Ghen, tức giận, căm hận... vì người tình phản bội, “bắt cá hai tay”, Thương đã vớ con dao dùng để gọt hoa quả đâm chết tình địch.
Nhát dao oan nghiệt
Nguyễn Thị Ái Thương sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Miền đất Krông Bông với những rẫy cà phê bạt ngàn, trù phú nuôi lớn tâm hồn cô. Thương mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ buồn của cô cứ thế trôi đi bên người mẹ tảo tần, đau yếu.
Sau khi tốt nghiệp THPT, với mong muốn đỡ đần gánh nặng kinh tế với mẹ, Thương rời Buôn Ma Thuột vào TPHCM lập nghiệp. Lúc đầu, Thương làm đơn xin vào học tại một trường đào tạo nghề để mong sau này có việc làm ổn định. Trong thời gian chờ đợi, được bạn bè giới thiệu, cô đi làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống...
Thương thuê phòng ở một xóm trọ nghèo. Nơi đây chủ yếu là các bạn trẻ từ khắp nơi đổ về để mưu sinh. Họ giống nhau vì trẻ, nhiều mơ ước và... nghèo. Không lâu sau, Thương quen và đem lòng yêu mến Lê Văn Thơm (SN 1990) quê ở Cà Mau. Thơm cũng thường xuyên qua lại phòng trọ của Thương chơi.
Lửa gần rơm, đôi bạn trẻ cùng cảnh xa nhà, mưu sinh nơi đất khách quê người, thương mến nhau cũng là lẽ thường tình. Hai người chung sống với nhau như vợ chồng. Mối tình chớm nở của đôi trẻ, giữa xóm trọ nghèo lẽ ra phải là khởi nguồn cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc sau này. Thế nhưng, đời không ai học hết chữ ngờ...
Vào một ngày, khi cả nhóm công nhân kéo nhau đến nhà một anh bạn trong công ty ăn tiệc thì Thương bất ngờ, sửng sốt khi thấy bạn trai mình chở Trần Thị Phương H. (SN 1993) đến tham dự. H. sinh ra trong một gia đình khá đặc biệt, ở Quận 12, TPHCM. Anh trai H. qua đời khi còn rất trẻ, sau một cơn đột quỵ. Vì vậy, bao nhiêu tình thương yêu, kỳ vọng cha mẹ đều dành trọn cho H...
Chạm mặt nhau ở bữa tiệc, H. thì không biết gì, còn Thương thì rất uất ức. Cô nghĩ rằng Thơm bắt cá hai tay, phản bội mình. Còn với H., Thương cho rằng cô đang cùng Thơm cười nhạo trên nỗi đau của mình. Những tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ...
Ngày 22/5/2011, buồn bã vì bị người tình bỏ rơi nên Thương đi nhậu, hát karaoke với nhóm bạn gồm Nguyễn Văn Quy, Phan Văn Oai… Sau chầu hát, Thương cùng bạn bè kéo nhau ra quán ốc trước cổng Tòa án Quân sự khu vực 2, Quân khu 7 uống rượu tiếp. Thấy Thương có vẻ buồn rầu, Nguyễn Văn Quy lấy điện thoại gọi rủ Thơm đến uống rượu chung.
Thế nhưng, phải một lúc lâu sau, Thơm mới đến nơi và chở theo H. Dẫu biết Thương, người yêu cũ của mình ngồi đó nhưng khi được hỏi “đi đâu mà để anh em phải gọi điện thoại” thì Thơm trả lời là “vừa đi khách sạn về”. Không những thế, Thơm còn có những cử chỉ âu yếm với H. ngay trước mặt Thương và nhóm bạn.
Nghĩ đến cảnh chỉ mới trước đây chưa đầy chục ngày, Thơm còn tay trong tay, “đầu ấp, tay gối”, rót bên tai mình những lời đường mật, mà giờ lại dẫn người khác đi tình tự, Thương vừa ghen, vừa hận. Nỗi uất ức trong lòng cứ dâng đầy thêm sau mỗi cử chỉ âu yếm của Thơm với H. Uống xong ly rượu, Thương đứng dậy, đi đến lấy một con dao Thái Lan, dùng để gọt hoa quả, đang đặt trên xe đẩy hàng của chủ quán ốc.
Cô vòng ra phía sau tình địch đâm một nhát chí mạng vào lưng trái. Khi thấy H. gục xuống, Thương hoảng sợ quăng dao và bỏ chạy. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng H. đã trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó, H. xin phép mẹ đi chơi với bạn. Bà đâu ngờ đó là lần cuối cùng được gặp con...
Sự ân hận muộn mằn
Thương chạy về phòng trọ, khóa trái cửa và nhốt mình trong đó. Nghĩ lại hành động nông nổi của mình, người Thương run lên. Cô bật khóc nức nở... Sau đó, Thương được bạn bè đưa đến cơ quan công an đầu thú...
Ngày 30/11/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM đã bác kháng cáo xin giảm án của bị cáo, tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Thị Ái Thương (SN 1992), thường trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, làm công nhân tại Quận 12, TPHCM về tội giết người.
