Ca nương 9x xinh đẹp và những thành tích “khủng” về ca trù

Viết tiếp truyền thống của gia đình có 7 thế hệ gắn bó với ca trù, cô nữ sinh trẻ tuổi của Đại học Văn Hóa Hà Nội Nguyễn Thu Thảo đang tiếp tục theo đuổi, cống hiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Ca nương 9x xinh đẹp và những thành tích “khủng” về ca trù

Ca nuong 9x xinh dep va nhung thanh tich “khung“ ve ca tru

Ca nương 9x Nguyễn Thu Thảo

Sinh ra trong gia đình có truyền thống gắn bó với nghệ thuật ca trù, ông nội là người cầm chầu chính, bố là người chơi đàn đáy, cô ruột và chị họ là ca nương nên Thu Thảo được tiếp xúc với ca trù ngay từ hồi 6 tuổi.

Nhờ sự cố gắng theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này mà Thảo mang về nhiều thành tích, là điều tự hào cho gia đình. Năm 10 tuổi, sau 4 năm học hát, Thảo đạt Huy chương vàng khi tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc.

Năm 2005, Thảo nhận học bổng Valle của Pháp, giải thưởng có giá trị 8 năm. Năm 2011, Thảo vinh dự nhận được danh hiệu Thanh niên tiêu biểu Thủ đô.

Tháng 7.2011, Thảo được mời tham dự Festival âm nhạc truyền thống, tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc, với tư cách là đại diện của Việt Nam.

Gần đây nhất là năm 2014, Thảo sang Pháp theo lời mời của nước bạn biểu diễn ca trù tại Nhà hát Paris.

Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ca nương 9x này.

Động lực lớn nhất để một cô gái trẻ như Thảo say mê với nghệ thuật ca trù là gì?

- Động lực lớn nhất để mình theo học và say mê với nghệ thuật ca trù là gia đình. Mình học ca trù là vì ông nội, vì tất cả mọi người trong gia đình.

Việc sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 7 đời truyền nghề và gìn giữ nghệ thuật truyền thống là niềm tự hào, hãnh diện của mình. Đồng nghĩa với đó là trọng trách bảo tồn, có trách nhiệm với ca trù.

Say mê và cống hiến cho nghệ thuật ca trù, Thảo thấy mình nhận được những gì?

- Hồi còn nhỏ, mình chỉ nghĩ đơn giản: học ca trù để được nhiều người biết đến, được đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới như ông, bố và cô nhưng nhờ biết biểu diễn ca trù mà mình được đi nhiều, biết thêm được nhiều điều. Việc tham dự nhiều cuộc thi giúp mình khẳng định bản thân và mang về những thành tích viết tiếp truyền thống gia đình.

Khi mang ca trù ra nước ngoài biểu diễn, mong muốn lớn nhất của Thảo là gì?

- Lúc biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở ngoài nước mình muốn góp phần nào đó sức mình quảng bá ca trù đến toàn thế giới để cho bạn bè năm châu thêm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này có lẽ là điều mà tất cả các nghệ nhân hoạt động nghệ thuật truyền thống đều mong muốn.

Là một “nghệ nhân” ca trù, Thảo nghĩ gì khi giới trẻ không mấy mặn mà với thể loại nghệ thuật truyền thống này?

- Cuộc sống hiện đại hiện nay có rất nhiều dòng nhạc thị trường đã du nhập vào Việt Nam, lấn át nghệ thuật truyền thống. Có quá nhiều sự cuốn hút nên việc giới trẻ thờ ơ với ca trù là điều dễ hiểu. Mình đi diễn một số nơi, các bạn trẻ nghe ca trù thì tỏ ra rất hiếu kì, lạ lẫm.

Ngoài ra, những từ ngữ trong ca trù đều là chữ Hán Nôm rất khó hiểu. Bản thân mình nhiều khi đọc 1 bài ca trù cũng không hiểu hết ý nghĩa, phải nhờ đến người thân giảng giải mới hiểu và cảm nhận được. Khi đã hiểu và cảm nhận được rồi thì sẽ thấy rất hay.

Theo Thảo cần làm gì để ca trù được các bạn trẻ yêu thích hơn?

- Mình nghĩ để ca trù gần gũi với các bạn trẻ hơn thì nên đưa nghệ thuật ca trù vào các trường đào tạo chuyên ngành nghệ thuật. Các loại hình nghệ thuật khác như chèo cũng có khoa hát chèo,có nhà hát chèo mà nghệ thuật ca trù không có điều đó.

Bạn bè đồng trang lứa có thái độ như thế nào khi biết Thảo có khả năng hát ca trù?

- Bạn bè khi biết Thảo hát ca trù thì đa phần ngạc nhiên, đặt ra các câu hỏi quen thuộc như: trẻ như vậy lại hát nhạc già thế; bạn hát được ca trù cơ á hay hát ca trù là hát gì thế?

Những lúc như thế mình lại giải thích cho các bạn hiểu, biết về nghệ thuật ca trù. Đa phần mọi người rất hào hứng, lắng nghe. Nhiều khi mình xuất hiện trên truyền hình các bạn đều trầm trồ, khoe bố mẹ các bạn là "bạn Thảo lớp con đấy". Rồi người thì gọi điện hỏi han, người viết trên Facebook những dòng có cánh như: Vừa thấy Thảo trên tivi, xinh quá, hát hay quá. Những lời động viên, ủng hộ đó khiến mình vui lắm, nó có ý nghĩa khích lệ lớn với bản thân mình.

Trên sân khấu nghệ thuật, Thảo chín chắn, chững chạc nhiều hơn so với tuổi. Vậy ở cuộc sống đời thường bạn là cô gái như thế nào?

- Nhiều khán giả xem mình trên sân khấu và gặp mình ngoài đời thường đa phần đều không nhận ra mình. Họ không nghĩ rằng một người già dặn trên sân khấu mà khi xuống sân khấu trở thành cô bé 20 tuổi hiện đại, thích sử dụng Facebook, đi shopping và đi du lịch.

Ca nuong 9x xinh dep va nhung thanh tich “khung“ ve ca tru Ngoài đời thường, Thu Thảo là một cô gái trẻ trung, hiện đại

Tương lai Thảo và gia đình có dự định đặc biệt gì?

- Thời gian tới gia đình mình có nhận một dự án về Bảo Tồn Nghệ thuật thống Việt Nam của Học viện Âm nhạc Phần Lan và mình sẽ tham gia giảng dạy ca trù cho các sinh viên nước ngoài trong chương trình này.

Hiện tại mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt việc học tại khoa Quản lý văn hóa tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau này mình dự định sẽ làm trong lĩnh vực văn hóa, góp phần sức lực vào việc bảo tồn nghệ thuật ca trù nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Thảo!

Theo danviet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.