Bước tiến trong phát hiện kịp thời hiểm họa động đất góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại

GD&TĐ - Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc triển khai các kế hoạch ứng phó với hiểm hoạ thiên nhiên động đất sóng thần.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập ngày 4/9/2007 là cơ quan duy nhất được Chính phủ giao trách nhiệm về việc báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Việt Nam.     

Cảnh báo sớm góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

Hơn 13 năm thành lập, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định vai trò như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần của đất nước.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định vai trò như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần của đất nước
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định vai trò như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần của đất nước

Đáng chú ý, năm 2020, liên tiếp xảy ra các trận động đất tại Sơn La, thuộc khu vực Tây Bắc. Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ trong 2 ngày, từ 27 đến 29/7, tại Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3, sau đó tiếp tục xảy ra 16 trận dư chấn, có độ lớn từ 2,5-4 và khoảng 10-15 dư chấn nhỏ hơn.

Trận động đất với độ lớn 5,3 đã gây thiệt hại trụ sở làm việc của một số xã, nhà văn hóa, trường mầm non, trạm y tế và 127 nhà dân bị hư hỏng. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội bị rung lắc. Sáng 1/8, tại Mộc Châu, Sơn La lại xảy ra động đất.

Theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm hoạ động đất khá cao. Hai trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam là động đất Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter) và Tuần Giáo năm 1983 (6,8 độ richter).

Ngoài ra, trong chục năm trở lại đây, các trận có độ lớn 4,0-4,8 độ richter cũng xảy ra trên một số địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Quảng Nam, Huế và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. Mức độ động đất lớn hay nhỏ tùy thuộc mỗi vùng, mỗi khu vực này đều có xây dựng bản đồ nguy hiểm động đất, được sử dụng trong quy chuẩn kháng chấn của ngành xây dựng.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập ngày 4/9/2007 là cơ quan duy nhất được Chính phủ giao trách nhiệm về việc báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã đại diện cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS).

Từ năm 2007 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã thông báo khoảng gần 400 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 6,1 có ảnh hưởng đến Việt Nam (trong đó có trận động đất độ lớn 6,1 xảy ra ngày 20/11/2019 tại Sayabouly, Lào); các trận động đất có độ lớn trên 4,0 xảy ra trên một số tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Thanh Hóa và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu.

Đặc biệt, Trung tâm đã cảnh báo kịp thời và liên tục chuỗi động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, Quảng Nam từ đầu năm 2011 và kéo dài nhiều năm tiếp theo; động đất ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý địa cầu đã kịp thời triển khai mạng trạm quan trắc địa chấn ở khu vực Bắc Trà My góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong báo tin động đất và cảnh báo sóng thần

Hiện nay, ở Việt Nam, khu vực Tây Bắc có hoạt động động đất mạnh nhất, có khả năng xảy ra những trận động đất lớn, gây nguy hiểm cho con người do đây là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh, như đứt gãy Ðiện Biên - Mường Lay; đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.

 Trong lịch sử, đã ghi nhận các trận động đất có độ lớn 6.8 ở khu vực này. Dù Việt Nam không nằm trong vành đai xảy ra động đất mạnh, nhưng tại những khu vực thường xuyên xảy ra động đất nói trên đã có ảnh hưởng đến an toàn sinh mạng và cộng đồng.

Với năng lực nghiên cứu địa chấn của các nhà khoa học và hệ thống trang thiết bị quan trắc hiện đại hiện nay tại Viện Vật lý địa cầu cho phép ghi nhận, đưa ra các thông tin về động đất rất nhanh. Thời gian ghi nhận tín hiệu tính bằng giây tương đương tốc độ truyền internet và tùy thuộc vào đặc điểm mô hình tính toán, dự báo mà các sản phẩm đưa ra chỉ sau khoảng từ 1 đến 5 phút (vị trí tâm chấn, độ sâu tâm chấn, độ lớn, khả năng hình thành sóng thần…).

