Bước đột phá trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề tự chủ đại học. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã phỏng vấn đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM), Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu  phát triển TPHCM.

Bước đột phá trong tự chủ đại học

Lâu nay, nhiều người cho rằng, vấn đề tự chủ đại học vẫn còn nhiều bất cập, đến lát cái sàn cũng phải xin phép. Theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã tháo gỡ được bất cập nêu trên hay không?

- Tự chủ là vấn đề khá lớn và là chủ trương, chính sách đúng của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT, nhằm tạo đà phát triển cho các trường đại học.

 Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM), Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu  phát triển TPHCM

Tự chủ ở đây thì có nhiều mức độ tự chủ, tự chủ từng phần hoặc tự chủ toàn phần. Nếu tự chủ toàn phần thì cơ sở giáo dục đó hoàn toàn được quyết định tất cả từ nhân sự cho đến tài chính, cơ sở vật chất và học thuật. Còn tự chủ từng phần, chẳng hạn như cơ sở giáo dục chỉ tự chủ về khâu học thuật còn vấn đề nhân sự và tài chính vẫn do cơ quan chủ quản quyết định, thì việc báo cáo cấp trên là chuyên đương nhiên; nhất là vấn đề tài chính, càng cần phải được thực hiện minh bạch, đúng theo định mức đã quy định. Cho nên từ việc lát sân hay đầu tư cơ sở vật chất có liên quan đến ngân sách Nhà nước thì theo quy định vẫn phải có sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền liên quan.

Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước đang khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Tuy nhiên, quá trình tự chủ sẽ có lộ trình phù hợp. Tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà vẫn phải được Nhà nước kiểm soát. Chẳng hạn như học phí và các giá dịch vụ khác, nếu các đơn vị tự quyết thì trong khả năng chi trả của người dân sẽ rất khó.

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng trong quá trình phát triển luôn có mâu thuẫn phát sinh, đòi hỏi chúng ta phải cân đối một cách hợp lý. Mục đích là đảm bảo quyền học tập cho mọi người dân. Tức là các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải được Nhà nước kiểm soát, giám sát chứ không được tự do làm gì cũng được.

Tôi cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đề cập đến vấn đề này và đã tháo gỡ được phần nào những khó khăn bất cập trong vấn đề tự chủ đại học, kể cả ví dụ về lát sân mà chúng ta đang đề cập.

Từ thực tiễn của xã hội và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đại biểu có cho rằng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu và là bước đột phá cho các trường đại học?

"Để tự chủ thành công, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đảm bảo công bằng trong học tập giữa các tầng lớp nhân dân thì quá trình tự chủ phải được điều chỉnh và có sự giám sát Nhà nước. Quá trình này cần diễn    ra theo lộ trình chứ không phải cùng một lúc tất cả các trường đều thực hiện chính sách tự chủ” -
Đại biểu Trần Anh Tuấn 

- Thực tế cho thấy, đơn vị nào được tự chủ đều phát huy được nội lực để phát triển, chẳng hạn như trong lĩnh vực kinh tế và hiện nay là các bệnh viện của ngành y tế. Ngay trong ngành giáo dục cũng vậy, nhiều trường tự chủ đã rất thành công, chất lượng dịch vụ đào tạo ngày càng phát triển.

Tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, tự chủ được thực hiện giữa các trường đại học với Nhà nước và giữa nhà trường với các bộ phận trong trường. Nhiều trường vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhưng cũng có những trường tự chủ hoàn toàn và họ đã đạt được bước phát triển rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn như mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn như ở Malaysia; mô hình bán tự chủ như ở Pháp và New Zealand; mô hình bán độc lập ở Singapore; mô hình độc lập như ở Anh, Australia. Hay như ở Mỹ, mức độ tự chủ đại học cũng khá rộng, từ mức Nhà nước chỉ giám sát ở các đại học nghiên cứu cho đến mức Nhà nước kiểm soát ở các trường cao đẳng cộng đồng.

Thực tế cho thấy, các trường sẽ vận hành tốt hơn nếu được nắm vận mệnh của chính mình. Đây là lý do các trường đại học Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), ĐH Quản lý Singapore (SMU), được chính phủ nước này chấp nhận trở thành đại học tự chủ. Đây là quyết định có tính chiến lược tạo ra sự khác biệt, định hướng về thế mạnh cho mỗi trường để đạt được thành tích xuất sắc về học thuật. Các trường nói trên hiện đang là mô hình đáng mơ ước của sinh viên thế giới.

Có thể nói, xu thế chung hiện nay là giao quyền tự chủ cho các trường và tạo sự công bằng giữa trường công - trường tư trong giáo dục, đào tạo.

Như vậy, các trường phải đổi mới và nỗ lực rất nhiều để bắt nhịp với xu hướng tự chủ?

- Đúng vậy! Các trường phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện từ chương trình đào tạo đến phương thức quản lý và phương pháp đào tạo… Tất cả những điều đó mới có thể giúp các trường thích ứng được với cơ chế mới – cơ chế về tự chủ đại học.

Xin cảm ơn đại biểu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.