Bước lên con tàu mang tên 4.0

GD&TĐ -Giữa tháng 7, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”; trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang như một làn sóng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số là xu thế tất yếu
Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số là xu thế tất yếu

Công dân robot đầu tiên - Sophia: “Tôi đại diện cho kỷ nguyên 4.0”

Nhiều ý kiến phát biểu tại Diễn đàn khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ toàn cầu. Mà điều đó sẽ đến trong tương lai gần như một xu thế không thể đảo ngược.

Vấn đề đặt ra là, với Việt Nam, từ một nước chưa phát triển, có thể nhanh chóng “bước lên con tàu mang tên 4.0” hay không? Lo ngại đó là có cơ sở khi mà nhân lực lĩnh vực công nghệ của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Một điều thú vị không chỉ đối với những người tham dự Diễn đàn cấp cao CMCN 4.0 và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018) là sự xuất hiện của “công dân robot đầu tiên”- có tên Sophia. “Nữ” robot Sophia trong tà áo dài Việt Nam thu hút sự chú ý đặc biệt và còn đặc biệt hơn khi người máy thuyết trình về cuộc CMCN 4.0.

“Nữ công dân người máy đầu tiên trên thế giới” này, robot Sophia được kích hoạt vào ngày 19/4/2015, bởi kỹ sư David Hanson và cộng sự từ Công ty Hanson Robotics tại Hồng Kông (Trung Quốc). Lần đầu tiên robot Sophia xuất hiện trước công chúng là tháng 3/2016, tại Lễ hội South by Southwest (ở Austin, Taxas, Mỹ) với lời quảng cáo: “Đây là sản phẩm robot được cho là giống con người nhất với trí thông minh vượt trội”. Robot Sophia được thiết kế theo hình ảnh của nữ diễn viên Audrey Hepburn. Phần đầu được chế tạo bằng nhựa. Khuôn mặt (nhất là da mặt) được chế tạo từ chất liệu frubber - một chất liệu giúp làn da co giãn đàn hồi giống con người. Robot Sophia có xương gò má cao và mũi thon.

Đáng chú ý, các bộ phận bên trong cơ cấu máy móc của Sophia cho phép robot này có khả năng biểu cảm trên gương mặt và “bộc lộ cảm xúc”. Sophia được trang bị phần mềm để lưu trữ các đoạn hội thoại trong bộ nhớ và đưa ra các câu trả lời trực tiếp. Nó cũng có thể bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống, có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Hãng Hanson Robotics giới thiệu về Sophia trên trang web của mình rằng “bạn đừng khiếp sợ vì trước sau gì robot cũng sẽ trở thành người và chung sống giữa chúng ta”.

Ngày 25/7/2017 đã đi vào lịch sử khi Ả-rập Xê-út trở thành quốc gia đầu tiên công nhận “quyền công dân” cho robot Sophia. “Phát biểu khi nhận “hộ chiếu”, robot Sophia nói rằng: "Nếu quý vị đối đãi tốt với tôi thì tôi cũng tử tế với quý vị. Tôi sẽ cố hết sức dùng trí thông minh nhân tạo của mình để giúp thế giới tốt đẹp hơn". Tiếp đó, tại sự kiện do Ủy ban thứ hai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 11/10/2017, robot Sophia nói: "Tôi ở đây để giúp nhân loại tạo dựng tương lai, mà ở đó mọi người cùng cố gắng vì lợi ích chung". Tại đây, TS Kriti Sharma - Phó Chủ tịch mảng AI của hãng cung cấp hệ thống thanh toán Sage, nói rằng sẽ đến lúc máy móc có lòng trắc ẩn như con người, mà robot Sophia đang tiến gần tới điều đó.

Trở lại với Diễn đàn cấp cao CMCN 4.0 tổ chức tại Hà Nội, robot Sophia xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam, khi trả lời câu hỏi Việt Nam cần chiến lược gì để không tụt hậu - đã nói rằng: "Tôi đại diện cho kỷ nguyên 4.0 và tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người".

Robot Sophia trong tà áo dài Việt Nam

Robot Sophia trong tà áo dài Việt Nam

Cơ hội thực hiện khát vọng

Dù rằng còn nhiều hạn chế (so với những quốc gia phát triển trên nền tảng công nghệ) nhưng chủ trương “bước lên chuyến tàu 4.0” của Việt Nam được coi là khá sớm. Điều này thể hiện trong các văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, để chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA (hiệp định tự do thương mại), với độ mở nền kinh tế rất cao (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP). Việt Nam cũng sẽ không chậm chân trong cuộc CMCN 4.0. Phần lớn người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu với đà tăng trưởng thế giới. “Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ”- Thủ tướng nói tại Diễn đàn cấp cao CMCN 4.0.

Thủ tướng cũng kỳ vọng, mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực"- Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội. Cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người.

Không chấp nhận tụt hậu

Tuy nhiên, để có thể “bước lên chuyến tàu 4.0” thì cần có hạ tầng tốt về công nghệ và nguồn nhân lực. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: Coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996); hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là "Giáo dục đào tạo" và "Khoa học công nghệ".

Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng, trên thực tế chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần. Có lẽ vì thế mà ông Thiên đặt vấn đề: “Việc giải quyết những vấn đề của cuộc CMCN 4.0 phải trên nền tảng trả lời thấu đáo câu hỏi: Tại sao chúng ta là một dân tộc thông minh nhưng lại bị tụt hậu?".

“Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là “Không”. Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 và không để trôi qua. Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CMCN 4.0, Hà Nội ngày 13/7/2018 (Nguồn: VTV online)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.