Cá khoai cũng tẩm formol!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Formol là một chất sát khuẩn mạnh, được dùng dung dịch loãng trong nước để tẩy uế dụng cụ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tổ liên ngành gồm y tế, công an, quản lý thị trường của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa tiến hành lấy mẫu thực phẩm tại 4 chợ trong huyện gồm Hoàn Lão, Hải Phú, Phong Nha và Troóc. Thực phẩm mà đoàn liên ngành kiểm tra là cá khoai.

Đây là loại cá “bình dân”, được người dân vùng nông thôn miền Trung rất ưa chuộng do giá rẻ và dễ nấu, không phải chế biến cầu kỳ. Do đặc tính của loại cá này là mềm, dễ “tan” vào nước nên một số nơi còn gọi là cá cháo.

Qua kiểm tra bằng phương pháp test nhanh, đoàn liên ngành phát hiện, tất cả các mẫu được lấy xét nghiệm đều dương tính với formol - một loại chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi xâm nhập vào cơ thể người, formol sẽ gây khó khăn cho hệ tiêu hóa, gây viêm loét thực quản, dạ dày, thậm chí gây tử vong nếu nhiễm lượng cao.

Formol là một chất sát khuẩn mạnh, được dùng dung dịch loãng trong nước để tẩy uế dụng cụ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Dựa vào đặc tính này, những người buôn bán cá khoai đã cho formol vào cá nhằm tiêu diệt một số vi sinh vật và vi nấm có thể làm cá hư hỏng nhanh, kéo dài thời gian bảo quản.

Trong y học, người ta dùng formol để ướp và bảo quản phủ tạng, xác chết, phục vụ cho nghiên cứu. Nay thì formol được dùng để “ướp” cá khoai, thật quá nguy hiểm!

Lâu nay, người ta chỉ nghe ngư dân đánh cá trên biển ướp cá bằng hàn the và phân urê để giữ cho cá được tươi lâu, không ươn hoặc ôi thối nhanh. Các loại cá đánh bắt xa bờ thường có giá trị cao, vì ham lợi và tiếc của nên ngư dân bất chấp nguy hiểm, sử dụng chất cấm trong bảo quản, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng là điều để hiểu.

Nhưng dùng formol để “bảo quản” cá khoai thì thật khó tin. Giá trị của loại cá này chẳng đáng là bao. Chữ “khoai” gắn với tên cá đủ biết giá trị “bèo bọt” của nó như thế nào rồi. Ấy vậy mà vì một chút tiền còm, người ta cũng không chừa bất cứ thủ đoạn nào!

Khi dùng thực phẩm có sử dụng chất cấm nói trên, cái chết không đến ngay với người ăn cá mà sẽ đến từ từ. Chính vì không thấy “chết ngay” nên việc xử lý của cơ quan chức năng đối với hành vi này là rất “tượng trưng”.

Phạt hành chính, cảnh cáo, kiểm điểm không tái sử dụng… đó là những biện pháp “mạnh nhất” mà cơ quan chức năng dành cho người sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm. Dùng formol để bảo quản cá khoai như trường hợp trên đây rồi cũng sẽ nhận hình thức phạt như thế.

Đã đến lúc, ngành chức năng cần áp dụng những hình phạt thích đáng dành cho những hành vi sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm gây bệnh tật cho con người. Suốt 6 năm nay, ngành xuất khẩu thủy sản nước ta điêu đứng vì bị cấm nhập khẩu sang thị trường châu Âu cũng vì không tuân thủ luật chơi quốc tế, mà cụ thể là dùng chất cấm để bảo quản hải sản.

Đến cá khoai mà cũng thành đối tượng của lòng tham thì đừng mong đánh thức lương tri con người bằng những lời động viên suông mà hãy áp dụng bằng luật một cách nghiêm khắc nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.