Bước qua lỗi lầm quá khứ

GD&TĐ - Kể chuyện cuộc đời mình đã khó, nhất là những chuyện xấu, những cái ác của mình còn khó hơn nhiều. Thế nhưng, qua việc đọc sách, và tự tay mình viết ra tâm tư thầm kín, những dằn vặt và đấu tranh nội tâm của mình để tìm lại niềm tin hướng thiện, các phạm nhân ở Trại giam số 6, Nghệ An đã làm được điều muôn vàn khó khăn ấy.  

Hội đọc sách và cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” được sân khấu hóa tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An)
Hội đọc sách và cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” được sân khấu hóa tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An)

Có trở về được không?

Những dòng chữ nắn nót, đẹp, đều tăm tắp cùng lời giới thiệu giản dị, xúc động khiến tôi thực sự bất ngờ về phạm nhân có tên Nguyễn Hữu Thương.“Tôi sinh ra tại thành Nam phố dệt, với người mẹ làm công nhân và một lời dặn lại của cha tôi trước khi ra chiến trường:“Con sinh ra dù là trai hay gái thì đều đặt tên con là Thương, để sau này con thương cha, thương mẹ” và với hi vọng cuộc sống sau này của tôi sẽ bình yên và ấm áp.

Nhưng rồi, chính tay tôi đã lấy đi niềm hi vọng của cha mẹ một cách không thương tiếc vào 7 năm trước... bàn tay tôi đã cướp đi sinh mạng một con người”.

Với nỗi ân hận muộn màng của một người con không báo hiếu được cho cha mẹ, nỗi tủi nhục để lại cho gia đình, suốt 7 năm trong Trại giam số 6, ngày nào, trong đầu Thương cũng băn khoăn câu hỏi “Có trở về được không? Trở về rồi vẫn lầm lạc lẽ sống hay trở về với những vết sẹo tâm hồn, rồi cay đắng với cuộc đời”.

Điều may mắn là trong trại giam, các phạm nhân có một thư viện sách, với rất nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau. Sau những buổi lao động, cải tạo, thời gian tìm đến với sách, là khoảng tự do khám phá của Thương. Anh đọc sách rất nhiều từ lịch sử, triết học, tư tưởng, những cuốn sách hạt giống tâm hồn…

“Tôi nhớ một buổi chiều đi thư viện tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” và cuốn sách đã thu hút tôi ngay từ những trang đầu tiên. Sách viết về 21 chuyện giản dị với những con người bình thường nhất nhưng nhân cách họ, quan hệ của họ cùng những tấm lòng cao cả, sự thánh thiện của họ gợi cho chúng tôi sự hi vọng và niềm tin về ngày trở về”.

Hay như tác phẩm “Cuốn sách làm nên đời tôi” kể về Trần Trình, từ một cậu bé nghèo ham đọc sách đến khi trở thành một tiến sỹ dạy môn Nhân loại học ở Bắc Kinh, Thương đã khóc “thấy mình lắng lại, ngẫm nghĩ và thấy yêu đời hơn”. Những chia sẻ chân thành đó của Thương đã chinh phục được ban giám khảo và giành giải Nhất cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” do Bộ Công an tổ chức.

7 năm - cũng là khoảng thời gian mà Đỗ Thị Thanh Hương đã thụ án tại Trại giam số 6. Trong suốt quãng thời gian đó, nỗi day dứt, trăn trở lớn nhất của chị là 2 con nhỏ phải sống thiếu tình thương của mẹ: “Tôi luôn trăn trở, day dứt liệu ngày trở về con mình có còn nhận ra khuôn mặt của mẹ không? Có chấp nhận tha thứ cho tôi không?”.

“Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, lớn lên có một sự nghiệp ổn định, một mái ấm bình dị cùng chồng và 2 con ngoan hiền. Hạnh phúc đó là điều mà bất cứ một người phụ nữ nào cũng có thể tự bằng lòng. Nhưng sức hút mãnh liệt của đồng tiền, của lòng tham đã cuốn tôi vào vòng xoáy, cuốn tôi khỏi tổ tấm bao người mơ ước… Bản án 15 năm tù giam vì tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến tôi đánh mất tất cả, sự nghiệp, danh dự, gia đình, hạnh phúc”, phạm nhân Đỗ Thị Thanh Hương trải lòng trên trang viết.

Ngoài viết, các phạm nhân còn vẽ về sinh hoạt, lao động cải tạo trong trại
Ngoài viết, các phạm nhân còn vẽ về sinh hoạt, lao động cải tạo trong trại 

Khát khao sửa chữa lỗi lầm

Phạm nhân Ngô Thị Ngân viết: Đọc những bức thư trong cuốn “Gửi lời xin lỗi” giúp chúng tôi nhận ra sai trái của mình, thẳng thắn đối diện và cố gắng vượt qua sợ hãi, mặc cảm sửa chữa những sai lầm... Cuốn sách cũng như níu kéo tôi sống chậm lại để biết suy nghĩ về gia đình, người thân, giúp tôi biết trân trọng những gì mình đang có, đã có và nỗ lực cải tạo tốt để sớm được trở về với cha mẹ, với chồng con, giúp tôi hướng thiện một cách tích cực.

Ngày hội đọc sách và cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” được Bộ công an phát động năm 2018. Tại Nghệ An, cuộc thi cũng đã được phát động cho tất cả phạm nhân ở các trại giam với nhiều bài viết cảm nhận về sách.

Đồng thời, một hội thi “Viết cảm nhận về sách” dưới hình thức sân khấu hóa cũng đã được Tổng cục VIII, Bộ Công an phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức. Đây là dịp giao lưu văn hóa ý nghĩa để các phạm nhân thể hiện năng khiếu, bày tỏ suy nghĩ tình cảm và cho họ có thêm niềm tin, sự lạc quan để cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về với xã hội và gia đình.

Ông Dương Duy Tiến – Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An chia sẻ: Trước khi cuộc thi diễn ra chúng tôi khá lo lắng. Nhưng rồi, sự tham gia nhiệt tình, sự hưởng ứng tích cực của các đội đã khiến cuộc thi thành công hơn mong đợi.

Cuộc thi không chỉ góp phần định hướng cho phạm nhân trong việc lựa chọn những đầu sách có ích cho bản thân trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Đồng thời, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực phấn đấu cải tạo tốt, dễ dàng hòa nhập khi trở về.

Để đáp ứng được nhu cầu đọc sách, trung bình khoảng 3 tháng/lần, Thư viện tỉnh Nghệ An sẽ luân chuyển các đầu sách cho các trại giam. Qua đó, không chỉ cung cấp đủ sách cho các thư viện ở trại mà còn xây dựng được các tủ sách mini đến từng các buồng giam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.