Bước tiến mới trong tự chủ đại học

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ có nhiều quy định quan trọng hướng tới tăng quyền tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân học tập trong thư viện
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân học tập trong thư viện

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.

Bài học kinh nghiệm

- TS có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân khi thực hiện tự chủ?

- Qua quá trình thực hiện tự chủ, chúng tôi xin chia sẻ một số bài học để việc triển khai đề án tự chủ đại học được thành công.

Đầu tiên, cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Khi thực hiện đề án tự chủ nghĩa là mang đến rất nhiều sự thay đổi, không chỉ với xã hội, người học mà ngay cả với bản thân cán bộ, giảng viên trong trường. Giai đoạn đầu tự chủ là giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn vì có nhiều sự thay đổi. Do đó, cần truyền thông đến mọi người để tất cả cùng đoàn kết nhìn về một hướng, khắc phục khó khăn ban đầu, hướng tới thành công trong tương lai.

Lãnh đạo nhà trường cũng cần có những cam kết cụ thể theo từng mốc thời gian để gây dựng lòng tin với xã hội và cán bộ, giảng viên nhà trường. Ví dụ: đối với người học, cần hướng tới tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và thu nhập tốt sau khi ra trường. Đối với giảng viên, cần có những chính sách tạo động lực, cam kết về các quyền lợi và mức thu nhập hằng năm…

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh. Hiện, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã mở mới khoảng 20 ngành và chương trình đào tạo. Các chương trình này đều là những lĩnh vực mới của nền kinh tế, hoặc những ngành đào tại liên ngành, xuyên ngành đáp ứng cho nhu cầu nền công nghiệp 4.0.

Ví dụ: ngành Khoa học dữ liệu; ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; ngành Kinh doanh số; ngành Thương mại điện tử; ngành Đầu tư tài chính; ngành Công nghệ ngân hàng (Fintech); ngành Phân tích kinh doanh (BA); hoặc một số ngành tích hợp các chứng chỉ của các hiệp hội nghề nghiệp thế giới, tạo điều kiện của sinh viên dễ dàng làm việc trên phạm vi toàn cầu.

Những ngành này đa số đào tạo bằng tiếng Anh với chương trình đào tạo được nhập khẩu từ nước ngoài với mức học phí cao hơn các ngành truyền thống, nhưng luôn thu hút được số lượng người học rất đông.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tăng cường đầu tư và thu hút các nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, trường đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Ví dụ, mỗi bài báo quốc tế khi được xuất bản đều được nhà trường thưởng từ 10-15 triệu…Gần đây, với sự tài trợ của ngân hàng Vietcombank, mỗi đề tài của sinh viên khi đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường cũng được thưởng 10 triệu. Vì vậy, năm 2020 nhà trường có 15% số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, với 245 đề tài được trao thưởng; trong đó có 15 đề tài được xét giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Nhà trường đẩy mạnh thành lập các hội cựu sinh viên, học viên và thu hút nguồn tài trợ từ các cựu sinh viên, học viên, nhằm xây dựng các quỹ học bổng cho người học và đầu tư cải thiện cơ sở vật chất cho nhà trường. Trung bình mỗi năm, hội cựu sinh viên đã đóng góp và tài trợ cho các hoạt động của nhà trường khoảng 10 tỷ đồng.

Về nhân sự, nhà trường có nhiều chính sách thu hút các giảng viên có uy tín trong nước và nước ngoài đến giảng dạy. Thường xuyên mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài đến trường trao đổi kinh nghiệm và cùng giảng dạy.

Thông thường mỗi môn học chuyên ngành sẽ có ít nhất 1 buổi mời các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên sâu đến chia sẻ cùng sinh viên. Mỗi sinh viên sẽ được đi thực tế ít nhất 2 lần trong toàn khóa học, không kể việc đi thực tập cuối khóa. Từ đó nâng cao kỹ năng và trải nghiệm thế giới việc làm cho sinh viên...

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

- Trong quá trình thực hiện tự chủ, đâu là việc khó khăn lớn nhất mà nhà trường gặp phải và giải pháp của nhà trường cho những khó khăn này như thế nào?

- Thực tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân khi thực hiện tự chủ đại học không gặp khó khăn lớn nào. Đối với một số vướng mắc, Trường đã kịp thời xin ý kiến của cơ quan chủ quản và các cơ quan hữu quan khác.

