Bước tiến giao quyền tự chủ cho trường phổ thông

GD&TĐ - Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông đang có nhiều bất cập khi nhà trường còn bị động. Thực tế nhu cầu tuyển giáo viên chính là ở các trường, nhưng quyền tự chủ này vẫn còn bị hạn chế. Theo nhiều nhà giáo, sắp tới chủ trương cắt giảm công chức, viên chức trong giáo viên, tăng chế độ hợp đồng là bước tiến lớn trong việc giao quyền tự chủ cho trường phổ thông…

Bước tiến giao quyền tự chủ cho trường phổ thông

Nhìn thẳng vào bất cập

Trong nhiều năm qua, đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên thường là UBND huyện, Phòng GD&ĐT hay do các Sở GD&ĐT đảm nhiệm. Cách thức là tuyển theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường ký hợp đồng. Viêc này dẫn đến hiện tượng “vênh” về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thừa, thiếu giáo viên như một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn. Vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập. Trong khi đó nhu cầu tuyển giáo viên là của các trường, vì trường sẽ biết giáo viên thừa, thiếu như thế nào nhưng lại không được tuyển dụng.

Có nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng tuyển không được vì không có biên chế trong nhiều năm. Nhiều người cho rằng, cái khó nhất trong việc tuyển giáo viên hiện nay chính là thực trạng “ba tăng, một thiếu” - trường tăng, lớp tăng, học sinh tăng, nhưng biên chế được giao cho địa phương không tăng thêm!

Theo ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp: Trong thời gian qua, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục của tỉnh trong tình hình cơ cấu đội ngũ chưa thật “chuẩn” - vừa thừa, vừa thiếu. Việc thuyên chuyển viên chức, nhu cầu ít, yêu cầu nhiều, nếu không có biện pháp phù hợp sẽ không được sự đồng thuận và dễ xảy ra tiêu cực…

Ngành cũng xác định công tác tuyển dụng và thuyên chuyển viên chức còn không ít khó khăn, như thời gian xét thuyên chuyển và tuyển dụng của các địa phương cấp huyện khác nhau, không thống nhất. Việc thỏa thuận tiếp nhận giáo viên giữa các huyện với nhau kéo dài ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục (đầu năm không có giáo viên giảng dạy). Một số đơn vị cấp huyện tiếp nhận giáo viên nhưng phân công không đúng nguyện vọng của giáo viên làm mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, phát sinh hiện tượng thừa thiếu cục bộ...

Trước những bất cập này, đã có một số tỉnh, thành tiến hành giao quyền cho hiệu trưởng các trường phổ thông được chủ động trong tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng giáo viên theo hướng giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng đã có tác động tích cực tới khả năng quản lý của hiệu trưởng và hiệu quả giáo dục của mỗi trường.

Về cơ bản, công tác tự chủ trong tuyển dụng đã giúp nhà trường chủ động hơn về biên chế, con người và chất lượng giáo viên tuyển vào cũng như phân công chuyên môn. Đội ngũ giáo viên được tuyển vào các trường sẽ có chất lượng, đảm bảo đúng cơ cấu, kết quả tuyển dụng có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục chung của nhà trường. Mặt khác, nhà trường còn tìm được giáo viên cần có một số yêu cầu riêng theo đặc thù của trường như giới tính, năng khiếu…

Mạnh dạn giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng

Xu hướng giao quyền chủ động cho nhà trường mà trực tiếp là hiệu trưởng được tuyển giáo viên đang được các địa phương rất quan tâm. Vấn đề tự chủ ở trường phổ thông đã được đề cập từ nhiều năm qua, trong đó có chủ trương tự chủ về chương trình, kế hoạch hoạt động… Tuy nhiên, việc thực hiện vấn đề tự chủ này ở các trường vẫn chưa thực sự được chủ động.

Tới đây, sẽ có một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đòi hỏi cao ở tính linh hoạt trong mỗi giáo viên, nhà trường, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nếu như không cho các trường được phân cấp thật mạnh để tự chủ thì hoạt động giáo dục sẽ rất khó được chủ động.

Là một trong những địa phương mạnh dạn giao quyền tuyển dụng giáo viên về cho địa phương, tỉnh Đồng Tháp bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Trong 2 năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, công tác tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên ở tỉnh Đồng Tháp được giao về địa phương, giúp địa phương chủ động thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên sớm ngay từ đầu năm học.

Tại huyện Tháp Mười, việc tuyển dụng, thuyên chuyển được thực hiện công khai, các hình thức tuyển dụng, kiểm tra sát hạch theo quy định. Những ứng viên giỏi có dịp thể hiện năng lực, năng khiếu bản thân. Người địa phương nếu muốn về công tác được xem xét các chính sách ưu tiên. Là đơn vị thực hiện tuyển dụng đầu tiên trong tỉnh nên hằng năm UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo Phòng GD&ĐT tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, kết quả thuyên chuyển, kế hoạch biên chế, nghỉ hưu, điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Các trường chủ động xác định nhu cầu tuyển mới, mỗi đơn vị phải thống kê kiểm tra chính xác nhu cầu, tránh tình trạng tuyển thừa, thiếu giáo viên.

“Việc công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các ứng viên tham gia trong tuyển dụng, xét thuyên chuyển của ngành tuy chỉ mới thực hiện trong thời gian ngắn (hơn 2 năm), nhưng đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận trong và ngoài ngành và đặc biệt đã hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra”, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, việc giao quyền tự chủ về nhân sự là bước một, còn bước hai là tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên. Đây là quyết tâm lớn với mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục phát triển vượt bậc và đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Qua trao đổi, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề chuyển giáo viên từ chế độ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng cần từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành Giáo dục làm ngay. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm, như một số trường phổ thông có thương hiệu, có điều kiện thì cho thí điểm từng bước, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