳ cục mãi cũng được cơ quan quản lý cho phép, tìm được chỗ diễn, giấy mời gửi đi khắp nơi, chị lên tận Hà Bắc mời các nghệ nhân về diễn.
“Nhưng trước buổi diễn 3 ngày lại có lệnh không được tổ chức nữa, bởi có ý kiến rằng: Bạch Vân không chồng, không con, không đảng viên lại đang là công chức Nhà nước không được thành lập tổ chức mê tín dị đoan. Lúc đó, trước những người 70 – 80 tuổi, tôi không còn mặt mũi nào, chỉ nghĩ nhận kỷ luật và chết thôi, tôi đã lao ra cửa sổ nhưng may có người túm được áo”, chị kể trong nước mắt khi nghĩ lại chuyện xưa.
Trăn trở khi nào nguôi?
Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, xã hội bắt đầu trân trọng, tôn vinh. Nhưng ký ức về một thời đã xa vẫn là bài học rất đương thời với nhìn nhận các giá trị văn hoá.
Cả ngàn buổi biểu diễn từ khi thành lập, nhiều buổi giới thiệu ca trù với du khách nước ngoài, tham gia các hội thảo và quá trình lập hồ sơ ca trù… không ai có thể phủ nhận vai trò của CLB Ca trù Hà Nội cũng như của ca nương Bạch Vân trong việc khôi phục và góp phần để nghệ thuật này được vinh danh. Nhưng đến giờ, cái long đong, lận đận vẫn theo đuổi ca nương này.
Để có được lễ kỷ niệm 25 năm thành lập CLB vừa qua, chị cũng phải đôn đáo và may mắn gặp được mạnh thường quân. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm kinh tế từ ca trù, có lẽ vậy mà đến giờ tôi cũng chẳng có gì. Tôi vẫn sống một mình ở căn gác nhỏ mà các bạn đã biết suốt bao năm qua”, chị bày tỏ.
Tuy vậy, mối lo của người nghệ sĩ này không phải chỉ là tiền bạc. “Hội viên mỗi ngày như lá rụng mùa thu, các nghệ nhân xưa giờ cũng thưa thớt vài người, lớp trẻ kế cận rất ít, đó là điều mà chúng tôi lo ngại nhất. Xưa chúng tôi theo thầy học 6 tháng đến vài năm mới cất được câu hát, giờ các lớp truyền nghề như ở Viện Âm nhạc mở trong 10 ngày thì chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Khi ca trù được vinh danh, các CLB, giáo phường được lập ở nhiều nơi nhưng sau lại rơi vào cảnh hoạt động thoi thóp, cầm chừng”. Niềm đau đáu này không của riêng ca nương Bạch Vân mà của tất cả những ai đã trót “yêu cùng, khổ tận” với ca trù.