Bước tiến quan trọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất kí kết Hiệp ước mới về di cư và tị nạn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất kí kết Hiệp ước mới về di cư và tị nạn. Dù hiệp ước vẫn cần được Hội đồng châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu phê chuẩn, song đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm chấm dứt những tranh cãi nhiều năm qua. Nếu được thông qua, Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ năm 2024.

Theo Hiệp ước, mỗi năm, EU dự kiến tiếp nhận 30 nghìn người nhập cư và mỗi quốc gia trong EU sẽ phải chào đón một bộ phận người nhất định vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Con số cụ thể được tính toán dựa trên quy mô GDP, dân số, số lượng các cuộc vượt biên trên biển... Hiệp ước có một lưu ý quan trọng là những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể giúp đỡ các nước tiếp nhận bằng tiền mặt (ít nhất 20 nghìn euro/người/năm) hoặc bằng trang thiết bị, nhân lực...

Bên cạnh đó, thỏa thuận mới gồm 4 giải pháp chính là đẩy nhanh quá trình sàng lọc, kiểm tra những người di cư trái phép; thành lập các trung tâm giam giữ ở biên giới EU; tăng tốc quy trình trục xuất những người bị từ chối quy chế tị nạn; thiết lập cơ chế đoàn kết nhằm giảm áp lực lên các quốc gia Nam Âu.

Kể từ năm 2015, hơn một triệu người, chủ yếu chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, vượt qua Địa Trung Hải vào châu Âu, đã kéo theo số lượng lớn người di cư tìm đến “lục địa già”.

Các quốc gia châu Âu đã tranh cãi nảy lửa về việc tiếp nhận hay không và tiếp nhận lượng người khổng lồ này như thế nào. Họ liên tục đổ lỗi cho nhau về thiếu đồng nhất trong cách xử lý tình trạng người di cư.

Vì vậy, việc các quốc gia châu Âu tìm được tiếng nói chung và đi đến thống nhất kí kết hiệp ước là một trong những bước tiến quan trọng nhằm giải quyết vấn đề đã bế tắc trong nhiều năm qua.

Thông qua hiệp ước, EU kỳ vọng khu vực này sẽ giảm được tỷ lệ nhập cư bất thường, cho phép các nước đoàn kết hơn và có trách nhiệm hơn trong việc tiếp nhận người tị nạn. Đặc biệt, các quốc gia Nam Âu như Italy, Hy Lạp... sẽ được chia sẻ gánh nặng khi là “biên giới” của châu Âu và phải tiếp nhận lượng lớn người di cư hàng năm.

Ông Robert Metsola - Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bày tỏ: “EU đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về bộ quy tắc mới để quản lý vấn đề di cư và tị nạn”. Trong khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Di cư là thách thức chung của châu Âu. Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên cùng nhau giải quyết vấn đề đó”.

Tuy nhiên, trước khi hiệp ước được phê chuẩn, Italy và Hy Lạp đã bày tỏ lo ngại liệu quy trình mới có khả thi hay không do trong khối vẫn có những quốc gia không đồng tình với hiệp ước.

Hungary phản đối việc họ buộc phải tiếp nhận người di cư theo định mức mà EU đưa ra. Nếu các quốc gia khác trong khối từ chối tiếp nhận người di cư, sức ép sẽ đổ dồn lên Hy Lạp và Italy như họ đang phải chịu đựng.

Còn các tổ chức hỗ trợ người tị nạn chỉ trích hiệp ước này là “phản ánh những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và làm trầm trọng thêm hậu quả của chúng”.

Bởi hiệp ước này sẽ xây dựng các trung tâm giam giữ người tị nạn ở khu vực biên giới EU để chờ xét duyệt, giống như những trại di cư quá tải nằm trên các hòn đảo ở Hy Lạp. Lịch sử có thể sẽ lặp lại nếu những người di cư tìm cách vượt biên bằng đường biển vào EU vì quy trình tuyển chọn người nhập cư quá khắt khe.

Hơn nữa, việc thành lập các trung tâm giam giữ sẽ gây ra sự chia rẽ, cô lập, nhất là với trẻ em và trẻ vị thành niên – độ tuổi cần được tiếp cận y tế, giáo dục để phát triển khoẻ mạnh.

Hành động này sẽ “bình thường hoá” việc giam giữ quy mô lớn và có khả năng đưa người di cư trở lại quê hương, nơi họ phải đối mặt với bạo lực và đàn áp.

Mặc dù vậy, hiệp ước trên có thể coi là một thành công trong nội bộ EU nhưng để giải quyết tình trạng di cư, EU sẽ cần hợp tác với các châu lục khác bởi gốc rễ vấn đề nằm ở nghèo đói, chiến tranh và kinh tế. Đó là những bài toán không thể giải quyết bằng việc kiểm soát người nhập cư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.