Viện Vật lý địa cầu đang quản lý và vận hành mạng lưới 31 đài, trạm quan trắc động đất quốc gia và mạng lưới quan trắc động đất địa phương tại các khu vực có nhiều công trình thủy điện và công trình trọng điểm quốc gia. Các máy ghi động đất được đặt trên nền đá gốc và khi động đất xảy ra, các trạm sẽ ghi nhận, biểu hiện thành các sóng trên hệ thống thiết bị.

Một trận động đất phải có tám trạm trở lên ghi nhận được tín hiệu thì hệ thống trung tâm sẽ tự động xử lý, đưa ra các thông số để cảnh báo. Với những trận động đất có độ lớn nhỏ, có dưới tám trạm ghi nhận được tín hiệu thì các chuyên gia sẽ xử lý bằng phần mềm chuyên dụng để có được thông số. Hệ thống các trạm quan trắc còn ghi nhận được động đất trong khu vực và quốc tế, thông qua việc ghi nhận sóng địa chấn lan truyền trong lòng đất.

Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, đến nay, Viện đã thành lập được bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000; đánh giá độ nguy hiểm động đất khu vực Đông Nam Á và các vùng kế cận; nghiên cứu dao động nền lãnh thổ Việt Nam; nghiên cứu cấu trúc vận tốc vỏ Trái đất, thạch quyển Việt Nam và các vùng lân cận; nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần vùng ven biển và hải đảo Việt Nam, đề xuất các giải pháp phòng, tránh giảm nhẹ hậu quả thiên tai...

Với đội ngũ các nhà khoa học đã có nửa thế kỷ trong lĩnh vực nghiên cứu địa chấn ở Việt Nam, tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần các kiến thức chuyên môn của các nhà khoa học được ứng dụng ngay trong công tác phát hiện và cảnh báo kịp thời những trận động đất và sóng thần có khả năng gây thiệt hại cho cộng đồng trên toàn lãnh thổ Việt Nam khu vực Biển Đông.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của những thiết bị nghiên cứu mới và khoa học máy tính, quan trắc, vật lý địa cầu đã đóng góp rất lớn trong việc mô phỏng và dự báo các trường vật lý địa cầu. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong công nghệ quan trắc vật lý địa cầu, cụ thể là: Hệ thống quan trắc trên mặt đất ngày càng hoàn thiện với nhiều trạm dựa trên công nghệ vạn vật kết nối, công nghệ cảm biến thế hệ mới; nhiều thiết bị quan trắc mới từ mặt đất và vệ tinh có tính đột phá, nâng cao đáng kể chất lượng công tác dự báo; hệ thống máy tính hiệu năng cao ngày một phát triển góp phần đảm bảo dự báo chính xác hơn theo thời gian thực.

Với mục tiêu nâng cao hơn chất lượng nghiên cứu, Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, ngành vật lý địa cầu hiện đại cần xây dựng cơ sở dữ liệu trên phạm vi toàn cầu dựa trên cơ sở mạng trạm nhiều dạng thiết bị chất lượng cao để quan trắc trực tiếp và từ xa, trong đó có những thiết bị mang tính đột phá về công nghệ cho phép quan trắc những thông tin mới về các trường vật lý địa cầu, khuyến khích sử dụng kỹ thuật đo tăng cường. Đồng thời, cần xây dựng phương pháp tổng hợp (trong đó đặc biệt quan tâm các phương pháp từ các ngành khác như lý thuyết nhận dạng, khoa học máy tính, hệ tri thức...) xây dựng cơ sở dữ liệu toàn cầu thông minh, ứng dụng khoa học máy tính nhằm hiểu biết sâu hơn về các quá trình vật lý địa cầu và sự tương tác giữa chúng với nhau và với các thành phần khác.

Đối với nghiên cứu ứng dụng, các định hướng trên nhằm tiếp tục nâng cao độ chính xác và độ phân giải trong phân tích, nghiên cứu và dự báo. Các kiến thức mới về các trường vật lý địa cầu sẽ giúp cho công tác dự báo được thực hiện tốt hơn để kết quả dự báo là thông tin tin cậy giúp xã hội hoạt động hiệu quả hơn.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