Trường đã chủ động xây dựng Đề án việc làm và Quy chế thu chi nội bộ để có thể trả lương xứng đáng cho cán bộ, giảng viên, nhằm thu hút và tạo động lực cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

- Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm này được thực thi tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân thế nào, thưa TS?

- Ngay trong các quy định về tự chủ luôn có các quy định rất cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trách nhiệm giải trình luôn được đề cao. Nhà trường định kỳ thực hiện 3 công khai: Công khai và cam kết chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; mức thu học phí; điều kiện cơ sở vật chất… Các báo cáo 3 công khai này đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử để xã hội xem và giám sát.

Hằng năm, tại Đại hội cán bộ công nhân viên chức, Quy chế thu chi nội bộ của nhà trường đều được công khai và tiếp nhận các ý kiến đóng góp sửa đổi và thông qua đối với toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường.

Nhà trường cũng định kỳ và thường xuyên mời các công ty kiểm toán độc lập thực hiện công tác kiểm toán để bảo đảm hoạt động của nhà trường tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền và kịp thời giải trình với tất cả yêu cầu của các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra…

Nhà trường cũng đã bước đầu công khai các chỉ số liên quan đến trách nhiệm giải trình, như: tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức lương trung bình của sinh viên sau khi ra trường, số chương trình được kiểm định, số lượng và danh mục các xuất bản quốc tế…

Chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo

- TS Nhìn nhận như thế nào về việc các trường tự chủ tăng học phí?

- Thực tế trong mấy năm vừa qua, khi các trường bắt đầu thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, học phí của những trường này đều tăng, nhưng đều nằm trong giới hạn trần học phí mà Nhà nước cho phép, ví dụNghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 83/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;

Tuy nhiên, hầu như các trường đều có lộ trình tăng từng bước và chỉ tăng với những sinh viên khóa mới. Mức học phí của các trường cũng đều được xác định trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi trường đều có những quỹ học bổng, cũng như chính sách hỗ trợ học phí cho những sinh viên khó khăn; hoặc giúp đỡ để sinh viên được quyền sử dụng tín dụng sinh viên. Đây chính là chính sách để bảo đảm sự tiếp cận giáo dục đại học của tất cả mọi người.

Sau khi được tự chủ, các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chuẩn đầu ra.

Sau khi được tự chủ, các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chuẩn đầu ra.

Cũng cần nói thêm về lý do tăng học phí. Trước đây, mức học phí được xác định trên cơ sở nhà nước tài trợ phần chi sự nghiệp và chi thường xuyên, cũng như chi đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Khi bắt đầu tự chủ, các trường phải tự bảo đảm phần kinh phí của mình. Vì vậy những chi phí này sẽ từng bước được tính vào học phí; nên mức học phí so với trước khi tự chủ sẽ có sự gia tăng nhất định. Một lý do khác trong gia tăng học phí là các trường gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ cho người học.

Tuy nhiên trong 3 năm qua (2020-2022), do ảnh hưởng của dịch Covid, nên trường Đại học Kinh tế quốc dân đã không tăng học phí, để cùng chia sẽ những khó khăn với người học và gia đình.

Qua khảo sát các trường, sau khi được tự chủ, các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, cũng như trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm cho người học. Nhiều trường đã đưa vào sử dụng các tòa nhà mới với trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ.

Từ thực tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, từ khi được Thủ tướng cho phép thí điểm đề án đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, số lượng học sinh và nguyện vọng đăng ký vào trường tăng đều qua các năm. Điểm chuẩn được duy trì ở mức cao.

Đặc biệt, đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế với mức học phí cao luôn có số lượng sinh viên đăng ký rất đông. Khảo sát sơ bộ những sinh viên năm thứ nhất sau khi vào trường, đều cho rằng mức học phí của nhà trường là hoàn toàn chấp nhận được; nhất là khi chính sinh viên so sánh với mức kinh phí mà gia đình bỏ ra cho sinh viên đi học tại THPT.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu quốc tế, mức học phí được người học chấp nhận tối đa sẽ bằng 50% thu nhập hàng tháng của sinh viên sau khi ra trường. Qua các khảo sát sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thì mức lương của các em thường dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng ngay sau khi tốt nghiệp.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.