Trước đó, tại phiên tòa lưu động vào ngày 24/8/2012, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên phạt Thương mức án chung thân. Ngay khi tòa tuyên án, Thương đã ngã quỵ tại sân tòa. Với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt, thiếu nữ đã làm đơn kháng cáo xin giảm án.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Thương đã khóc rất nhiều vì hối hận, ăn năn và mong muốn được Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức án.
Mặc dù, gia đình Thương đã khắc phục một phần hậu quả, gia đình bị hại đã làm đơn xin giảm án nhưng sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của Thương thể hiện sự ghen tuông, ích kỷ, chỉ suy đoán mối quan hệ của bị hại và bạn trai mà sẵn sàng dùng dao tước đoạt mạng sống của một cô gái khác.
Với nhận định trên, Hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Nghe tòa tuyên y án chung thân, Thương đã ôm mặt khóc trong cay đắng.
Về thi hành án tại Trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước) khi đang ở lứa tuổi đẹp đẽ nhất của đời người, Nguyễn Thị Ái Thương đã vĩnh viễn vùi chôn tuổi xuân của chính mình bằng bản án chung thân về tội giết người. Những năm tháng qua là chuỗi ngày Thương sống trong nỗi ân hận tột cùng.
Tội lỗi khủng khiếp dằn vặt cô đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi nghe tin H. không qua khỏi, Thương ước gì có thể chết thay, để không phải đối diện với sự thật rằng mình đã cướp đi mạng sống của người con gái duy nhất trong một gia đình.
Trong tù, cô đã viết thư gửi gia đình nạn nhân với những lời lẽ thống thiết. “Bao nhiêu ngày đêm con xót xa trước cái chết của H., trước sự đau khổ của hai bác. Sự tàn ác và vô tri của con đã cướp đi một mạng sống vô tội, để lại cho gia đình hai bác nỗi đau mất mát khôn cùng.
Cái chết của H. và quá khứ tội lỗi ấy cứ giày xéo lên con từ đấy đến giờ. Con có sao cũng được, nhưng một nỗi buồn vô tận là chính đôi bàn tay độc ác của con đã cướp đi người con gái thương yêu của hai bác. Để lại hai bác cô đơn giữa cuộc đời này. Bản thân con đã tự đánh dấu lên cuộc đời mình một vết nhơ không thể nào xóa sạch được”.
Những dòng chữ trong lá thư mà cô muốn gửi tới gia đình nạn nhân chứa đựng niềm ân hận khôn nguôi. Lời xin lỗi dẫu quá muộn màng nhưng đây là cách duy nhất Thương có thể làm được lúc này để lương tâm có được chút thanh thản. Ghen tuông, tức giận, căm hận trút cả vào nhát dao oan nghiệt.
Nhát dao ấy đã tước đi mạng sống của một cô gái trẻ vô tội đang tuổi xuân thì. Nhát dao ấy cũng tước đi tuổi trẻ, tương lai của chính hung thủ và cũng giáng xuống những bậc sinh thành một nỗi đau không dễ gì gượng dậy được.
Hơn ai hết, Thương hiểu rõ mẹ cô đã phải chịu nhiều bất hạnh với nỗi đau sớm mất chồng. Một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn và chiến đấu với căn bệnh tim giày vò nhiều năm qua. Bởi thế, từ lúc bị bắt đến khi ra tòa và bị kết án tù chung thân, Thương vẫn giấu bà mọi chuyện.
Cô lo sợ rằng, bà sẽ không chịu đựng nổi sự thật khủng khiếp rằng, con gái bà là kẻ sát nhân, phải trả giá bằng cả tuổi xuân sau cánh cổng trại giam. Thế nhưng, “giấy không gói được lửa”, không lâu sau, mẹ Thương cũng biết chuyện.
Bà tất tả khăn gói đến trại giam thăm con. Dẫu rất giận Thương nhưng bà cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Bà biết nói gì đây khi con gái mình gần ngay trước mặt mà như cách xa ngàn dặm.
Thương bảo, lúc nghe tòa tuyên án chung thân, cô chỉ muốn chết. Thế nhưng, hình ảnh người mẹ già đau yếu luôn mong ngóng được gặp con đã níu kéo cô ở lại. Cô không muốn đấng sinh thành của mình gánh thêm nỗi đau mất con... Cô hy vọng rằng nếu mình cải tạo tốt, một ngày nào đó cô sẽ được về với mẹ, trả hiếu cho bà.
Trong tình yêu có những lúc vui vẻ hay hờn giận nhưng việc dùng dao để giải quyết cơn ghen như Thương là điều đáng trách. Giờ đây, phải hàng đêm đối diện với tòa án lương tâm trong bốn bức tường nhà giam, Thương mới hiểu rằng, tình yêu thực sự luôn hướng con người ta đến cái đẹp, cái thiện. Cô mong rằng các bạn trẻ trong tình yêu đừng mù quáng để có những hành động sai trái, tội lỗi như mình.
“Nếu hai người không còn hợp nhau nữa thì khi chia tay cũng phải sống làm sao cho tốt, vươn lên trong cuộc sống. Khi sống tốt, chắc hẳn ở tương lai mình sẽ gặp được người tốt hơn, bởi vì người tốt trong xã hội này còn rất nhiều”. Giá như Thương nhận ra được điều ấy sớm hơn. Cái giá phải trả cho những lời gan ruột ấy là quá lớn.