Bước tập dượt quan trọng

GD&TĐ - Người học cần cẩn trọng trong từng khâu, từng bước khi đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chỉ còn ít ngày nữa là Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) sẽ “mở cổng” để thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí theo hình thức trực tuyến.

Đây là khâu quan trọng, bởi các em chính thức lựa chọn ngành học, trường học cho mình. Do đó, người học cần cẩn trọng trong từng khâu, từng bước khi đăng ký trên Hệ thống.

Năm 2023 không phải là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với những thí sinh vừa dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thì đây là lần đầu tiên được trải nghiệm hình thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến. Vì thế, dù không xa lạ nhưng với các em hình thức này vẫn còn mới mẻ nên có thể sẽ gặp bỡ ngỡ ban đầu. Và chỉ cần một chút sơ suất do chủ quan là có thể “sai một ly, đi một dặm”.

Để thí sinh làm quen với hình thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống cũng như đề phòng sự cố ngoài ý muốn, từ ngày 3 - 6/7, Bộ GD&ĐT đã mở cổng Hệ thống để thí sinh thực hành, thử nghiệm. Đây là bước tập dượt quan trọng trước khi các em chính thức thực hiện công việc này trên Hệ thống kể từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.

Thực tế cho thấy, ở những mùa tuyển sinh trước, do chủ quan nên một số thí sinh không đăng ký được nguyện vọng xét tuyển. Có em còn không biết đăng nhập Hệ thống hoặc quên mã đăng nhập. Những lỗi này không chỉ làm mất thời gian mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và phụ huynh.

Ngoài ra, trong những ngày thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, Hệ thống sẽ phải xử lý kho dữ liệu khổng lồ nên có thể gặp một vài sự cố không mong muốn.

Vì thế, việc mở Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh để thí sinh thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là cần thiết. Qua đó, mỗi em có cơ hội tập dượt, làm quen với việc đăng ký trên Hệ thống, hạn chế tối đa sai sót không đáng có.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để Bộ GD&ĐT tiếp nhận ý kiến phản hồi từ thí sinh; từ đó kịp thời điều chỉnh nếu có sự cố về kỹ thuật hoặc lỗi do hệ thống. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, hầu hết thí sinh đều hài lòng. Các bước thực hiện dễ dàng nên quá trình thử nghiệm diễn ra thuận lợi và trơn tru.

Tuy nhiên, tuyển sinh cũng là phần việc quan trọng của cơ sở giáo dục đại học. Do đó, các trường cần chủ động kịch bản cho nhiệm vụ này. Từng đơn vị cần có phương án hỗ trợ thí sinh, đề phòng những rủi ro không mong muốn. Trên hết là để không rơi vào tình cảnh bị động, bất ngờ, dẫn đến những sơ suất không đáng có.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh với những công việc cụ thể. Kế hoạch tuyển sinh của các trường phải đảm bảo thống nhất với Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh phải được cơ sở giáo dục đại học cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác, nhất quán, đúng thời gian để đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu; hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