Bước đi đột phá trong ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam

GD&TĐ - 'Wolfoo và hòn đảo kỳ bí' - bộ phim hoạt hình Make in Vietnam đầu tiên được phát hành thương mại trên các cụm rạp toàn quốc đã ghi dấu ấn đặc biệt.

Ekip làm phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí.

Ekip làm phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí.

Cột mốc đáng chú ý ngành công nghiệp hoạt hình Việt

Nền công nghiệp hoạt hình Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế trong khu vực và trên thế giới. Song song với sự phát triển của thị trường phim ảnh, ngành hoạt hình đã có những điểm sáng mang tính đột phá, tốc độ tăng trưởng nhanh và ấn tượng.

Một số đơn vị tư nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất phim hoạt hình, phát huy sự sáng tạo, đổi mới về nội dung, đề tài và cách tiếp cận người xem. Tuy nhiên, để mở rộng ra toàn cầu, phim hoạt hình Việt vẫn cần một cú hích đủ mạnh để đánh dấu bước chuyển mình hiệu quả.

Nhiều sản phẩm hoạt hình của Việt Nam thời gian gần đây đã có sự đầu tư chỉn chu về mặt nội dung, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa và nâng cấp về công nghệ sản xuất. Mới đây, bộ phim “Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí” do Sconnect sản xuất đã chính thức công chiếu trên màn ảnh rộng - đánh dấu cột mốc đáng chú ý của ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam.

Nhân sự kiện đặc biệt này, Học viện đào tạo hoạt hình Quốc tế Sconnect đã tổ chức Watch - Talk: Giải mã "Hòn đảo kỳ bí" cùng ekip làm phim Wolfoo, nằm trong chuỗi hoạt động của Học viện và kết nối ekip làm phim cùng các bạn trẻ có niềm đam mê với hoạt hình.

Sự kiện đã mang đến nhiều góc nhìn mới về quy trình làm phim hoạt hình, giải đáp những thắc mắc của khách mời về hành trình “mở rộng” màn ảnh cho các bạn yêu thích chú sói Wolfoo.

Lần đầu tiên công chiếu trên YouTube từ năm 2018, Wolfoo đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, bộ phim hoạt hình Make in Vietnam từng lọt vào Top 5 kênh YouTube có nhiều lượt xem nhất tại Mỹ. Và hiện nay, khán giả chính thức được xem chú sói Wolfoo cùng nhóm bạn đáng yêu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trưởng nhóm sản xuất Thơ Phan đã chia sẻ về quá trình xây dựng kịch bản và tạo chuyển động cho bộ phim: “Hành trình 8 tháng mang bộ phim hoạt hình thương hiệu Việt lên màn ảnh rộng có rất nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ekip trải nghiệm những điều mới, đảm nhiệm những cương vị mới”.

Trưởng nhóm sản xuất Thơ Phan.

Trưởng nhóm sản xuất Thơ Phan.

“Một bộ phim điện ảnh cần đảm bảo yếu tố giải trí kèm theo việc nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý người xem mới có thể giữ chân họ trong quãng thời gian từ 90 - 120 phút. Yêu cầu cao về chất lượng nên cần quy mô nhân sự nhiều hơn kéo theo đó là chi phí cũng tăng. Đoàn làm phim chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên việc tìm hiểu về tiêu chuẩn kỹ thuật số tại rạp, lồng tiếng và các định dạng rạp khác hoàn toàn với nền tảng YouTube trở thành thách thức lớn", đại diện nhóm sản xuất cho biết thêm.

Đào tạo hoạt hình được chú trọng và đề cao

“Muốn thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam trong phim hoạt hình ra toàn thế giới, chúng ta phải tìm cách để công chúng chấp nhận và tiếp cận với nó. Đặc biệt, phải cân bằng giữa giá trị nghệ thuật, nhu cầu của khán giả và xu hướng phát triển, cần có bước đi cụ thể trong xây dựng thương hiệu văn hóa”, ông Phan Quân Dũng - Trường Đại học Văn Lang bày tỏ quan điểm.

Muốn tạo nên những tác phẩm hoạt hình giàu tính nhân văn và mang đậm dấu ấn Việt Nam thì đội ngũ làm phim cần được đào tạo và có sự trang bị kiến thức nền tảng vững vàng. Chú trọng đào tạo, tăng cường thực hành nhằm tạo tiền đề cho nguồn nhân lực đầu ra đạt chất lượng tốt hơn.

CEO Sconnect Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay đã có Quỹ đầu tư phim hoạt hình nhằm mục đích ủng hộ và hỗ trợ các nhà làm phim. Hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi đam mê, nhiệt huyết mang lại nhiều trải nghiệm giá trị. Bệ phóng cho các tài năng đã sẵn sàng, hội tụ đầy đủ năng lực sản xuất và phát hành, hứa hẹn năm sau sẽ là một năm bùng nổ hơn nữa của ngành hoạt hình Việt Nam".

CEO Sconnect chia sẻ về định hướng tương lai của ngành hoạt hình Việt.

CEO Sconnect chia sẻ về định hướng tương lai của ngành hoạt hình Việt.

Tham gia sự kiện Watch - Talk: Giải mã "Hòn đảo kỳ bí" cùng ekip làm phim Wolfoo của Sconnect Academy tổ chức, khán giả có thể gặp gỡ trực tiếp, trao đổi và tranh luận cùng nhà sản xuất về những khó khăn, thách thức trong quá trình làm phim.

Anh Phạm Minh Văn - học viên khóa 2D Animation tại Sconnect Academy chia sẻ về những điều học hỏi được sau khi tham gia sự kiện: “Một quá trình làm phim đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, chưa kể thời gian chiếu rạp dài cũng là khó khăn lớn. Để chiếu được 1 phút trên phim thì ekip mất hơn 1 tuần dựng và diễn hoạt. Một nhân vật có nhiều khớp nối và để chuyển động của nhân vật mượt mà đòi hỏi sự kỳ công không nhỏ, có khi những người sản xuất phải tự ghi hình lại chuyển động của chính mình để minh họa, tránh tình trạng cử động bị gượng gạo đứt quãng. Những điều này nếu không được học và trải nghiệm thực tế thì khó mà làm tốt được”.

Chuỗi sự kiện Watch-Talk là một trong những chương trình định kỳ hàng tháng của Học viện Sconnect nhằm tri ân sự gắn bó, đồng hành của học viên, giảng viên và đối tác của Sconnect Academy. Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 7/2023 và đều đặn diễn ra vào các tuần cuối cùng hàng tháng. Đây vừa là cơ hội để các bạn học viên trải nghiệm những bộ phim hoạt hình hấp dẫn; đồng thời tích lũy được kiến thức từ các diễn giả dày dặn kinh nghiệm trong ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.