Theo như “kịch bản” buổi họp được ghi sẵn trên bảng, phụ huynh sẽ được nghe lần lượt: lý do buổi họp, giới thiệu trường, giới thiệu chương trình, nội quy, các lưu ý khác. Đặc biệt, trong số những nội dung họp có hoạt động “Yêu cầu phụ huynh hỗ trợ”.
Tôi chỉ chú ý dòng chữ đó bởi đã nghe nhiều hàng xóm kể về các khoản đóng góp đầu năm, có khoản có lý có khoản không, nhưng thường là có. Rất tự nhiên, tôi nghĩ đến 500.000 đồng mang theo hồi sáng để phòng hờ. Thế là tôi chuẩn bị... trúng rồi.
Cô giáo chủ nhiệm còn trẻ, nói rất tâm huyết về trường, lớp và việc học của các em. Đến mục thứ tư, có lẽ không chỉ riêng tôi mà các phụ huynh khác cũng chờ mục này, cô nói: “Để giúp đỡ việc học của các em, nhà trường rất mong được phụ huynh giúp đỡ, hỗ trợ”.
Cô bắt đầu nói về việc ăn sáng quan trọng như thế nào, khi chở con phải đội mũ bảo hiểm ra sao, việc quan tâm giai đoạn nền tảng của con thiết yếu như thế nào. Lúc này thì tôi và các phụ huynh đã hiểu thế nào là “hỗ trợ” - từ được nhà trường sử dụng theo đúng nghĩa đen.
Phụ huynh được khuyến khích soạn cặp “không thừa không thiếu”, vì theo lời cô chủ nhiệm, thiếu thì không học được, thừa thì “tội mấy bé còn nhỏ mà phải lê cặp nặng”. Theo chủ trương, những buổi kiểm tra đột xuất nếu dư một cuốn tập giáo viên cũng bị kiểm điểm.
“Lớp 1 là giai đoạn rất quan trọng của các bé, anh chị dù bận mưu sinh cũng ráng thu xếp mỗi buổi tối học cùng con, vì tám năm qua em làm chủ nhiệm, có nhiều trường hợp cuối năm con nhận học lực yếu mà cha mẹ giật mình” - lời cô giáo của con tôi tha thiết.
Trên bảng chi chít nội dung họp, lịch học sắp tới, duy có một góc nhỏ viết các mẫu chữ và các con số tính. Cô chủ nhiệm chỉ vào các chữ: “Khi học cùng các con, các anh chị để ý giùm em mấy chữ này, viết thường bằng nửa ô li của viết hoa, các bé hay sai chỗ này... chỗ này... Chữ này em dạy là âm quy, khi có u mới là âm quờ...”.
Cô nói rất chi tiết những điều cơ bản về môn tiếng Việt, toán để tạo điều kiện cho phụ huynh “hỗ trợ” một cách chính xác.
Cô nhắn nhủ các bé phần lớn là con một, con thứ hai nên thường được chăm chút, nhưng phụ huynh nên chú ý cho các con tự đi vào trường, đến lớp, cất cặp và ổn định chỗ, chứ đừng giúp mang cặp tận bàn, như vậy sẽ không hình thành tính tự lập cho con.
Cô nói đến những lúc làm phụ huynh buồn lòng: “Em phải nói trước, vì quản lý lớp đông, nhiều bé quá quậy phá không nói được thì em sẽ lấy thước kẻ đánh tay, nặng thì úp mặt vào tường đánh mông”.
Một phụ huynh có ý kiến hiện nay báo đài và cả thực tế đều cho thấy thầy cô hay bạo hành trò, đề nghị cô giáo không đánh vào mặt, đầu hay tai.
Cô chủ nhiệm trấn an: “Chị yên tâm, em cũng không nỡ. Em để cây thước trong hộp tủ khóa lại, vì nhiều khi mình nóng quá, thước sẵn tay thì vung bậy.
Em để đó, trong lúc mình lấy cũng là thời gian cho mình kịp nghĩ. Khi phạt bé nào em sẽ điện thoại cho phụ huynh báo đã phạt bé tội gì, mấy cây”.
Gần 10 giờ phụ huynh lần lượt ra về từ các phòng. Phòng chúng tôi về trễ nhất. Nhưng chúng tôi không thấy thừa, một buổi họp rất đủ đầy, cho các con và cho phụ huynh.