Vừa có điểm cuối năm của cậu con trai học lớp 1, một người mẹ đã "cầu cứu" trên các diễn đàn liên quan đến dạy con, giáo dục. Chị tâm sự, điểm thi cuối năm của con mình Toán 9, Tiếng Việt 9 và Tiếng Anh 10, cô giáo nhận xét cháu học tốt, tiếp thu bài nhanh.
Tuy nhiên, cháu lại hiếu động, nghịch ngợm, các môn được xem là phụ chỉ được đánh giá là "hoàn thành", thế nên cháu không được đánh giá là hoàn thành tốt (theo phụ huynh hiểu là xếp loại giỏi).
Nhiều ngày qua, chồng chị và ông bà nội không hài lòng với kết quả này của con cháu mình. Họ suy nghĩ và phàn nàn liên tục, còn người mẹ cũng rất bối rối và lo lắng về kết quả của con.
Cuối năm học, bên cạnh những phụ huynh tưng bừng khoe điểm của con thì nhiều người cũng chạnh lòng vì kết quả chưa như ý. Dù điểm thi, tổng kết của nhiều em ở mức cao, thậm chí 9, 10 nhưng cũng như trường hợp trên, bố mẹ vẫn chưa hài lòng.
Có phụ huynh kể nỗi khổ tâm về con học lớp 3, tất cả các môn cháu đều đạt được 10, mỗi môn Toán cháu đạt 9 nên cũng không được đánh giá xuất sắc. Từ hôm có điểm, cháu buồn thiu, còn anh chị cũng.. tiếc hùi hụi và lên kế hoạch hè sẽ gửi con đi học kèm.
Trước những tâm tư "con chưa đạt toàn diện", nhiều người vào trách phụ huynh mắc bệnh thành tích quá nặng. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng bố mẹ cần chú ý kèm cặp con kỹ hơn để con đạt kết quả tốt hơn.
Một hiệu trưởng bậc tiểu học ở TPHCM kể, sự "cuồng" điểm 10 của phụ huynh dẫn đến việc họ không bao giờ hài lòng về con. Có trường hợp bố mẹ lên trường đề nghị xem lại vì sao con chỉ đạt điểm 8, điểm 9, nọ nói đó là "nỗi nhục của gia đình".
Theo bà, chính áp lực này từ phía phụ huynh đẩy con trẻ vào nỗi sợ hãi tột cùng vào những đợt kiểm tra, đợt thi lẽ ra rất nhẹ nhàng. Họ không chấp nhận khi con mình chưa đạt điểm tuyệt đối ở tất cả môn hoặc kém điểm người khác. Nhiều trẻ bị rơi vào thế cố gắng thế nào cũng không làm hài lòng được bố mẹ.
Về nỗi ám ảnh điểm 10 của phụ huynh, TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên khoa Vật lý, Đại học Creighton (Mỹ) nhiều lần chia sẻ giáo dục của chúng ta quá tập trung vào kiến thức, điểm số, làm quên đi những giá trị, triết lý về cuộc sống trong mỗi bài học.
Chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất người khác đưa ra, cụ thể là điểm 10 mà không dựa vào hiệu suất của chính đứa trẻ. Trong khi, mỗi đứa trẻ sinh ra có một hiệu suất nhất định với các khả năng, lĩnh vực khác nhau xuất phát từ di truyền, môi trường, điều kiện, năng lực…
Giáo dục là để giúp đứa trẻ tiến tới gần nhất hiệu suất của bản thân, phát triển năng lực cao nhất của mình chứ không phải để chỉ đạt điểm 10.
Con gái TS Hải học tiểu học ở Mỹ, nơi không có điểm số để so sánh trẻ này với trẻ khác. Nếu các em hoàn thành các công việc ở lớp thì cô sẽ tặng ngôi sao, còn chưa hoàn thành thì không có ngôi sao. Con đi học về, bố mẹ hỏi hôm nay ở trường làm gì, cháu luôn trả lời: Play (chơi).
Các bé được tiếp cận với tất cả mọi thứ như âm nhạc, vẽ, múa, thể thao… để tìm ra thiên hướng phù hợp với đam mê và khả năng của mình.
Một năm học chuẩn bị khép lại cũng là lúc nhiều đứa trẻ lại phải đối diện với những nỗi sợ điểm số xuất phát từ sự ích kỷ của chính bố mẹ. Không chỉ những phụ huynh phàn nàn về điểm con mà kể cả những phụ huynh khoe điểm con thái quá cũng đang trút một gánh nặng vô hình cho con - gánh nặng khi bố mẹ quá xem trọng điểm số.
Phía sau sự phấn khởi, khoe điểm con lên mạng như một kỳ tích hay là sự thất vọng, chưa hài lòng của bố mẹ... đều là áp lực đè lên vai con trẻ.
Thay vì tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống, khám phá bản thân, biết mình muốn gì, thích gì... thì đầu óc, tình cảm của con trẻ lại phải quá nặng lòng việc đạt bao nhiêu điểm, đã đủ làm hài lòng bố mẹ chưa. Việc đến trường với trẻ sẽ không bao giờ là niềm vui một khi chính bố mẹ chưa "tiết chế" được ham muốn về điểm số, thành tích.