Bứt phá từ tự chủ

GD&TĐ - Vượt qua khó khăn, thách thức khi thực hiện tự chủ, nhiều trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt được bước tiến vững chắc.

Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành.

Tự chủ tạo ra luồng sinh khí mạnh mẽ để các trường đổi mới trong công tác đào tạo.

Thúc đẩy quá trình đổi mới

Hiện tất cả trường đại học ở Cần Thơ đã thực hiện tự chủ đại học. Ở khu vực ĐBSCL, nhiều trường cũng thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ phù hợp, với đích đến là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, tự chủ đại học thúc đẩy quá trình đổi mới, góp phần tăng vị thế của nhà trường. Đơn cử như tự chủ trong mở ngành giúp trường tăng cường công tác nghiên cứu để mở ngành theo nhu cầu xã hội và điều kiện thực tế nhà trường. Từ đó, đẩy nhanh tiến trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực…

Tự chủ cũng góp phần tổ chức bộ máy hợp lý, đảm bảo tinh gọn, đủ năng lực quản trị hoạt động; xây dựng đội ngũ quản lý, giảng viên, nghiên cứu và nhân viên bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 2017, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là một trong các trường đại học công lập thuộc lĩnh vực y tế đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ. Đây cũng là trường đại học công lập đầu tiên tại Cần Thơ thực hiện cơ chế này. Khi tự chủ, nhà trường xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, duy trì xuất bản Tạp chí Y Dược học, có chỉ số ISSN bằng tiếng Việt và tiếng Anh, từ 10 - 12 số/năm.

Các bài đăng trên tạp chí được tính điểm công trình nghiên cứu do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định. Các năm qua, đội ngũ giảng viên của trường công bố quốc tế 60 - 70 bài báo thuộc danh mục ISI/SCOPUS.

Thời gian tới, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ tập trung dự án nâng cấp thành trường trọng điểm quốc gia. Ðến năm 2030, trường phát triển thành đại học định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, là 1 trong 5 trường đại học khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam và xếp hạng trong 1.000 trường đại học hàng đầu châu Á.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, trường có bệnh viện trực thuộc cũng thực hiện tự chủ từ khi mới thành lập. Quy mô của bệnh viện dù chỉ 250 giường nhưng được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện hơn 10.200 kỹ thuật, kể cả kỹ thuật xếp loại đặc biệt. Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú khoảng 220.000 lượt/năm.

Trong 5 năm qua, trường đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học công lập theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Công tác xây dựng đội ngũ quản lý, giảng viên, nghiên cứu... bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý. Từ 217 cán bộ, viên chức ban đầu, đến nay trường có 820 viên chức và người lao động. Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 85% (với 105 tiến sĩ, 29 giáo sư và phó giáo sư).

Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ trao quyết định thành lập 4 trường chuyên ngành trực thuộc Trường ĐH Cần Thơ.

Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ trao quyết định thành lập 4 trường chuyên ngành trực thuộc Trường ĐH Cần Thơ.

Lộ trình phù hợp

Tham gia tự chủ đại học, nhiều trường đã thực hiện ở mức độ phù hợp, với đích đến là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường ÐH Cần Thơ thực hiện lộ trình tự chủ mức 2 (mức 1 là tự chủ toàn diện - cả tài chính và đầu tư; mức 2 là tiến đến tự chủ tài chính và mức 3 là chưa tự chủ). Năm 2020 - 2021, trường tự chủ tài chính hoàn toàn, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và có tích lũy cho phát triển.

Trường ÐH Cần Thơ cũng thực hiện cơ chế giao quyền cho các trường thành viên, khoa, viện nghiên cứu. Để tiến tới tự chủ, ngày 10/10/2022, Trường ÐH Cần Thơ công bố thành lập 4 trường, 1 khoa, 1 viện trực thuộc. Các trường được thành lập gồm: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế, Trường Nông nghiệp.

Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, trong xu thế hội nhập, thực hiện tự chủ đại học là tất yếu và bắt buộc. Giao quyền tự chủ, trường tự quyết định, tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Trường ĐH Trà Vinh thực hiện tự chủ vào năm 2017. Năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 60 của Chính phủ, trường thực hiện cơ chế tự chủ mức 1 (tự chủ toàn diện).

Bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hơn 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, trường đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp học, liên thông các bậc học hướng tới học tập suốt đời. Hiện Trường ÐH Trà Vinh có 13 chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo chuẩn chất lượng AUN-QA, FIBAA, ABET. Nhiều năm liền, trường đuợc Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng tốp 200 truờng đại học xanh bền vững, thân thiện với môi truờng.

Thực hiện tự chủ, Trường ĐH Đồng Tháp cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trường được xếp thứ 15 trong tổng số cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ÐT có bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI; xếp hạng 53 trong danh sách 180 trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.

Chia sẻ về tự chủ đại học, PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho biết: Thực hiện tự chủ đại học cho phép các trường chủ động phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo, năng động trong tạo nguồn thu từ hoạt động chuyên môn và nghiên cứu... từ đó thu hút người học. Các trường triển khai thành công tự chủ đại học cần được xem là những nơi xứng đáng để Nhà nước tập trung đầu tư, nâng nhanh chất lượng, sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia, hướng tới đẳng cấp quốc tế với chất lượng tốt hơn trước khi thực hiện tự chủ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.